Hằng năm Xuân đến, các nhà văn lại rục rịch viết báo Xuân. Có khi làm cái việc này từ cách đấy cả mấy tháng. Viết báo Xuân là mang đến một hương vị Xuân cho bạn đọc. Hoặc một bài thơ tràn đầy hương sắc Xuân, một bài bình thơ Xuân tinh tế. Hoặc một bài báo với giọng hoài cổ về cái thời đã qua: "Xuân chiến tranh", "Xuân bao cấp", "Xuân đổi mới", "Xuân trong chuyến du hành về quê hương"….
Hằng năm Xuân đến, các nhà văn lại rục rịch viết báo Xuân. Có khi làm cái việc này từ cách đấy cả mấy tháng. Viết báo Xuân là mang đến một hương vị Xuân cho bạn đọc. Hoặc một bài thơ tràn đầy hương sắc Xuân, một bài bình thơ Xuân tinh tế. Hoặc một bài báo với giọng hoài cổ về cái thời đã qua: “Xuân chiến tranh”, “Xuân bao cấp”, “Xuân đổi mới”, “Xuân trong chuyến du hành về quê hương”…. Có khi lại kể chuyện về loài vật biểu tượng của năm như con Chuột, con Trâu, con Hổ... Cũng có lúc là một truyện ngắn, một bút ký có hương vị Xuân. Viết báo Xuân thì tự người viết phải ăm ắp không khí Xuân và đưa đến cho mọi người.
Một lần đi xe ô tô cùng nhà thơ Huy Cận. Lúc ấy là vào tháng 10 mùa thu se lạnh ở Hà Nội, trời trong veo, không một gợn mây. Xe chạy giữa những hàng cây cổ thụ, lá vàng rơi lác đác xuống đường. Nhà thơ khoe:
- Mình (ông vẫn xưng với đám con cháu như thế) làm được mười bài thơ ăn Tết rồi!...
Chao ơi, lo xa thế. Đang lác đác lá vàng rơi mà ông đã chuẩn bị cho mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, trời rải những giọt mưa bụi cho lúa râm ran trổ đòng. Viết báo Xuân gọi theo từ chuyên môn của nhà văn là làm hàng Tết, giống như người làm mứt, làm bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, trồng mai, trồng đào. Chỉ có điều hàng Tết của nhà văn là món ăn tinh thần không thể thiếu của bạn đọc. Nhà văn Ma Văn Kháng có viết một truyện ngắn đăng trên Tạp chí Hồn Việt số Xuân kể chuyện các nhà văn đua nhau làm hàng Tết. Một ông nhà văn nọ đã nghỉ hưu gọi điện trao đổi với tổng biên tập, tổng biên tập trả lời khéo:
- Dạ, bài của bác hay lắm ạ, cháu đọc rất thú vị ạ, định dùng thì cậu biên tập viên nhắc cháu là đã có bài giống như của bác rồi ạ. Thôi bác thông cảm gửi sang báo khác nhé. Chúng cháu cám ơn bác nhiều ạ. Chúc bác khỏe ạ.
Nhà văn tiu nghỉu vì biết là bị đụng hàng bèn kiếm cách chuyển cho tờ báo khác. Khắc khoải chờ đợi mấy hôm rồi mới rụt rè hỏi tổng biên tập. Đầu dây bên kia giọng tổng biên tập nữ lảnh lót:
- Vâng, cháu đọc rồi, chúng cháu đang thiếu những bài như của bác, cháu sẽ đi luôn số Xuân này bác nhé!...
Ngỡ như trên đời này chả có gì ngọt ngào hơn. Một nụ cười tươi tắn nở trên môi nhà văn già.
Bởi vậy viết báo Xuân không phải dễ dàng gì, trong hàng trăm ông nhà văn thì có khoảng mươi ông có bài đăng số Xuân. Phải viết đúng gu của tờ báo, của tổng biên tập, lại trám vào đúng cái chỗ đang còn thiếu của tờ báo. Vả lại phải có tên tuổi quen thuộc chứ lạ hoắc khó bề mà đậu. Văn phong của báo Xuân phải tươi tắn, trong sáng chứ lộ vẻ than thở, buồn bã là không thể chấp nhận.
Ngặt như thế nên lọt vào số Xuân thì rất vui, vui gấp nhiều lần so với đăng tờ báo thường. Bài báo Xuân như bông hoa tươi thắm trong vườn hoa nhiều hương sắc của tờ báo. Niềm vui báo Xuân không phải ai cũng có khiến nhà văn lâng lâng suốt mấy ngày Tết. Cái báo Xuân lại giữ được mãi không như bánh chưng, bánh tét để lâu thì mốc, chẳng như hoa sẽ đến ngày úa tàn. Tôi thường có thói quen lưu giữ lại những tờ báo Xuân mình có bài và không có bài. Thỉnh thoảng trong năm đọc lại thấy cái làn gió Xuân phả vào người mình mát rượi. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi bị tai biến vẫn ngồi xe lăn đọc cho thư ký viết. Có Tết ông gọi điện khoe với tôi:
- Năm ni chú có năm bài in báo Tết, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sông Hương… có hết cháu ạ.
