Người dân ở một số địa phương tại Đồng Nai hiện vẫn lưu truyền nhiều sự tích, câu chuyện huyền bí về loài hổ (cọp) như: hổ ở hóc Ông Che, miếu Bà Mụ, cọp 3 móng… để bày tỏ sự tôn kính loài chúa sơn lâm dũng mãnh này; đồng thời, đề cao sự can trường, tài ba của cha ông khi chinh phục, xua đuổi hổ để bảo vệ sản xuất, dân làng thuở còn khai thiên lập địa.
Người dân ở một số địa phương tại Đồng Nai hiện vẫn lưu truyền nhiều sự tích, câu chuyện huyền bí về loài hổ (cọp) như: hổ ở hóc Ông Che, miếu Bà Mụ, cọp 3 móng… để bày tỏ sự tôn kính loài chúa sơn lâm dũng mãnh này; đồng thời, đề cao sự can trường, tài ba của cha ông khi chinh phục, xua đuổi hổ để bảo vệ sản xuất, dân làng thuở còn khai thiên lập địa.
Hang cọp ở khu công viên đá Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) nơi ông Tám Thi bắn con cọp |
Nhân Xuân Nhâm Dần 2022, chúng tôi giới thiệu một vài câu chuyện sưu tầm về chuyện hổ ở Đồng Nai, vùng đất được mệnh danh “dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um” một thời.
* Hổ ở hóc Ông Che
Thời xa xưa, vùng đất Hóa An, TP.Biên Hòa (nơi chùa Hóc Ông Che tọa lạc) là khu rừng rậm rạp, đầy thú hoang. Trong rừng có con cọp hung dữ lại khôn lanh, từng hại nhiều người, bắt gia súc tạo nên sự khiếp sợ trong dân làng.
Có một người ở Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đến đây sinh sống, vốn tinh thông võ nghệ. Ông cùng với thầy Hai (tên thường gọi của sư Huệ Lâm, tu hành ở hóc Ông Che) kết nghĩa anh em, quyết trừ cọp dữ. Lại nghe kể rằng, người này cũng giỏi môn võ bùa giống như thầy Hai.
Hai người đưa đồ đệ đến khu rừng tìm diệt con cọp dữ. Sau nhiều ngày dò tìm, thầy Hai và người em kết nghĩa bắt gặp cọp dữ. Trận chiến kéo dài từ sáng đến tối không phân thắng bại giữa cọp và người. Đám đồ đệ yếu sức sau đó phải dạt ra né tránh nhằm đảm bảo tính mạng; còn lại 2 thầy kiên trì hợp sức quần nhau với cọp.
Dân gian truyền kể rằng, 2 thầy tay vung roi, miệng hô thần chú, chân tay tả đột hữu xông, đánh nhau với cọp suốt mấy ngày liền, với sự trợ lực của âm binh, âm tướng. Khi đám đồ đệ gọi thêm người quay lại rừng trợ lực thì trận chiến đã kết thúc. Cọp dữ đã bị giết chết, xác nằm đó nhưng hai thầy cũng đã kiệt sức nằm chết giữa rừng.
* Cọp 3 móng ở rừng miền Đông
Cọp 3 móng là tên của một con cọp xuất hiện tại khu rừng miền Đông Nam bộ vào khoảng năm 1948. Con cọp này chỉ có 3 móng chân, vô cùng tinh ranh, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cư dân sống ven rừng. Chính vì vậy, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Biên Hòa ra chỉ thị thành lập đội săn cọp và bằng mọi giá phải diệt được con cọp 3 móng nguy hiểm này để trả lại sự bình yên cho dân làng.
Sau một thời gian theo dõi, đội săn cọp đã tìm ra “quy luật” của cọp 3 móng như: khi bắt người, nó tha vào rừng ăn một phần lót dạ, sau đó tha về hang ăn tiếp rồi đi ngủ. Lần thứ nhất, đội thợ săn đã đặt mìn vào xác 1 con heo (con mồi do chính con cọp này bắt ở xã Lạc An, nhưng cũng mới lót dạ). Đêm đặt bẫy, cọp 3 móng mò ra, gầm gừ nhìn con mồi rồi vồ lấy. Mìn nổ, cọp rống lên vang động rồi lao thẳng vào rừng sâu. Lần này, nó vẫn không chết dù bị thương rất nặng.
