Đồng Nai chưa một lần được đón Bác vô thăm nhưng hình ảnh của Bác luôn ngự trị trong trái tim, tâm thức nhân dân vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng.
Đồng Nai chưa một lần được đón Bác vô thăm nhưng hình ảnh của Bác luôn ngự trị trong trái tim, tâm thức nhân dân vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng.
Bác Hồ được thờ tự tại nhà bái đường Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Huy Anh |
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, do không có điều kiện, nhất là trải qua hai cuộc kháng chiến, nhưng hình ảnh của Bác luôn tồn tại trong lòng người Đồng Nai chủ yếu qua lòng tin và trí tưởng tượng. Từ một số bức ảnh hiếm hoi trên báo, trên tín phiếu và từ lời kể của một ít người may mắn được gặp Bác, nhân dân Đồng Nai hình dung Bác Hồ là một “ông già tiên” với những đặc điểm ngoại hình đẹp nhất và đức tính hoàn hảo nhất. Những chuyện kể có thật về Bác được truyền khẩu, nhân gian hóa, đầu óc tưởng tượng của người bình dân thêu dệt thành những chuyện kể, truyền thuyết khiến nhiều người thuộc lòng hình ảnh của Người.
* Bác là động lực…
Khi kể chuyện về Bác cũng là khi người ta truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và chí hướng theo con đường của Bác. Có những mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Phước An (H.Nhơn Trạch) khi tiễn chồng con đi tòng quân với lý lẽ rất đơn giản: đi theo Cụ Hồ là đi với cái đúng! Một chiến sĩ du kích Chiến khu Đ bị lính Pháp mổ bụng vẫn không ly khai Cụ Hồ. Ngày nay ở xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) vẫn còn con đường mòn, dân gian gọi là đường Hồ Chí Minh, vì khi những chiến sĩ cách mạng của ta bị quân giặc đưa đến bãi bắn, qua con đường này thường hô vang tên Người với niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai thắng lợi.
Trong tâm thức của nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Đồng Nai nói riêng, Bác Hồ là hiện thân của cái đúng, cái đẹp, cái cao quý. Bác là tấm gương đạo đức sáng ngời, nhiều người đã lấy tấm gương của Bác là động lực giúp mình vượt qua những lúc gian lao, thử thách. Bất cứ hiện vật gì liên quan đến Bác Hồ đều được người Đồng Nai trân trọng, thành kính.
Theo một số cán bộ Bảo tàng Đồng Nai, vào những năm tháng kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ đã ấn hành nhiều loại giấy bạc Việt Nam, còn gọi là tín phiếu dùng lưu hành nội bộ trong các vùng giải phóng. Trong các tờ giấy bạc có in chân dung Bác Hồ. Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết, đồng tiền này không còn giá trị về kinh tế nhưng trên tấm tín phiếu có chân dung của Bác nên nhiều đồng bào ta ở miền Nam đã cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Để tránh sự lùng sục của giặc Mỹ tìm kiếm ở các nhà dân xem có hình ảnh của Bác hoặc liên quan đến cách mạng, người dân miền Nam đã cất giấu những tờ giấy bạc Cụ Hồ bằng nhiều hình thức. Trong đó gia đình ông Nguyễn Văn Ưu, ấp Quới Thạnh, xã Phước An, H.Nhơn Trạch đã bỏ những tờ giấy bạc vào chai, nút chặt lại rồi đem vào rừng chôn, sau đó thấy không an tâm, ông lại bí mật đào lên đem về chôn tại nhà. Đến năm 1977, ông Ưu đã đem những tờ giấy bạc đó tặng cho Nhà Bảo tàng Đồng Nai.
* Tấm lòng người Đồng Nai với Bác
GS-TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, Hồ Chí Minh không có ham muốn nào ngoài ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Vì thế, khi đất nước còn bị chia cắt, miền Nam còn dưới ách thống trị thực dân, Người đã nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao bằng khen của UBND tỉnh cho các điển hình có thành tích trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. Ảnh: Huy Anh |
Khi nghe tin Bác Hồ mất, nhân dân Đồng Nai cũng như cả nước mang nỗi đau quặn thắt trong tim. Với lòng tiếc thương vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam, nhân dân Đồng Nai cùng cả nước biến đau thương thành hành động, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi Bác mất, bà con ở nhiều làng ấp đã lập nên những đền thờ Bác để tưởng nhớ về Bác và nhiều gia đình có bàn thờ Bác, như minh chứng cho tấm lòng người dân đối với vị lãnh tụ kính yêu vô hạn của toàn dân ta.
