Biên Hòa thời đầu thế kỷ XIX khá rộng, là một trong ngũ trấn của Nam bộ: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên dưới triều vua Gia Long (1802-1819).
Biên Hòa thời đầu thế kỷ XIX khá rộng, là một trong ngũ trấn của Nam bộ: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên dưới triều vua Gia Long (1802-1819).
Thành Kèn Biên Hòa. Ảnh: Trần Hữu Cường |
Trịnh Hoài Đức từng giữ chức quan Hiệp Tổng trấn thành Gia Định, ghi chép về vùng đất này trên nhiều lĩnh vực trong bộ sách Gia Định thành thông chí. Ông cũng là nhà thơ, cùng với Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định được xưng tụng “Gia Định tam gia thi”. Nhiều bài thơ của Trịnh Hoài Đức về Biên Hòa qua một số thắng cảnh, nhưng ngày nay, do sự chia đặt quản lý hành chính, một số địa điểm của Biên Hòa xưa nay thuộc các tỉnh, thành khác ở Đông Nam bộ (Nhà Bè, Cần Giờ, cù lao Rùa…).
Trịnh Hoài Đức có vốn sống và hiểu biết phong phú về vùng đất Đồng Nai - Gia Định. Thơ văn ông viết về quê hương, đất nước miền Nam “dạt dào, đằm thắm, rất mặn nồng, thiết tha”. Vùng đất Tân Triều của Biên Hòa nay thuộc xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu có hai địa điểm được ông nhắc đến trong tập Gia Định tam thập cảnh gồm Tân Triều và Bến Cá. Những bài thơ của Trịnh Hoài Đức theo thể thất ngôn bát cú, những hình ảnh cô đọng và gửi vào đó nghĩa tình của con người: Bến đò trong cảnh chiều buông, tiếng chim hót và cá bơi lội dưới sông trong tâm hồn của tráng sĩ dừng chân ngựa, cảm thức cái đẹp trong “bức tranh thủy mặc nhưng không buồn bã đìu hiu mà có những nét ấm áp của cuộc sống”.
Đợi đò bến Tân Triều
Nằm ngang thuyền lẻ bến Tân Triều
Vừa lặn mặt trời sông phẳng phiu
Chân ngựa dầm mang luồng tráng khí
Lòng người gửi với nước trong veo.
Ngậm hoa cá chép xuôi dòng lướt,
Mớm quả quạ hiền nép bụi kêu.
Tới quán trong thôn vừa gõ cửa,
Rèm tre mây cuốn, nguyệt vào theo.
(bản dịch của Đỗ Hoài Anh)
Một phiên chợ Bến Cá (Ngự Tân) của xứ cù lao có đường thủy thuận lợi với con rạch chảy giáp dòng, tạo nên nguồn đất được bao bọc sông nước màu mỡ, có nhiều loại trái cây (bưởi, bắp…) nức tiếng cả vùng, lại giáp với vùng rừng núi nên lâm sản dồi dào, một chợ lớn xứ miền núi, người bán mua tập nập, được miêu tả:
Một phiên chợ Bến Cá
Sông xanh, núi biếc, chăn bình phong
Bóng mát cây đa, buổi chợ đông.
Săn bắn, chợ Tùng nhiều giống thú,
Đó đăng, phố Trúc lắm cá sông.
Rượu xong tiều lại, hàng thêm vắng,
Quẻ được nông về, miếu trống không.
Lui tới, xe thuyền không sợ cướp
Khắp nơi hào kiệt đã đề phòng.
(bản dịch của Huỳnh Minh Đức)
Một số bài thơ khác của Trịnh Hoài Đức ở góc nhìn cuộc sống hằng ngày với hình ảnh của tiều phu nhưng tâm thái tự tại giữa cảnh núi rừng bạt ngàn, trên trời mây bay, gió thổi, dưới suối mát trong veo, róc rách tiếng nước chảy và cảnh đầm ấm của mái nhà có người vợ hiền chờ trông (Lộc Động tiều ca/ Tiếng hát người đối củi ở Hố Nai).
Tấm lòng biết ơn của một “nhà quan” qua tâm hồn của thi sĩ họ Trịnh trước miếu của vị tướng quân có công với đất Biên Hòa xưa được khắc họa với tâm tư, tình cảnh và công lao đối với Trần Thượng Xuyên. Bài Đề Trần tướng quân miếu với hình ảnh của dũng tướng trấn an vùng biên phía Nam dưới thời chúa Nguyễn mà người đời sau luôn ghi nhớ, bày tỏ lòng thành “Tưới rượu trước đền tưởng niệm ông”. Ngôi miếu thờ Tướng quân trước đây ở khu vực thành Kèn được dựng khá sớm và ngày nay dịch chuyển nơi gần bờ sông ở P.Hòa Bình (di tích lịch sử quốc gia).
Có thể nói, cảnh đẹp thiên nhiên và đời sống của cư dân Biên Hòa xưa được Trịnh Hoài Đức ghi chép qua những vần thơ đầy xúc cảm chân thành và sinh động. Dấu tích xưa với địa danh, di tích vẫn còn nhưng cảnh và người đã thay đổi nhiều với thời gian, nhưng tình yêu của người xưa và nay vẫn truyền lưu trong con người của vùng đất này về truyền thống nhớ ơn tiền nhân.