Hình con cọp 3 móng sau khi bị tiêu diệt được ông Phạm Ngọc Nam (ấp 1, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) cung cấp |
Một thời gian sau, cọp 3 móng lại tiếp tục mò về làng. Lần này nó già yếu và chậm chạp hơn. Dù vậy, nó cũng đã vồ chết một phụ nữ ở ấp Đức Đạo. Bị cả nhóm thợ săn truy đuổi, lần đầu tiên nó thả con mồi ở cửa rừng.
Thấy đây là địa thế thuận lợi cho việc mai phục, ông Bùi Cát Vũ cùng một số bộ binh công xưởng nghĩ ra kế gài mìn trên thi hài nạn nhân. Thay vì đưa chị về an táng theo tập tục sẽ giữ chị lại nguyên vị trí, vì theo kinh nghiệm của các thợ săn lâu năm góp ý cho ông Bùi Cát Vũ thì cọp mới lớn thì thích thịt tươi còn cọp già thì thích thịt ươm, mùi tử khí càng nặng sẽ dẫn dụ cọp 3 móng già quay lại nơi nó đã bỏ miếng mồi để ăn mà không đi nơi khác hại người thêm.
Sau khi thuyết phục và được gia đình người phụ nữ xấu số đồng ý, đội săn bắt cọp đã cài mìn vào xác của chị với 4 quả mìn hạng nặng và cài cả mìn chung quanh khu vực để cho cọp không tài nào thoát được. Đội đặc nhiệm diệt cọp 3 móng lần này hạ quyết tâm cao nhất là phải giết cho bằng được con ác thú để trả thù cho những đồng đội và người dân vô tội bị chết thảm dưới móng vuốt của nó, mong anh linh oan hồn của họ được ngậm cười nơi chín suối và để cho nhân dân trong chiến khu được sống yên bình trở lại.
3 ngày sau, mùi tử khí rất nặng dẫn dụ cọp 3 móng mò ra khỏi nơi ẩn nấp. Cọp đang đói, gặp miếng mồi ngon, nó lao đến. Mìn nổ tung, nó vẫn còn gầm thét, cố lê lết gần cả 100m mới chịu gục xuống. Lần này, cọp chết thật sự. Xác của cọp được xác định dài 3m, cao 1,2m, nặng hơn 2 tạ, đến 8 người khiêng vẫn thấy nặng.
* Đỡ đẻ cho cọp
Xưa ở làng Bến Gỗ (nay thuộc P.An Hòa, TP.Biên Hòa) có người phụ nữ tên Huỳnh Thị Kiêu (sinh năm 1782, mất năm 1842) làm nghề “mụ vườn” rất mát tay. Bà giúp cho nhiều người “mẹ tròn con vuông” nên dân làng Bến Gỗ đề cao đức độ của bà. Chuyện kể rằng, vào một đêm trăng sáng, bà Kiêu chột dạ khi vách nhà có tiếng quào. Bà nhìn ra thì thấy con cọp rất lớn, miệng gầm gừ nhưng tỏ vẻ thống thiết chuyện gì.
Hiểu ý, bà Kiêu hỏi vọng ra: “Phu nhân ngài sanh khó phải không?”. Cọp gật đầu đáp lại rồi quỳ xuống ra dấu muốn cõng bà Kiêu đi. Bà Kiêu vội vã xách giỏ đồ nghề rồi leo lên lưng cọp. Ông cọp đưa bà đến cái hang nơi có con cọp cái đang kêu rống thảm thiết vì bị đẻ ngược. Bà Kiêu nhanh nhẹn “ra tay” đỡ đẻ cho cọp cái, chỉ ít phút cho “ra đời” chú cọp con khỏe mạnh.
Xong việc, “ông cọp” đưa bà trở lại nhà. Từ đó, sáng nào trước nhà bà Kiêu cũng có xác 1 con heo rừng, cheo, thỏ, sóc của chúa sơn lâm mang đến tận nhà bà để đền ơn.
Khi bà Kiêu qua đời, đến giờ hạ huyệt thì bỗng đâu có một đàn cọp đến rống lên 3 tiếng tiễn đưa, rồi mới bỏ đi. Riêng về phía dân làng, vì tiếc thương và quý trọng đức độ của bà đã lập một ngôi miếu nhỏ ngay tại mảnh đất lúc sinh thời bà sinh sống, hành nghề và suy tôn bà là nữ thần của làng.
