Báo Đồng Nai điện tử
En

'Cất cánh' cùng 'siêu sân bay' Long Thành

09:02, 06/02/2021

Hàng loạt dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã được hoàn thành. Kỳ vọng về một sân bay lớn nhất cả nước cũng đã được hiện thực hóa khi dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được "bấm nút".

Hàng loạt dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã được hoàn thành. Kỳ vọng về một sân bay lớn nhất cả nước cũng đã được hiện thực hóa khi dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được “bấm nút”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh nhấn nút khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào tháng 1-2021
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh nhấn nút khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào tháng 1-2021

* Những dấu mốc quan trọng của “siêu” dự án

Năm 2020 được xem là năm bản lề để hoàn tất các công tác chuẩn bị cho việc xây dựng sân bay Long Thành. Cũng chính vì vậy, nhiều dấu mốc quan trọng của dự án cũng đã được hoàn thành.

Ngày 11-11-2020 đánh dấu một trong những dấu mốc quan trọng nhất khi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức được Chính phủ ký quyết định phê duyệt.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có quy mô một đường cất - hạ cánh; một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 hơn 109 ngàn tỷ đồng. Dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần và thời gian thực hiện từ năm 2020-2025.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá, nếu dự án Sân bay Long Thành hoàn thành, đưa vào sử dụng thì có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.

Cũng theo ông Vũ Thế Phiệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án tổng thể, ACV sẽ triển khai các bước tiếp theo thực hiện quyết định đầu tư các dự án thành phần theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư. “Hạng mục đầu tiên của dự án là công tác rà phá bom mìn sẽ được triển khai” - ông Vũ Thế Phiệt cho hay.

Để chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, trong suốt gần 2 năm trước thời điểm dự án được phê duyệt, Đồng Nai đã nỗ lực “chạy đua” tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng. Thành quả của những nỗ lực đó là hàng loạt dấu mốc đã được tỉnh thiết lập, đóng góp chung vào thành công của dự án.

Ngày 20-4-2020, năm gói thầu ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, nơi bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi thuộc dự án sân bay Long Thành được khởi công xây dựng. 

Chưa đến 1 tháng sau, ngày 18-5-2020, 17 hộ dân đầu tiên có đất bị thu hồi trong phạm vi dự án sân bay Long Thành đã được UBND H.Long Thành thực hiện chi trả gần 70 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, nguồn vốn đầu tư cho dự án sẽ làm tăng GDP rất lớn cho tỉnh. Bên cạnh đó, các tuyến đường cao tốc và các tuyến giao thông kết nối sân bay được đầu tư xây dựng sẽ tạo ra cơ hội cho Đồng Nai “cất cánh”.

Ngày 20-10-2020, hơn 2,5 ngàn ha đất trong tổng diện tích 5 ngàn ha xây dựng sân bay Long Thành chính thức được Đồng Nai bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Nam. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng: “Đồng Nai đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, đến tháng 10-2020, bàn giao hơn 1,8 ngàn ha giai đoạn ưu tiên”.

Đến ngày 4-12-2020, 94 hộ dân đầu tiên thuộc vùng dự án Sân bay Long Thành đã thực hiện bốc thăm vị trí, nhận đất tái định cư tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình giúp người dân vùng dự án vốn chịu nhiều thiệt thòi, nhường đất vì lợi ích chung của đất nước ổn định cuộc sống mới.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, sân bay Long Thành là dự án có diện tích đất cần giải phóng mặt bằng rất lớn, lên đến 5 ngàn ha. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 1 năm, Đồng Nai đã cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ diện tích. “Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng nhất của dự án Sân bay Long Thành” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

* Phát huy tốt lợi thế từ “siêu sân bay” Long Thành

Ngày 5-1-2021 đã trở thành thời điểm ghi dấu mốc lịch sử của dự án Sân bay Long Thành khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát lệnh khởi công giai đoạn 1 - dự án thành phần 3 của dự án. “Sân bay Long Thành là một trong 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi lễ khởi công.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Bộ GT-VT thực hiện nghi thức bàn giao đất trên thực địa phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào tháng 10-2020. Ảnh: P.Tùng
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Bộ GT-VT thực hiện nghi thức bàn giao đất trên thực địa phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào tháng 10-2020. Ảnh: P.Tùng

Theo dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, đến năm 2025, dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào khai thác. Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, với quỹ thời gian chỉ có 5 năm, trong khi đây lại là một dự án rất lớn, nên cần phải có sự nỗ lực rất lớn của nhà đầu tư để thực hiện. “Với sự nỗ lực của tất cả các đơn vị liên quan, tôi nghĩ rằng dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đúng tiến độ” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.

Với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi hoàn thành và đưa vào khai thác không chỉ nâng cao nâng lực vận tải hàng không mà còn tạo ra động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Thi công các công trình hạ tầng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn
Thi công các công trình hạ tầng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý chỉ với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua đó, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả quốc phòng - an ninh. “Hệ thống sân bay Việt Nam, trong đó có sân bay Long Thành, sẽ đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong thời gian tới” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đối với Đồng Nai, tỉnh đã xác định sân bay Long Thành chính là động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả trong giai đoạn xây dựng và khi đưa vào khai thác. “Quá trình xây dựng sân bay Long Thành thì một khối lượng vốn lớn lên đến hàng tỷ USD đổ dồn về cho Đồng Nai. Khi đi vào khai thác, sân bay Long Thành cũng sẽ thúc đẩy giá trị lĩnh vực thương mại, dịch vụ lên hẳn” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, những tác động của sân bay Long Thành sau khi đi vào khai thác đến quá trình phát triển các vùng huyện của Đồng Nai mới chính là giá trị lớn nhất và cần được khai thác tốt. “Tỉnh đi học tập kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế, cụ thể là sân bay Incheon (Hàn Quốc). Hiện nay, Đồng Nai cũng đang quy hoạch vùng H.Long Thành trở thành thành phố sân bay để tính toán tất cả những lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.

Trong quy hoạch để phát huy lợi thế của sân bay Long Thành, Đồng Nai sẽ tính toán tất cả những tác động đến phát triển của các vùng huyện khi sân bay đi vào hoạt động. Từ đó, “phân chia” để huy động nguồn lực đầu tư. Những dự án nào cần đầu tư từ ngân sách nhà nước, những dự án nào có thể kêu gọi đầu tư nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố sân bay hiện đại. 

Phạm Tùng

Tin xem nhiều