Một trong những tác giả viết về vùng đất Nam bộ, trong đó có Biên Hòa xưa là Nguyễn Liên Phong. Tác phẩm Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca được viết bằng chữ Quốc ngữ, xuất bản vào đầu thế kỷ XX. Tác giả là “một thi sĩ tài tử, ông xuất thân là một quan lớn triều Nguyễn, từng tham gia phong trào Cần Vương bị Pháp bắt và cưỡng bức lưu trú tại Sài Gòn”. Trong tác phẩm của mình, hầu như các cảnh đẹp ở Nam Kỳ đều được Nguyễn Liên Phong nhắc đến: Vũng Tàu, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Cần Thơ… Biên Hòa đi vào trong tác phẩm của Nguyễn Liên Phong:
Quản hạt đường xa mấy dặm dài
Vừa ba trạm đất tới Đồng Nai.
Thạch Nang giữa lạch thuyền kinh hãi,
Chiêu Thới bên triền khách vãng lai.
Linh cậy miễu chùa linh ngó thấy,
Lại nhờ sỏi đá lợi bền dai.
Nhà dân xóm xóm đều trung hậu,
Thói cũ lề xưa hãy mỉa mai.
Những địa danh nhà thơ đề cập cũng khá quen thuộc, trong đó núi và chùa Chiêu Thái/Châu Thới xưa là Biên Hòa nay thuộc Dĩ An, Bình Dương. Thạch Nang là địa danh được giải thích là vùng khúc sông có hai ngọn Đá Dựng và Đá Nhím, đến mùa khô gọi là dốc nước, mùa nước lớn thì đó là thác nước, ghe thuyền khó qua lại. Có lẽ, đây là thác Trị An đầu thế kỷ XX - một thắng cảnh hùng vĩ của Biên Hòa mà M.Robert (nguyên là Phó tham biện Sở Dân sự của Đông Dương) mô tả trong Địa chí tỉnh Biên Hòa 1924: “Nơi dòng chảy bị thu hẹp giữa những vách đá cao sừng sững phủ đầy cây cối, thường xuyên bị chặn bởi những ghềnh đá phiến… Con sông đổ ra hàng ngàn dòng thác nhỏ vào mùa nước thấp, và vào mùa mưa thì tạo thành những ghềnh hùng vĩ được biết đến dưới tên gọi là thác Trị An”. Năm 1930, khi thực hiện Địa dư Biên Hòa, CH.Guopillon cho rằng, thác Trị An với hàng đá dài là địa cảnh đẹp nhất trong 12 địa cảnh của xứ Nam Kỳ.
Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, phần Biên Hòa có nhiều địa danh được nhắc đến:
…Đường Sứ, Đồng Váng, Đồng Môn
Bến Gỗ, Bến Cá, Chợ Đồn, Chợ Dinh
Đồng Môn, Bà Ký rất xinh
Vườn cau tịch mịch tươi xanh cả ngàn
Phước Lai, Phước Kiểng, mấy làng
Phong thuần mỹ tục dân nhàn sanh phương…
Bình Thạnh, Bình Ý, Thôn Hương
Lò đường cát trắng thường thường biết nhiêu
Mùa đông các lái mua nhiều
Đướng chở dập dìu Bến Cá đem ra.
Những địa danh ngày nay vẫn duy trì trong tên gọi ở một số làng ấp với những đặc điểm nổi bật về phong cảnh, đặc sản danh tiếng. Những khúc sông gắn liên với huyền tích, những ngôi chùa cổ được ghi chép:
Đồng Nai nguồn mọi cao sang
Chảy xuống hai hàng, hàng Đại,
hàng Sâm
Kề bên có miễu lâu năm
Tên miễu Thượng đẳng u thâm ly kỳ…
…Thạch Nghê đầu giác dị kỳ
Biên Hòa tục ngữ kêu thì ông Nghê
Lớn hơn mười trượng chỉnh ghê
Nước ròng cạn thấy tư bề y nguyên
Cù lao Phố chỗ linh thiêng
Xưa có cầu ván bắt chuyền ngang sông…
…Miểu quan Chưởng Lễ dựa kề
Lý ngư có lúc khuya về hiện thân…
Tốt thay chúa núi cảnh riêng
So bề thanh lịch là chùa Bửu Phong
Đại Giác chùa có sắc phong
Hỏa hương sum thạnh Phật đồng
lớn cao…
Ngày nay, những địa danh, tích xưa truyện cũ được sưu tầm, biên soạn trong nhiều công trình nghiên cứu về vùng đất này, là những di tích mang dấu ấn trong sự phát triển của vùng đất, con người Biên Hòa mà cù lao Phố - thương cảng xưa có vị trí đặc biệt của cả vùng Nam bộ.
*
Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Liên Phong là hai nhà thơ đã viết về Biên Hòa, Nam bộ với góc nhìn của một bối cảnh xã hội, lịch sử đầu thế kỷ XIX và XX. Mỗi cảnh vật đều khác trong thời đoạn và tâm thế khác của con người nhưng trong cảm xúc về vùng quê, đất nước mà họ sinh sống với cảm xúc thật đẹp, tự hào. Những thi phẩm này cũng là nguồn tư liệu quý về vùng đất Biên Hòa. Mùa xuân, người ta thường “tống cựu nghinh tân” nhưng những bài thơ xưa về con người, vùng đất thì cần được “ôn cựu”, bởi đó là thi sử về vùng đất, con người của một thời. Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay vẫn bảo tồn những nét đẹp văn hóa, di tích trong đời sống của cư dân với những thay đổi của điều kiện môi trường, xã hội. Những “cảnh xưa, người cũ” luôn có bóng hình trong hiện tại.
Phan Đình Dũng