Trước hết, phải thanh minh rằng, tôi không có ý định tranh luận hay tiếp tục bàn cãi về một câu khẩu hiệu trong nhà trường đã tốn không ít giấy mực, nhất là chữ nghĩa trên mạng, cách đây độ vài ba tháng. Chẳng là, Tết sắp đến, như mọi năm, người ta thăm viếng, chúc mừng năm mới cho nhau. Năm nay, dịch giã chưa yên, liệu có còn không? Hay sẽ có những cách khác, đặng lòng không áy náy?...
Trước hết, phải thanh minh rằng, tôi không có ý định tranh luận hay tiếp tục bàn cãi về một câu khẩu hiệu trong nhà trường đã tốn không ít giấy mực, nhất là chữ nghĩa trên mạng, cách đây độ vài ba tháng. Chẳng là, Tết sắp đến, như mọi năm, người ta thăm viếng, chúc mừng năm mới cho nhau. Năm nay, dịch giã chưa yên, liệu có còn không? Hay sẽ có những cách khác, đặng lòng không áy náy?...
Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, ngày 11-3-1948 |
* Ông “thầy” và “anh Hai”
Cách đây thật lâu, chừng như năm ba bảy, ba tám của thế kỷ trước, nhà văn Lý Văn Sâm, khi ấy độ mười sáu, mười bảy tuổi, đang là học sinh nhưng lại có máu giang hồ, mê chơi, ngồi soạn nên các vở cải lương và nuôi mộng lập một gánh hát toàn cây nhà lá vườn để đi hát quanh các chợ quận, lấy tiền giúp các quỹ cứu tế. Dịp may, soạn giả Trần Hữu Trang, tác giả của những vở diễn lừng danh: Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp… lên Biên Hòa. Chàng trai trẻ vội mua một gói thuốc Đại Nam đến gặp thầy Tư Trang - cách mà mọi người gọi Trần Hữu Trang, cho thỏa lòng ngưỡng mộ. Bây giờ, chắc có người thắc mắc, ít ra hai chi tiết: soạn giả Đời cô Lựu viết tuồng cải lương chứ có dạy học đâu mà gọi bằng thầy?; thời xưa đến gặp làm quen mà đã có quà cáp sao? Ông Tư không hề hút thuốc. Hôm đó, còn bảo Lý Văn Sâm: Kêu qua bằng anh, đừng kêu bằng thầy nữa!
Không lâu sau, Lý Văn Sâm chẳng còn hứng thú với chuyện học hành. Bỏ học, bước chân phiêu lãng vào đời. Có lần, xuống tận Châu Đốc. Người dân quê ở đó cũng gọi ông bằng thầy. Lần này là thầy Hai, vì tác giả Kòn Trô là con đầu của ông Lý Văn Huề. Mà không riêng gì những người dân quê miền Tây Nam bộ gọi Lý Văn Sâm bằng thầy. Người vợ đầu tiên của ông (người Châu Mạ), nhân vật chính trong tác phẩm mang tính tự truyện Nàng Tchô Phay của tôi, cũng luôn gọi chồng mình là thầy.
Bản thân tôi, có lúc, cũng đã/đang được gọi là thầy, có khi những người gọi vừa mới gặp lần đầu, thậm chí lớn tuổi hơn và dĩ nhiên không có chuyện tôi lại được vinh dự to tát dạy họ điều gì, dù chỉ là nửa chữ! Ông Hai Lý (Lý Văn Sâm) dạy tôi, đây là cách người dân Nam bộ thể hiện sự trọng quý với những ai mà họ nghĩ có học hành, phẩm hạnh và thậm chí là với khách. Điều này chắc trong nhà trường không truyền dạy. Đó là một trong muôn vàn biểu hiện của văn hóa dân tộc chăng? Tôi tin là như vậy. Đó cũng là biểu hiện sinh động của chữ lễ, không giáo điều, ép buộc mà đáng được trân quý biết bao!
* Những lá thư và tấm thiệp Xuân
Cuối năm, xem lại những lá thư, những tấm thiệp Xuân của nhiều năm về trước. Này là thư của nhà thơ Giang Nam. Này, thư của nhà văn Thế Phong… Tết nay, hai ông đều ở tuổi chín tư, chín ba, bậc cha chú của tôi. Thư Giang Nam, ngoài bì lẫn trong thư đều gọi tôi là anh, mà trước đó khi đến thăm ông, nhà ở Nha Trang, chú - cháu tôi nói chuyện rất thân mật! Thế Phong có khác. Khi còn khỏe, ông và một vài văn nghệ sĩ cùng trang lứa, độ năm ba tuần, từ Sài Gòn về Biên Hòa uống Cà phê Thằng Bờm. Tôi nhỏ nhất, nhưng các ông cấm tiệt tôi gọi bằng chú. Vậy mà, khi viết thư, nhà văn Thế Phong đổi cách xưng hô, hết thảy là… ông! Lại một chuyện ngộ nữa!
