Nếu một ai từ địa phương khác tới hoặc bạn coi tivi, đọc báo, đọc sách thấy những hàng quán của người Nam bộ luôn có dòng chữ "bao ăn", "bao ngọt", "bao đủ ký", "bao giá", "bao rẻ", "bao chắc", "bao đẹp", thậm chí "bao no"… thì đó là nét văn hóa đặc sắc của người Nam bộ. "Bao" ở đây tức là đảm bảo chứ không có nghĩa là có người khác trả tiền.
Nếu một ai từ địa phương khác tới hoặc bạn coi tivi, đọc báo, đọc sách thấy những hàng quán của người Nam bộ luôn có dòng chữ “bao ăn”, “bao ngọt”, “bao đủ ký”, “bao giá”, “bao rẻ”, “bao chắc”, “bao đẹp”, thậm chí “bao no”… thì đó là nét văn hóa đặc sắc của người Nam bộ. “Bao” ở đây tức là đảm bảo chứ không có nghĩa là có người khác trả tiền.
Ảnh minh họa: Hoàng Lộc |
Ca dao xưa có câu: “Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” để muốn nói rằng đã là buôn bán thì đó là “buôn gian, bán lận” cũng như mẹ chồng thì có bao giờ yêu thương gì con dâu. Sai, trăm lần sai, ngàn lần sai ít nhất là trong trường hợp buôn bán này của đồng bào Nam bộ. Có lẽ quan niệm cứ buôn bán là xấu là bởi chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo chăng? Theo quan niệm của người Việt xưa thì nghề nông là căn bản “dĩ nông vi bản”. Vậy nên mới có “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ” nên người Việt xưa ít làm nghề buôn bán và những ai làm nghề buôn bán thường bị coi thường. Ở đời, phàm cứ coi thường người ta hoài rồi cũng giống như anh mõ làng xưa. Anh mõ làng vốn cũng làm một cái “nghề” rất quan trọng của buổi thông tin chủ yếu qua rỉ tai nhau và “thông tấn xã vỉa hè”. Vậy nên mỗi khi làng có việc anh được xếp riêng một mâm nhưng người ta chê anh làm nghề hạ tiện và… không chịu ngồi cùng mâm với mõ. Nghề buôn bán xưa có lẽ cũng vì bị coi thường nên mãi về sau khi xã hội đã thay đổi căn bản thì suy nghĩ của nhiều người vẫn còn “thương trường là chiến trường”. Thực ra thì trong một nền thương mại văn minh, thương trường không hề là chiến trường mà là nơi cả hai cùng thắng với triết lý win - win.
Có lẽ đồng bào Nam Bộ vốn tiếp xúc sớm với nền kinh tế thị trường và do điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử nên gọi những người buôn bán với mình là bạn: “bạn hàng”. Vì coi nhau là bạn nên luôn lo nghĩ làm sao để bạn có lời nhiều nhất. Đó là lý do mà một chục của đồng bào Nam bộ không bao giờ là 10 mà là 12, 14, 16 thậm chí 18. Sở dĩ một chục nhưng lại không phải là 10 bởi sợ “bạn” mang hàng đi xa hư hao sẽ không có lời nên bỏ thêm lên để nếu có hư hao cũng không bị… lỗ. Vậy nên, nếu những hàng hóa nào ít hư hao, chẳng hạn trái dừa thì chục sẽ là 12, nhưng những loại trái dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển như vú sữa, xoài, cam thì chục lên 14 và hơn thế nữa.
Nếu thấy một hàng bán sầu riêng để hai chữ “bao ăn” thì điều ấy đồng nghĩa với việc bảo đảm mua về ăn mà bị sượng hay không giống quảng cáo thì mang ra đổi lấy quả khác. Thấy hàng cua biển có dòng chữ “bao đủ” thì có nghĩa là 1 ký là 1.000 gam chứ không phải như ai kia 1 ký nhưng chỉ có 700 gam hoặc đủ 1.000 gam nhưng mất 300 gam là… dây buộc. Nếu thấy đề mấy chữ “bao ăn từng con” có nghĩa là đảm bảo tất cả các con cua đều ngon. “Bao rẻ” thì tức là cùng mặt hàng đó ở đây có giá thấp nhất. “Bao no” thì coi chừng sẽ được bê ra một tô mà phải thêm vài người nữa mới có thể dùng hết v.v…
Có người khi nghe chuyện này nói rằng mua là coi như xong chứ ở đó mà đòi đổi lại nếu không muốn… ăn chửi. Đã đành ở đâu cũng có người tốt, người xấu và đâu đâu cũng có tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” nên nhiều khi tất cả cái “bao” mà hàng đó treo lên bỗng nhiên trở thành “bao tức”. Thế nhưng, nếu ai đó nghe chuyện này nếu chỉ buông thõng một nhận xét như vậy thì chưa hiểu nét văn hóa đặc sắc này của đồng bào Nam bộ. Khi người bán hàng treo chữ “bao” là đang bán niềm tin chứ không phải treo lên cho có để lừa khách hàng rồi cãi nhau… mắc mệt. Thế nhưng như đã trình bày, cái sự bao cũng vô cùng, cũng trời đất lắm. Vậy nên mới có cả bao tếu, bao hài, bao tức v.v…
Từ cái chuyện “bao” của đồng bào Nam bộ, lại ước gì lĩnh vực nào cũng có cái “bao” thì quá tốt. Một cuốn sách “bao chuẩn” tức không để sai sót. Một quy trình hành chính “bao không tiêu cực” tức là không nhận phong bao, phong bì. Một tổ chức có slogan “bao hài lòng”, “bao không tham nhũng, tiêu cực”, một dự án “bao công khai, minh bạch”, một đợt cứu trợ “bao minh bạch, chính xác, công bằng” thì tốt biết bao.
Ôi, sự “bao” cũng lắm công phu và nhiều mơ mộng!
Vũ Trung Kiên