Trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp (DN) nói riêng gặp những khó khăn, thử thách khác nhau trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi, đòi hỏi DN phải càng nhạy bén, chủ động sáng tạo và nắm bắt cơ hội trong điều hành sản xuất và tìm kiếm khách hàng.
Trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp (DN) nói riêng gặp những khó khăn, thử thách khác nhau trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi, đòi hỏi DN phải càng nhạy bén, chủ động sáng tạo và nắm bắt cơ hội trong điều hành sản xuất và tìm kiếm khách hàng.
Đầu tư vào máy móc, công nghệ là giải pháp để Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam nâng chất lượng sản phẩm |
Tại Đồng Nai, có những DN đã tìm ra hướng đi, khắc phục khó khăn, xây dựng thương hiệu ngày một vững mạnh.
* Minh bạch sản phẩm, tạo uy tín với khách hàng
Từ một DN nhỏ trong ngành chế biến thực phẩm với sản phẩm chính là thạch nha đam, đến nay, Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food) đã trở thành một tổ hợp DN gồm nhiều nhà máy ở Đồng Nai và Ninh Thuận.
Trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm khó khăn vì dịch bệnh, DN này nhận định việc nắm bắt nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng trong khoảng thời gian xảy ra dịch bệnh là rất quan trọng đối với các DN sản xuất hàng tiêu dùng. Sau những tác động của đại dịch, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng muốn biết sự sạch sẽ, an toàn của thực phẩm bắt đầu từ khi gieo trồng đến khi đến tay người tiêu dùng. Thông qua công nghệ, việc tìm hiểu về nguồn gốc hàng hóa càng trở nên đơn giản. Người tiêu dùng ngày càng thông minh và lựa chọn những thực phẩm sạch, an toàn, do vậy, GC Food xác định minh bạch sản phẩm là điều DN đặc biệt chú trọng.
GC Food chủ động được nguyên liệu từ những vườn nha đam rộng lớn |
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food, ngay từ đầu, DN phải đầu tư một cách chỉn chu và minh bạch, đảm bảo chất lượng từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất, chú trọng vào chất lượng bên trong hơn là những giá trị bên ngoài. Việc đầu tư cho sản phẩm cũng như đầu tư cho cả chất lượng dịch vụ đảm bảo uy tín với khách hàng, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những sản phẩm gặp sự cố. Nhờ định hướng chiến lược đúng, cùng với nỗ lực mở rộng thị trường, các sản phẩm thạch dừa, nha đam, hoa quả táo, dưa lưới… của GC Food đã thâm nhập thành công vào các thị trường khó tính như: Nhật, Hàn hay châu Âu. “Các thị trường này, tính minh bạch trong quá trình sản xuất sản phẩm rất cao, do vậy khi định hình đối tượng khách hàng cần tuân theo những quy tắc, chuẩn mực quốc tế. DN muốn xuất khẩu thì ngay khi có ý tưởng về sản phẩm hoặc xây dựng nhà máy phải có một quy trình chuẩn, đầu tư bài bản để đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế” - ông Thứ chia sẻ.
Nâng tầm thương hiệu, GC Food cũng đã hợp tác, gia công sản phẩm cho các tập đoàn, DN lớn như: Vinamilk, Coca-Cola…, đưa GC Food trở thành một trong những nhà cung cấp nguyên liệu nha đam, thạch dừa lớn cho các nhãn hiệu thực phẩm, bánh kẹo lớn trên thị trường. Sản lượng hàng hóa của DN này trong năm 2021 vẫn tăng trưởng trên 50% so với năm 2020. Khi đã có năng lực về sản xuất, ông Nguyễn Văn Thứ xác định sẽ tiếp tục nâng tầm DN về thương hiệu. Dự tính trong năm 2022 sẽ mở rộng đầu tư lên khu vực Tây nguyên với việc xây dựng nhà máy chế biến hoa quả trị giá 100 tỷ đồng, đồng thời làm nhãn hiệu riêng cho các loại thạch trái cây, nha đam thay vì gia công cho các tập đoàn lớn.
* Ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm Việt
Sau nhiều năm làm việc tại Nhật Bản, ông Trần Quý trở về Việt Nam mang theo hoài bão thiết lập nên một DN ngành cơ khí, chế tạo, ứng dụng các kiến thức, công nghệ đã học được từ Nhật Bản. Lựa chọn Đồng Nai làm nơi xây dựng nhà máy, sau 5 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) do ông Quý làm chủ đã phát triển mạnh mẽ và đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp sản xuất, phục vụ xuất khẩu.
Sản xuất thạch dừa cung ứng cho nhãn hiệu Coca-Cola tại một nhà máy của Công ty CP Thực phẩm GC |
Nhật Nam chuyên sản xuất các cấu kiện kim loại: vỏ máy, khung máy, thiết bị nông nghiệp, gia dụng, xây dựng; sản phẩm cho nội thất như: khung ghế, bàn các loại, giường sắt, tủ sắt, kệ bếp. Các thiết bị dùng cho nhà máy như: con lăn tải, băng tải, bàn thao tác, sàn thao tác, bồn, đường ống và thi công lắp đặt kệ kho, kệ trưng bày sản phẩm, pallet sắt, xe đẩy…
Làm quy chuẩn ngay từ đầu là yêu cầu mà công ty đặt ra cho cán bộ, công nhân viên của mình. “Kỹ thuật Nhật - Bàn tay Việt”, để làm nên những sản phẩm có chất lượng tốt bằng bàn tay người Việt Nam nên DN rất chú trọng yếu tố kỹ thuật và con người. Bắt đầu từ một công ty gia công nhưng Nhật Nam đang dần hướng tới sản xuất sản phẩm hoàn thiện kỹ thuật cao, do đó việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đầu tư thiết bị hiện đại là rất quan trọng.
Cũng theo ông Quý, mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh song thị trường cho ngành hàng cơ khí chế tạo, thiết bị công nghiệp phụ trợ là rất lớn nên dư địa phát triển của ngành còn nhiều. Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nên nếu biết nắm bắt thị trường, nhu cầu từ các đối tác ngoại thì cơ hội vẫn rộng mở. Hướng tới DN sản xuất bài bản, tiếp tục theo đuổi con đường của một công ty sản xuất, trở thành DN có quy mô khép kín từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm mang lại tiện ích là con đường lâu dài. Sản phẩm của DN hướng tới mang giá trị cao nên chú trọng đến thị trường xuất khẩu. Hiện tại, sản phẩm sản xuất ra của DN chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ 40%, Nhật Bản 30%, Australia 20% và thị trường trong nước 10%.
Công nhân Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam trong giờ sản xuất |
Tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp hơn, Nhật Nam đang xây dựng nhà máy mới với vốn đầu tư hơn 1,5 triệu USD, diện tích sàn sản xuất lên tới hơn 4 ngàn m2. Sau khi nhà máy mới hoàn thành, DN sẽ bố trí lại sản xuất để tối ưu hóa quy trình, chất lượng; đồng thời tuyển dụng thêm người lao động có tay nghề và đào tạo họ trở thành những chuyên gia sản xuất. Cùng với hệ thống máy móc đầu tư hiện đại là đầy đủ các phòng từ văn phòng, phòng nghiên cứu, phát triển đến dây chuyền sản xuất… Khi đó DN có đủ năng lực để đáp ứng những đơn hàng lớn từ đối tác nước ngoài. Đó cũng là cơ hội để Nhật Nam tự tin hội nhập và có những bước phát triển mới lớn mạnh hơn” - ông Quý kỳ vọng.
Vương Thế