Vào mỗi dịp cuối năm trong tiết trời se lạnh cuối đông đầu xuân, người dân Biên Hòa - Đồng Nai lại có dịp chứng kiến và tham gia lễ hội đình Tân Lân, một trong những lễ hội lớn trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian lâu đời ở địa phương.
Vào mỗi dịp cuối năm trong tiết trời se lạnh cuối đông đầu xuân, người dân Biên Hòa - Đồng Nai lại có dịp chứng kiến và tham gia lễ hội đình Tân Lân, một trong những lễ hội lớn trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian lâu đời ở địa phương.
Rước sắc thần lễ hội đình Tân Lân |
Nằm cạnh bên bờ sông, đình Tân Lân ngôi đình cổ kính được xếp hạng di tích cấp quốc gia tọa lạc trong khuôn viên đất rộng khoảng 3 ngàn m², mặt quay về hướng Tây hướng sông Đồng Nai thơ mộng. Đình được xây dựng khá sớm gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai cũng như cả Nam bộ. Vị thần Thành hoàng được tôn thờ trong đình Tân Lân là Đức Ông Trần Thượng Xuyên, một trong những bậc khai quốc công thần đến lập nghiệp hơn 300 năm trước.
Đình Tân Lân với lối kiến trúc theo kiểu chữ tam (三) gồm tiền đình, chánh điện và hậu đình nối tiếp nhau theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam. Mái lợp ngói âm dương, trên nóc chính điện có gốm lưỡng long tranh châu, lý ngư hóa rồng. Trên hai đầu đao tiền mái còn có tượng gốm ông Nhật, bà Nguyệt, tiên đồng, ngọc nữ. Đặc biệt, mặt tiền mái trang trí hàng trăm tiểu tượng gốm thể hiện các đề tài cổ điển rất sinh động như: Bát tiên quá hải, thiếu nữ giao cầu, cảnh bái triều rước xách, diễn hí tấu nhạc, vinh quy bái tổ, hội triều nơi thiên đình... Đây là đặc trưng mỹ thuật trang trí tiền điện khá độc đáo của ngôi đình này.
Ngoài giá trị lịch sử, mỹ thuật, đình Tân Lân còn được nhiều người dân địa phương biết đến bởi lễ hội kỳ yên rất độc đáo quy mô và đặc sắc. Hằng năm cứ vào ngày 22-24 tháng Mười âm lịch, đình Tân Lân lại tổ chức lễ hội kỳ yên rất lớn. Lễ hội kéo dài 3 ngày, những ngày này đình luôn mở cửa đón chào tất cả những ai đến viếng, thắp nhang cúng Thần hoàng Bổn cảnh Trần Thượng Xuyên và các ban thờ phối tự trong đình.
Lễ hội đình Tân Lân tiêu biểu cho lễ hội cúng đình Nam bộ gồm các nghi thức truyền thống như: nhập đàn, cung thỉnh sắc Ông tuần du, xây chầu đại bội, cúng Tiên sư hậu bối, tỉnh sanh, hạ đàn, Tôn vương, lễ tất chung mãn. Đêm đầu tiên, đình làm lễ nhập đàn. Lễ này mang dấu ấn của Phật giáo dung hợp trong tín ngưỡng dân gian. Thầy tụng và phật tử tụng kinh Nhật tụng nhằm “sái tịnh tẩy uế cầu an”. Điểm này tương tự các nghi lễ thanh tẩy không gian lễ hội của các cộng đồng ở Nam bộ.
Phần nghi lễ được Ban Quý tế thực hiện rất nghiêm trang, cẩn trọng và đầy đủ các nghi thức trình thần, tiên sư, hậu bối. Phần lễ chính trong các nghi thức lễ kỳ yên là các nghi cúng Đàn Cả, Tiên Yết và cúng Hạ Đàn đều có Ban tế lễ với học trò lễ và đào thài cầm đèn cầy thỉnh các ban chấp sự thực hiện nghi cúng lúc nửa đêm. Sau Đàn Cả là xây chầu đại bội. Sau phần khai lễ, Ban Chấp sự đình “khởi thái bình (mõ), khởi đại hồng chung (chuông), khởi đại cổ (trống)”, mỗi loại 360 hồi. Những người được chọn khởi nhạc khí phải là những người toàn vẹn, đầy đủ con cái, gia đình hạnh phúc.
Lễ vật được bài trí đầy đủ trên các bàn thờ trong đình những ngày lễ hội. Lễ vật cúng Đức Ông là những mâm lễ do Ban Quý tế chuẩn bị như: xôi chè, trái cây, hương đăng, trà rượu. Bàn La Liệt trước chánh điện đặt heo tế thần nghi Tỉnh sanh. Ngoài ra còn đặt những mâm lễ vật do bá tánh đem tới như: heo quay, mâm xôi, mâm bánh, trái cây, giấy vàng bạc… Sau khi cúng xong, lễ vật được đem ra hậu đình “kiếng” lại một phần cho đình. Tất cả những mâm lễ dù lớn dù nhỏ đều được Ban Quy tế đình dán giấy biên nhận để không bị lẫn lộn, thất lạc. Đây cũng là điểm mới mà các đình, miếu ngày nay thường thực hiện.
Lễ vật cúng Bạch Mã Thái giám là bông lúa, mía khúc, dĩa thóc, trà rượu, bông tươi… lễ vật này có ý nghĩa là đồ ăn thức uống cho ngựa thần. Có thể nói, đây là chi tiết khá thú vị trong lễ hội đình Tân Lân. Người dân đến lễ hội thường lấy bông lúa hoặc một nhúm thóc đem về thờ với ý nghĩa gia đình luôn đầy đủ no ấm, không còn lo thiếu cái ăn.
