Gần đây, ngoài lĩnh vực công nghiệp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ ở Đồng Nai. Dự tính những năm tới, các lĩnh vực trên tiếp tục đón nhận nhiều nguồn vốn lớn từ các tập đoàn FDI.
Gần đây, ngoài lĩnh vực công nghiệp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ ở Đồng Nai. Dự tính những năm tới, các lĩnh vực trên tiếp tục đón nhận nhiều nguồn vốn lớn từ các tập đoàn FDI.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tiếp Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM đến tìm hiểu môi trường đầu tư |
Theo UBND tỉnh, đầu tư của doanh nghiệp (DN) FDI vào địa bàn Đồng Nai ngày càng đa dạng với nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến giữa tháng 12-2021, riêng lĩnh vực bất động sản đã chiếm khoảng 12% tổng vốn FDI đăng ký vào tỉnh, lĩnh vực thương mại dịch vụ 3,5%.
* Hàng tỷ USD đầu tư vào bất động sản
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, bất động sản ở Đồng Nai không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà các DN FDI cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này và bắt đầu đưa vốn vào để triển khai nhiều dự án lớn. Tính đến nay, lĩnh vực bất động sản đã thu hút gần 3,9 tỷ USD của DN FDI (tương đương với gần 90 ngàn tỷ đồng). Địa bàn thu hút được nhiều vốn FDI đăng ký vào dự án khu dân cư, khu đô thị là các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1831/QĐ-TTg về Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư FDI giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Đồng Nai có 5 dự án với tổng vốn hơn 6 tỷ USD gồm: Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (đoạn từ Dầu Giây đến H.Tân Phú), Hệ thống cấp nước và xử lý chất thải TP.Long Khánh. |
Đơn cử như: Tập đoàn Amata (Thái Lan) đầu tư 3 dự án khu đô thị dịch vụ ở H.Long Thành với vốn đăng ký gần 360 triệu USD. H.Nhơn Trạch có khu dân cư Phú Hữu vốn đầu tư gần 306 triệu USD, TP.Thiên Nga hơn 133 triệu USD của DN Singapore; Khu dân cư Long Tân - Phú Hội vốn đầu tư hơn 216 triệu USD của Tập đoàn Taekwang, Daewoo E&C (Hàn Quốc); Khu dân cư thương mại Đô thị mới có vốn đầu tư gần 55 triệu USD của DN Hoa Kỳ. TP.Biên Hòa có dự án Aqua Riverside (một phần dự án Aqua Dona) vốn đầu tư 115 triệu USD thuộc tập đoàn đến từ New Zealand… Cũng trong năm 2021, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) ngỏ ý muốn liên kết với một số DN ở Đồng Nai để triển khai thành phố thông minh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Dòng vốn FDI vào Đồng Nai ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, gần đây với lợi thế về một số công trình hạ tầng giao thông cấp quốc gia, vùng được đầu tư xây dựng và kết nối, các DN FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ nhiều hơn”.
Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế của Đồng Nai, nhưng lĩnh vực mua bán, sang nhượng dự án bất động sản ở Đồng Nai vẫn diễn ra khá nhộn nhịp, trong đó, có sự góp mặt của nhiều DN FDI. “Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh vượt kế hoạch năm có một phần nhờ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, dự án trên lĩnh vực bất động sản giữa các DN” - Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Khôi Nguyên nhận xét.
* Những lĩnh vực nào sẽ đón vốn lớn từ FDI trong năm mới?
Đại sứ, tổng lãnh sự, tập đoàn đa quốc gia thuộc các nước Phần Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia… khi đến Đồng Nai làm việc đều cho rằng, ngoài lĩnh vực công nghiệp, các DN FDI sẽ mở rộng đầu tư thêm thương mại dịch vụ, năng lượng, logistics, hạ tầng khu công nghiệp...
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký kết bản ghi nhớ với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) trong hợp tác đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực thương mại. Ảnh: H.Giang |
Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho hay: “Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ Việt Nam gấp rút triển khai, nhiều DN Phần Lan rất quan tâm đến những dự án dịch vụ cho sân bay, logistics, năng lượng trên địa bàn tỉnh. Hiện các DN Phần Lan đang tìm cơ hội để hợp tác, liên kết đầu tư. Do đó, đại sứ quán sẽ làm cầu nối để giúp các DN Phần Lan tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh để mở rộng liên kết đầu tư”.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tiếp đón ông Lee Jeong Man, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) tại TP.HCM đến tìm hiểu thông tin hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Đồng Nai |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tập đoàn FDI của Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực thương mại dịch vụ. Tỉnh cũng đã quy hoạch sẵn đất đai để thu hút DN đầu tư hàng chục trung tâm thương mại, siêu thị nhằm phát triển mảng dịch vụ phục vụ đời sống cho các khu công nghiệp và người dân trên địa bàn. Lâu nay, Đồng Nai quy hoạch dự án về thương mại dịch vụ nhiều nhưng triển khai ít là do quy hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch khác chưa đồng bộ. Nhà đầu tư khi được giới thiệu địa điểm, muốn rót vốn vào triển khai lại gặp những trở ngại về thủ tục như: xin điều chỉnh quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng…
Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam (Tập đoàn Aeon - Nhật Bản) cho hay: “Công ty đang gấp rút hoàn thành hồ sơ, thủ tục để tiến hành khởi công trung tâm thương mại tại TP.Biên Hòa. Dự kiến, thời gian xây dựng trung tâm từ 2-3 năm là hoàn thành và đưa vào khai thác. Sau đó, nếu điều kiện thuận lợi, Aeon sẽ mở thêm một số trung tâm thương mại khác ở Đồng Nai”.
Ông Kari Kahiluoto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao đổi về môi trường đầu tư của Đồng Nai |
Đồng Nai là nơi có nhiều khu công nghiệp, dân cư đông đúc, với hơn 3 triệu người nhưng các lĩnh vực khác ngoài công nghiệp, DN FDI đầu tư chưa xứng với tiềm năng sẵn có. “Để thu hút nguồn vốn FDI vào nhiều lĩnh vực khác, tỉnh nên tăng cường xúc tiến đầu tư trực tiếp, trực tuyến với các nước, giới thiệu ngắn gọn, đầy đủ các tiềm năng sẵn có trên địa bàn. Khi DN FDI có nhu cầu đầu tư vào những lĩnh vực tỉnh đang mời gọi thì cần giải quyết nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, họ sẽ đăng ký, triển khai dự án nhanh hơn” - ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM nói.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 2 |
So với các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì Đồng Nai có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông hơn, nhưng trong thu hút dòng vốn FDI những năm gần đây lại thấp hơn các tỉnh trên. Nhiều tập đoàn FDI khi đến Đồng Nai cũng hứa hẹn trong năm 2022 và những năm tới sẽ tiếp tục mở rộng, đầu tư mới vào các lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, logistics, năng lượng, khu đô thị. Nếu tỉnh chuẩn bị sẵn các điều kiện và khơi thông các thủ tục liên quan đến chính sách về đất đai, quy hoạch để rút ngắn thời gian thực hiện dự án thì sẽ tiếp tục đón được dòng vốn FDI “chảy mạnh” vào nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh, đến cuối tháng 12-2021, các DN FDI đã đăng ký đầu tư vào tỉnh trên 1,6 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký 32,4 tỷ USD. Trong đó, 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh. Lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 80% tổng vốn đăng ký của DN FDI. |
Hương Giang