Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viện dã chiến: Dấu ấn một thời không quên…

05:01, 28/01/2022

Trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, Đồng Nai đã gấp rút thành lập 11 bệnh viện dã chiến (BVDC) với quy mô 10 ngàn giường để tiếp nhận, điều trị hàng ngàn ca F0 mỗi ngày.

Trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chỉ trong một thời gian ngắn, Đồng Nai đã gấp rút thành lập 11 bệnh viện dã chiến (BVDC) với quy mô 10 ngàn giường để tiếp nhận, điều trị hàng ngàn ca F0 mỗi ngày.

Ở môi trường bệnh viện dã chiến, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 7 vẫn tận tình chăm sóc, thăm khám và động viên F0 trong quá trình điều trị bệnh
Ở môi trường bệnh viện dã chiến, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 7 vẫn tận tình chăm sóc, thăm khám và động viên F0 trong quá trình điều trị bệnh

Với niềm tin chiến thắng dịch bệnh, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên đã ngày đêm chung tay “chiến đấu” để giành giật sự sống cho các F0 bằng tất cả sự tận tâm, tận lực. Với những người đã từng đặt chân đến BVDC, khó có thể quên được những ngày tháng sống và làm việc ở nơi đây… 

* Ký ức về những tháng ngày dịch Covid-19 bùng phát

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4-2021, đến tháng 6, 7-2021 nhanh chóng lây lan nhanh trong cộng đồng, nhất là các tỉnh, thành trọng điểm phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Với hàng ngàn ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày nên việc thành lập những nơi tập trung cách ly, điều trị cho các F0 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ và vừa là vô cùng cấp thiết. Từ đó, 11 BVDC được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động trên cơ sở trưng dụng cơ sở hạ tầng của các trường học, ký túc xá các trường đại học, cao đẳng, doanh trại quân đội…

Khoảng thời gian 21 ngày cách ly, điều trị trong BVDC số 1 (đặt tại Trung tâm Y tế H.Thống Nhất) vẫn là ký ức khó quên của anh Trần Việt Thành (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa), từng là bệnh nhân Covid-19. Anh Thành kể, đầu tháng 7-2021, vợ anh đi lấy thực phẩm ở chợ đầu mối Tân Biên
(TP.Biên Hòa) và bị nhiễm Covid-19, rồi về lây cho 5 người trong nhà. Cả gia đình anh được đưa đi cách ly tại BVDC số 1 khi chưa ai trong nhà anh được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Trung tá Nguyễn Văn Phương, Trợ lý quân lực Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong một buổi họp giao ban với các nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 3 trước mỗi ngày làm việc khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp
Trung tá Nguyễn Văn Phương, Trợ lý quân lực Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trong một buổi họp giao ban với các nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 3 trước mỗi ngày làm việc khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp

Sau 5 ngày điều trị tại BVDC số 1, mẹ anh Thành (79 tuổi) do có bệnh nền nên bệnh trở nặng. Bà nhanh chóng được chuyển về Bệnh viện Phổi Đồng Nai (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) để điều trị. Nhưng chỉ 4 ngày sau, mẹ anh đã ra đi vĩnh viễn. Rồi đến anh Thành trở nặng, anh cũng được đưa về Bệnh viện Phổi Đồng Nai điều trị. Lúc ấy, anh nghĩ mình sẽ không có ngày trở về. Song, nhờ được điều trị tích cực, sự động viên, chăm sóc của các bác sĩ, tình nguyện viên ở đây, anh đã dần khỏe lại.

Anh Thành tâm sự: “Nằm điều trị trong phòng bệnh nặng, người thân không được vào chăm sóc, đối diện với “cửa tử”, tôi mới thấy sự tận tâm, tận tình của đội ngũ y, bác sĩ đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn để điều trị, cứu sống tôi qua cơn bạo bệnh thật đáng quý. Tôi vô cùng biết ơn”. 

Thời gian đầu, sự hiểu biết về dịch bệnh Covid-19 của nhiều người còn khá hạn chế, nhất là những người mắc bệnh nan y lại càng hoang mang hơn khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Vì thế, khi trở thành F0 trong lúc đang điều trị ung thư đại tràng đã khiến bà Trần Thị Hương (ngụ P.Phước Tân) vô cùng lo lắng.

Được đưa vào BVDC số 8 (đóng tại ký túc xá Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2, ở xã An Phước, H.Long Thành), nhìn những dãy phòng đầy người bệnh, bà Hương rất lo lắng. Mỗi lần nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đến rồi đi, nhìn những nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ hối hả cấp cứu bệnh nhân trở nặng, tim bà lại đập mạnh. Nỗi sợ hãi lớn nhất khi một số người ở cùng phòng với bà được vài ngày thì bệnh chuyển nặng, được đưa về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất điều trị và thường các ca này khó qua khỏi.

Nhân viên y tế ở Bệnh viện Dã chiến số 6 chào nhau qua song cửa phòng bệnh nặng
Nhân viên y tế ở Bệnh viện Dã chiến số 6 chào nhau qua song cửa phòng bệnh nặng

Bà Hương kể, mỗi sáng bà được khuyến khích ra sân tập thể dục dưới nắng sớm. Thường thì khoảng thời gian này giúp bà tạm quên cảm giác hoang mang, lo lắng về sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19… Nhờ các bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ tận tình từ thuốc men đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, động viên bà điều trị đúng phác đồ nên bà đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, 14 ngày trong BVDC số 8 là sự trải nghiệm rất khó quên đối với bà.