Đất Đồng Nai sau năm bảy lăm có luật sư nổi danh: Hồ Văn Lưu. Hình như sự nổi danh của anh từ nhiều nguồn, không phải từ vị trí ở các cơ quan nơi anh công tác và hưởng lương: Học Luật cả trước và sau Giải phóng. Đẹp trai lồng lộng. Cán bộ Đoàn giỏi giang. Sáng tác văn chương. Vui chơi lịch duyệt… Thuở tươi xanh, anh em hay uống cà phê sớm trước giờ đến sở làm, coi như người nhà. Vậy mà, gần Tết, anh lặn lội về Sài Gòn, tìm mua những tấm thiệp đẹp và sang, nắn nót viết rồi ra… bưu điện gửi cho bạn bè. Trời ạ, mới gặp nhau hồi sáng, mai lại tụ nữa. Nhưng không, năm nào, anh cũng gửi thiệp qua đường bưu điện cho những người thân vào dịp Tết đến Xuân về! Tấm thiệp Xuân, quy kim tiền, hay hộp bánh, chai rượu ngoại chẳng đáng là bao. Bánh, rượu, dù đắt tiền nhưng chóng mất đi. Còn tấm thiệp, không nhiều tiền, nhưng chủ nhân lại nâng niu, có khi đem treo lên cành mai để cả nhà… cùng ngắm. Hết Tết, lại đem cất làm kỷ niệm.
Có ai bảo đấy là chuyện tầm phào, cầu kỳ, bày vẽ? Tôi nghĩ, khi các phương tiện liên lạc chưa mạng hóa như bây giờ, những lá thư, tấm thiệp phải làm cuộc hành trình, qua tay bao người, bao ánh mắt đã nhìn và đọc chúng, dù chỉ là những dòng chữ ngắn ngủi ngoài bì, rồi mới đến tay người nhận. Nói như ngôn ngữ thời nay, hành trình đó đã được xã hội hóa. Bất kỳ một phần nào được xã hội hóa đều không còn tuyệt đối riêng tư, bởi trăm nghìn ánh mắt người ta trông vào. Với người nhận, thật nhiều cảm xúc khi đón những lá thư, cánh thiệp ấy. Chúng không là vật vô tri.
* Các đồng chí!
Lâu nay, khi đến các trụ sở công an, mọi người thường thấy một tấm bảng nền đỏ, chữ vàng, ghi: Tư cách người công an cách mệnh. Đó là những lời được trích từ bức thư của Bác Hồ gửi ông Hoàng Mai lúc đó là Giám đốc Sở Công an Khu XII. Ông đã gửi biếu Bác báo Bạn dân (nội san của Công an Khu XII) số Tết và Người đã gửi cho ông lá thư này (ngày 11-3-1948). Bức thư nhắc nhở anh em (công an) phải rèn luyện tư cách đạo đức. Bác Hồ nêu tư cách người công an cách mệnh có 6 yêu cầu, từ đối với tự mình, cho đến đối với địch. Điều đặc biệt, với nhân dân, Bác nhắc người công an phải kính trọng, lễ phép.
Hình như, chưa có một lãnh tụ hay nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới lại khuyên bảo công an có vẻ lạ lùng đến như vậy.
Lan man chuyện chữ Lễ, tôi lại thấy có câu chuyện ở bài báo Người tuyên truyền và cách tuyên truyền Bác Hồ viết trên báo Sự thật, số 79, ngày 9-7-1947. Bác khuyên cán bộ muốn tuyên truyền kháng chiến thành công phải hiểu rõ vì sao kháng chiến; phải biết cách nói và phải có lễ độ. Người không phân tích, mà chỉ kể chuyện như vầy:
Thường những anh em thanh niên, đến nói trong một cuộc mít tinh, mở miệng là: Các đồng chí!
Ba tiếng đó không phải là vô phép, nhưng vì không hợp hoàn cảnh, nên chướng tai. Một hôm, tôi đến dự một cuộc mít tinh, đã thấy một kinh nghiệm như vậy. Một cụ già nói khẽ với tôi:
Cụ Hồ là Chủ tịch cả nước, lại có tuổi, thế mà Cụ luôn luôn nói: Thưa các cụ, các ngài, v.v... Đằng này, các cậu thanh niên bằng lứa cháu chúng mình, mà có ý muốn làm thầy chúng mình...
Cuối bài báo, Bác còn viết: Thái độ phải mềm mỏng: đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn. Cuối bức thư gửi ông Hoàng Mai, Bác từng dặn dò: Tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép.
* Nước lễ nghĩa
Trong truyện Giấc ngủ mười năm, ký tên Trần Lực, Bác Hồ kể chuyện một thanh niên người Nùng ở Cao Bằng, trải qua giấc ngủ 10 năm, từ lúc khói lửa chiến tranh lan tràn khắp chốn, đến năm 1958 mới tỉnh dậy. Khi đó, kháng chiến đã thành công, cuộc sống mới thành hình. Tất cả đều đổi khác, đặc biệt:
Những đại biểu trong Quốc hội, những nhân viên trong Chính phủ, những cán bộ trong các đoàn thể đều là những người có tài, có đức, những người “anh hùng thi đua ái quốc” do nhân dân cử ra. Ai cũng thực hành bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính và câu châm ngôn “chí công vô tư”.
Con không biết rõ đời Nghiêu Thuấn thịnh vượng thế nào, chứ nước ta ngày nay thật là một nước lễ nghĩa, một nước tự do, và hạnh phúc.
Chưa ai bàn sâu nội hàm nước lễ nghĩa trong giấc mơ của Cụ Hồ. Việc Người yêu cầu cán bộ nói năng lễ phép, thái độ cung kính, lễ độ với nhân dân rất đáng suy ngẫm và thực hành. Cũng rất mong, không ai nghĩ đấy là những sự trói buộc, mất dân chủ hay gò bó, khiến con người, nhất là lớp trẻ thiếu đi sự năng động, sáng tạo!
Bùi Quang Huy