Tại đình Phú Mỹ (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch), năm 1969 sau khi nghe tin Bác mất, nhân dân ở đây đã có sáng kiến độc đáo tạo 3 bức hoành phi với nội dung: Hồ nhiên nhi thiên; Chí vọng thâm ân; Minh hoài hậu đức. Để tránh sự phát hiện của giặc, 3 bức hoành phi này treo rời nhau ở chính điện, dân địa phương đọc 3 chữ đầu câu ngầm hiểu tưởng niệm Bác Hồ nhưng ngụy quân, ngụy quyền đến tế thần hằng năm lại không phát hiện được.
Tại Văn miếu Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) - một công trình văn hóa tâm linh của cộng đồng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt thờ tại chính điện của bái đường.
Ở đền thờ quốc Tổ Hùng Vương (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa), tượng Bác Hồ được đặt trong chính điện, trên là Vua Hùng, dưới là Bác. Ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng ban Quản lý đền thờ quốc Tổ Hùng Vương cho biết, vào ngày lễ chính của đền là 10-3 âm lịch (giỗ Tổ Hùng Vương) và ngày 21-7 âm lịch (ngày giỗ Bác), cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tới thăm viếng, dâng hương, hoa lên các bậc tiền nhân và Chủ tịch Hồ Chí Minh để tỏ lòng thành kính, khắc ghi công lao trời biển của ông cha ta vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Ngoài ngày lễ chính của đền, đền thờ quốc Tổ Hùng Vương cũng như rất nhiều địa điểm khác có thờ Bác Hồ đều mở cửa đón nhân dân vào thăm viếng và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Hình ảnh của Bác Hồ đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 50 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã tích cực đồng hành cùng với cả nước thực hiện hoài bão lớn nhất của Người là Tổ quốc được độc lập, nhân dân được hạnh phúc. Bằng đường lối tư duy sáng tạo, đổi mới, ý chí tự lực, tự cường và truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, quân và dân Đồng Nai đã cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt những thành tựu nổi bật và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa, quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, nhớ về Bác, những năm qua cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, thiết thực; trong đó đã tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị - một chỉ thị có ý nghĩa lớn về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy trên địa bàn tỉnh rất quan tâm chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa để tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ thị này.
Theo đó, ở trên từng lĩnh vực đều có những tấm gương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo Bác, phù hợp với công việc của từng cá nhân, đơn vị, rất thiết thực, đáng trân trọng; làm chuyển biến rõ nét trong hành động cách mạng, trong ứng xử và thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của mỗi tập thể, cá nhân. Bác là tấm gương đạo đức sáng ngời, nhiều người đã lấy tấm gương của Bác làm động lực để giúp mình vượt qua những lúc khó khăn, thử thách…
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, người dân Đồng Nai coi Bác Hồ là biểu tượng tinh thần không phải bắt nguồn từ mệnh lệnh, quyền uy mà xuất phát từ tấm lòng. Trước hết là tấm lòng của Bác. Sự quan tâm đồng cảm của Người khiến cho người Đồng Nai xúc động và từ đó khơi dậy những động lực tinh thần. Người đã thấu hiểu hoàn cảnh của phu làm muối ở Bà Rịa; cảm thông, chia sẻ “nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ”. Để bảo vệ lợi ích và danh dự của nhân dân Biên Hòa, Người vạch trần thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp trong việc xây “Đài kỷ niệm” gọi là “tưởng niệm các chiến sĩ vong thân vì mẫu quốc Đại Pháp”. Đêm 31-10-1964, quân dân Đồng Nai lập chiến công vang dội ở sân bay Biên Hòa, 12 ngày sau, Bác có bài viết và thơ chung vui đăng Báo Nhân Dân: “...Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng/ Điện Biên Mỹ chẳng phải chờ lâu”. |
Phương Hằng