* Cọp biết hối cải
Tích kể rằng, xưa ở vùng Vũng Gấm (xã Phước An, H.Nhơn Trạch), có nhà sư gặp con cọp trước cửa chùa. Tuổi già sức yếu nên nhà sư không kháng cự, cũng không bỏ chạy mà chỉ chắp tay, nhắm mắt đứng yên. Một hồi lâu, khi ông mở mắt ra thì con cọp đã bỏ đi. Chỗ của nó khi nãy có một đứa trẻ mới sinh. Sau khi cứu đứa bé vào chùa, nhà sư kêu gọi đệ tử theo dấu vết của con cọp.
Khi đi vào rừng, bên cạnh một con suối, đoàn người thấy một phụ nữ đang nằm ngất tại đó. Người phụ nữ kể rằng, chị ở chòi phía bên kia suối cùng chồng đốt than đổi gạo. Đêm đó, chị chuyển dạ sinh nhưng không có chồng ở nhà, chị liều lĩnh qua suối với hy vọng đến được xóm nhà dân để cậy nhờ. Tới suối, chị thấy một con cọp to xuất hiện và chị hoảng sợ ngất đi. Đứa con được sinh ra trong lúc đó. Nhà sư nói cho chị biết, chính con cọp đó đã tha đứa bé về để trước cửa chùa để cầu sự giúp đỡ. Người phụ nữ vui mừng đến gặp con. Nhà sư cho rằng, đây là con cọp 3 móng hung dữ trước đây ở miệt Bà Ký.
Có lẽ nó biết hối hận về những tội ác trước đó nên mới chuộc lỗi đối với con người. Hành động cứu người phụ nữ và đứa bé là một việc làm trong những năm tháng tuổi già của nó. Vài tháng sau, người ta thấy xác con cọp có 3 móng này chết yên lành trong hang đá.
* Người thợ rừng Tám Thi hạ cọp
Theo lời kể của ông Tám Thi (tên thật là Châu Văn Thi, ngụ ấp 1, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu). Vào năm 1985, ông là người bắn hạ con cọp khá lớn khi dính bẫy ở vùng rừng Mã Đà (nơi công viên đá, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai).
Ông Tám Thi (ngụ ấp 1, xã Trị An, H.Vĩnh Cửu) diễn tả lại hành động ông giương súng bắn cọp |
Hôm ấy, ông Tám Thi và một số thợ rừng đang ngồi nghỉ nơi lán trại. Một người thợ rừng tên Sang đứng dậy, không nói không rằng cầm cưa máy đi về hướng có cây gõ đỏ cách lán trại khoảng 500m. Trên đường đi tìm cây, bất chợt thợ rừng Sang nghe tiếng cây đổ rầm rầm. Sau đó thì nghe tiếng gầm rú rờn rợn của cọp nên tá hỏa chạy ngược về báo tin. Hay tin, ông Tám Thi chụp cây súng săn phóng về hướng thợ rừng Sang chỉ. Đi được một đoạn thì ông nghe rất rõ tiếng cọp gầm rít.
Ông Tám Thi cặp cây súng vào nách với tư thế sẵn sàng khai hỏa. Rồi ông nhẹ nhàng tiến về nơi phát ra tiếng cọp đang gầm gừ dữ dội. Cách nơi con cọp bị dính bẫy 10m, ông Tám Thi nép vào vách đá quan sát. Ngay lập tức, ông thấy con cọp co người phóng về phía ông, 2 mắt long lên thật dữ dằn như muốn vồ chụp lấy ông. Bằng phản xạ của người thợ săn, ông Tám Thi ngắm vào mang tai con cọp bóp cò. Sau phát đạn thứ nhất, con cọp lồng lộn rồi khụy xuống. Thợ rừng Tám Thi bồi thêm phát đạn thứ hai thì nó không còn giãy giụa được nữa. Lúc này, thợ rừng Sang mới cùng ông tiến về nơi con cọp bị bắn hạ thì thấy một chân của nó bị dính bẫy. Sợi dây bẫy sắp tuột ra.
“Con cọp dài cỡ 2m, nặng chừng 170kg đã bất động sau 2 phát đạn của tui. Có thể đây là con cọp cuối cùng của vùng rừng Hiếu Liêm. Vì từ đó đến nay, không thợ rừng và người dân nào còn phát hiện dấu vết cọp nữa” - ông Tám Thi kể.
Đ.P (sưu tầm)