Bên cạnh nghi lễ trong đình, ngoài sân khấu (võ ca) còn có hát bội với các tuồng tích lịch sử như: San Hậu, Phàn Lê Huê, hay các bài cổ ca ngợi quê hương đất nước… Ngày đầu tiên đoàn hát phải làm lễ trình Tổ theo đúng nghi thức của đình. Trong các đêm lễ hội, sân khấu hát bội luôn thu hút đông đảo khán giả đến ngồi xem chật kín sân đình. Các tuồng tích được các nghệ sĩ trình diễn cả đêm đến một, hai giờ sáng hôm sau mới kết thúc.
Điểm nhấn của lễ hội đình Tân Lân chính là cuộc cung thỉnh sắc Ông tuần du trên các tuyến đường xung quanh chợ Biên Hòa. Một không khí rất sôi động, náo nhiệt chuẩn bị cho đoàn rước. Từng đoàn nối tiếp nhau dẫn đầu là các đội lân sư rồng, bàn nghi thức, kiệu thỉnh sắc Ông và linh tượng Ông, các nam thanh nữ tú cầm lồng đèn gánh hoa, đoàn nhạc Tiều… tạo nên cảnh trí rực rỡ, tươi vui và đặc sắc. Trên các con đường đoàn cung thỉnh đi qua, người dân lập các bàn thờ, hương án để đón Ông. Người dân trang trí, sắp đặt các bàn thờ tùy vào lòng hảo tâm. Có những bàn thờ khá quy mô với chân đèn, bát nhang, sắp đặt nhiều lễ vật có khi cả con heo quay, các mâm bánh bao, mâm xôi, trái cây, nhang đèn thịnh soạn… Khi kiệu Ông đi qua, gia chủ chờ đón và mời các đoàn lân ghé vào nhảy múa mong được may mắn, sau đó gia chủ tặng lộc cho các đoàn hậu tạ và thể hiện lòng thành tín với Đức Ông.
Lễ hội đình Tân Lân là một trong những lễ hội lớn ở Biên Hòa quy tụ hàng chục đội lân sư rồng trong và ngoài tỉnh tham gia. Các đội lân sư rồng góp phần tạo cho không khí lễ hội luôn tưng bừng, rộn rã đem lại niềm vui, may mắn, thu hút mọi người tập trung đến với lễ hội. Những đội lân thường thấy như: Thạch Sơn Đường, Hiếu Nghĩa Đường, Tinh Thắng, Gia Thắng, An Hòa Đường, Phúc Tâm… tích cực tham gia. Các đoàn lân sau khi trở về múa vài vòng trước đình, vào bàn thờ tiền điện vái lạy tạ ơn thần linh kết thúc cuộc rước.
Điểm độc đáo của lễ hội đình Tân Lân là mối tương quan giữa các đình với nhau. Ngày vía chính, Ban Quý tế mời tất cả các ban quý tế đình trong tỉnh về cúng đình Tân Lân. Các ban quý tế quy tụ đông đảo trong lễ phục truyền thống áo dài gấm khăn đóng tạo nên cảnh trí khá đẹp mắt và giàu bản sắc văn hóa Nam bộ. Không chỉ các ban quý tế trong tỉnh mà hằng năm Ban tổ chức còn mời Ban Quý tế đình Minh Hương Gia Thạnh Chợ Lớn, ngôi đình gốc người Hoa có thờ phụng Đức Ông đến lễ vía.
Người dân đến cúng Đức Ông và các chư vị còn thực hành các sinh hoạt tín ngưỡng khác như: vuốt lưng ngựa sờ lên đầu cổ, hoặc chui qua bụng ngựa… Với lòng thành tâm mọi người cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người ấm no hạnh phúc, dồi dào sức khỏe, thịnh đạt; trẻ con được mạnh khỏe, ngoan ngoãn và học giỏi. Khi ra về bá tánh được Ban tổ chức phát lộc là phong bao điều bên trong là các tấm giấy màu đỏ có nội dung thếp vàng như: Công thương hưng phát, Phước lộc toàn gia, Niên niên trường thọ, Tấn tài tấn lộc, Thọ tỉ Nam Sơn, Thông minh học giỏi, Vạn sự như ý, Vinh hoa phú quý… Đến với lễ hội đình Tân Lân, mọi người luôn cảm thấy được bình yên, tâm hồn thư thái sau những giờ lao động vất vả. Những người đi buôn bán vất vả đến gần khuya mới xong việc cũng vội vã đến với lễ hội đình làng để cúng Ông với tấm lòng thành kính.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát (2020, 2021), quy mô lễ hội đình Tân Lân đã được giản lược, điều kiện tổ chức lễ hội cũng luôn được Ban Quý tế đình chú ý nhằm đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Mặc dù vậy, những nghi thức trong lễ hội luôn được thực hiện đầy đủ trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng từ xưa đến nay.
Mỗi dịp cuối năm chuẩn bị bước sang mùa xuân, người dân lại được tham gia lễ hội đình làng Tân Lân vô cùng quy mô và đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Lễ hội đình Tân Lân là một nét đẹp, thể hiện văn hóa đặc trưng của sinh hoạt tín ngưỡng dân gian Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Đình Tân Lân và lễ hội kỳ yên hằng năm là địa chỉ văn hóa quan trọng nằm trong tuyến du lịch văn hóa tâm linh của du khách mỗi khi có dịp đến với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Nguyên Thơ