* Lặng thầm những “chiến sĩ áo xanh”

Từ tháng 6 đến tháng 8-2021 là đỉnh dịch của Đồng Nai khi số ca F0 tăng rất nhanh và tử vong cũng rất nhiều. Dù BVDC là khu dành cho những F0 ở thể nhẹ và vừa, nhưng mỗi ngày các BVDC phải tiếp nhận hàng trăm đến cả ngàn ca F0 nên các bác sĩ và nhân viên y tế, tình nguyện viên ở đây luôn làm việc với cường độ cao, áp lực lớn. Đây là khoảng thời gian khó phai không chỉ đối bệnh nhân mà cả đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại đây.

Từ khi BVDC số 3 (đóng tại ký túc xá Trường đại học Mở TP.HCM cơ sở 2, P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) thành lập đến khi giải thể (ngày 10-12), trung tá Nguyễn Văn Phương, Trợ lý quân lực Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên Giám đốc BVDC số 3 mới được về nhà. Hơn 200 ngày ở tuyến đấu chống dịch, khoảng thời gian chưa phải là dài với một đời người, nhưng không hề ngắn trong cuộc đời binh nghiệp của anh. Với Trung tá Phương, đây là quãng thời gian anh nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến số 6 đến thăm khám, động viên một F0 bị stress nặng khi vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 6
Nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến số 6 đến thăm khám, động viên một F0 bị stress nặng khi vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 6

Cùng phục vụ trong quân đội nên trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, vợ trung tá Phương cũng phải tham gia “trực chiến” 24/24 giờ tại đơn vị. Hai con nhỏ của anh chỉ 6 và 10 tuổi phải gửi ở nhà hàng xóm vì nội ngoại đều ở xa. Vì 2 con còn quá nhỏ, lại gửi hàng xóm nhiều tháng liền nên nỗi lo lắng của vợ chồng trung tá Phương mỗi ngày một lớn khi dịch bệnh mỗi lúc một căng thẳng, nhưng không thể bên cạnh chăm lo cho các con.

Rồi điều trung tá Phương lo lắng nhất đã đến, gia đình người hàng xóm và 2 con của anh bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Đang làm nhiệm vụ, trung tá Phương không thể về với con. Ở trong BVDC, anh cùng nhân viên y tế làm nhiệm vụ chăm sóc người F0, nhưng chính con mình thì không thể tự tay chăm sóc mà phải gửi gắm các đồng nghiệp. Rất may, các con của anh nhanh chóng hồi phục và gia đình đã được đoàn tụ sau nhiều tháng liền xa cách.

Những ngày “đóng quân” ở BVDC số 6 vừa qua cũng là quãng thời gian không quên đối với BS Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. BS Huyên cho biết, khi có quyết định của tỉnh, chỉ trong 36 giờ làm ngày, làm đêm, đội ngũ nhân viên y tế và các tình nguyện viên đã biến ký túc xá Trường đại học Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) thành BVDC số 6 với quy mô 1,2 ngàn giường bệnh.

BS Huyên tâm sự, trong cuộc đời y nghiệp của mình, chưa bao giờ ông phải đối mặt với những cung bậc cảm xúc buồn, vui, đau đớn, vỡ òa... đến như vậy. Thời gian tháng 7-2021 cao điểm của dịch bệnh, BVDC số 6 mới được thành lập hôm trước, hôm sau đã gần kín chỗ. Đặc biệt, không khí trong BVDC rất ảm đạm vì tinh thần người bệnh “tuột dốc” rất nhanh bởi sự hoang mang, lo lắng, dù đã được nhân viên y tế chăm sóc và động viên.

Một trong những câu chuyện khiến đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của BVDC số 6 còn nhớ mãi là về hoàn cảnh của một cô gái trẻ mang thai ở tháng thứ 8 cùng người mẹ 75 tuổi bị nhiễm Covid-19. Khi bệnh trở nặng, cô gái được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để điều trị và sinh con, nhưng rồi sản phụ không qua khỏi. Còn người mẹ, được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ nhân viên y tế ở đây, người mẹ đã khỏi bệnh.

Vì gia đình bệnh nhân này chỉ có 2 mẹ con, nay con gái đã chết vì Covid-19, BVDC số 6 đã cử 2 nhân viên y tế đi nhận hũ tro cốt con gái về trao cho bà. Chứng kiến hoàn cảnh đau lòng ấy, BS Huyên và anh em trong bệnh viện không cầm được nước mắt, mọi người không ai bảo ai nhưng cùng nỗ lực mỗi ngày để cứu chữa kịp thời, hạn chế để các ca F0 trở nặng. Nhìn bệnh nhân khỏi bệnh, lần lượt xuất viện về nhà, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế mới thấy nhẹ lòng.

Với những ai đã từng đặt chân vào BVDC mới thấy hết những gian khó, vất vả, hy sinh, thấy hết tình người, tình đời trước ranh giới sinh tử. Tất cả những ký ức này chắc chắc không thể phai nhòa đối với mỗi người nơi tuyến đầu, nhất là “những chiến sĩ áo xanh” (đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia điều trị, chăm sóc các ca F0 luôn trùm kín bộ đồ bảo hộ màu xanh) đã trực tiếp tham gia cứu chữa nhiều bệnh nhân trong cuộc chiến chống dịch bệnh khốc liệt này.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Đơn vị cung cấp Bệnh Viện Tốt - Nâng Tầm Chăm Sóc uy tín