Tôi hiểu những nỗ lực không mệt mỏi của ông để dâng hiến cho mùa Xuân và chúc mừng ông.
Nhuận bút báo Xuân bao giờ cũng cao hơn nhuận bút số thường. Đó là một trong những lý lẽ để nhà văn hăng hái viết báo Xuân. Có năm khách đến chúc Tết nhà văn Tô Hoài. Nhìn trong nhà thấy chuẩn bị Tết rất tươm tất, đầy đủ. Khách trộm nghĩ: ai bảo nhà văn là khổ? Hỏi, nhà văn mắt và miệng đều cười tươi:
- Năm nay nhà tôi ăn Tết to, tôi có bài trên Báo Thanh Niên họ trả cho mười lăm triệu...
Ới giời ơi, Tết nào cũng như thế này thì thích nhỉ? Nhưng phải cái danh ông Tô Hoài mới được trả cao ngất ngưởng như vậy chứ có phải ai cũng được vậy đâu - khách nghĩ vậy.
Nói đến lĩnh vực viết báo Xuân tôi phải tâm phục, khẩu phục hai người. Đó là ông Nguyễn Quang Thiều và ông Trần Đăng Khoa, một ông Chủ tịch, một ông Phó chủ tịch cái hội to nhất trong các ngành văn học nghệ thuật là Hội Nhà văn Việt Nam. Công việc to nhỏ gì của Hội cũng đến tay mà hai ông cày siêu thế. Giở nhiều tờ báo Xuân như Văn nghệ Trung ương, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Hồn Việt, Tuổi Trẻ, Thanh Niên... là thấy bài của hai ông. Có lần Khoa khoe với tôi:
Tết này em cũng kiếm được vài chục bác ạ!...
Thế đấy, đó là chuyện các nhà văn trung ương. Bây giờ kể chuyện các nhà văn Đồng Nai nhà mình.
Khác với các tờ báo Xuân trung ương chen chúc, có khi bị đánh bật ra thì Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai lại chào mời, vẫy gọi để có mặt đông đủ anh chị em văn nghệ. Tờ báo Xuân Văn nghệ Đồng Nai như cái nơi họp mặt sum vầy ngày Xuân cho vui vẻ, ai cũng góp một tí. Như một bữa tiệc mừng Xuân người góp hộp mứt, người góp đòn bánh tét, người góp hũ kiệu, quả dưa hấu vậy. Cũng có người chuẩn bị từ mấy tháng trước, có người nước đến chân mới... làm hàng. Nhà văn Nguyễn Một đảm nhận trọng trách bên Công ty Ô tô Trường Hải bị thúc gửi bài đành ứng phó kịp thời bằng cách ngắt đoạn đầu cuốn tiểu thuyết sắp in cho báo Xuân. Nhà thơ Đỗ Minh Dương cứ dịp Tết là đóng vai ông Đồ để làm câu đố Tết gửi báo cho có hương vị cổ kính và hiện đại. Nhà thơ Đàm Chu Văn như thường lệ đi bằng hai chân thơ và văn xuôi. Nhà văn Đào Sỹ Quang với sở trường truyện ngắn, sản xuất hơi bị nhanh đáp ứng nhiều cuộc thi, nhiều tờ báo thì lần này cũng góp một truyện ngắn. Nhà văn Trần Thu Hằng đang loay hoay chưa biết viết gì thì được mời đi dự cuộc gặp mặt giữa Bí thư Tỉnh ủy với công nhân thế là có ngay một bài ký nóng hổi hơi thở cuộc sống. Nhà văn Dương Đức Khánh khi biết đụng hàng với người bạn văn thân thiết liền chuyển đổi sang thơ, bởi ông bạn kia chỉ làm văn xuôi. Tôi cũng vậy cứ bí rì rì đề tài thì được gợi ý viết vài mẩu chuyện vui về nhà văn, chứ Tết mà nghiêm trang quá thì tờ báo khô khan. Vậy là đụng ngay vào kho hàng tích lũy bao năm của mình, trong một ngày đã làm xong. Các nhà thơ thì vẫn góp vào báo Xuân những bài thơ tươi tắn đằm thắm tình yêu quê hương yêu cuộc sống khi một năm tỉnh nhà vượt qua dịch giã căng thẳng để trở lại cuộc sống bình thường mới...
Ai đang đứng trước ngưỡng cửa mùa Xuân? Phải hơn một tháng nữa mới Tết nhưng các tờ báo Xuân đã chuẩn bị xong xuôi chờ ngày ra mắt trong niềm vui của bạn đọc, của phóng viên, ban biên tập. Những nhà văn chúng tôi có góp một phần nhỏ tạo nên không khí Xuân vui tươi, hồ hởi ấy. Như những con ong cần mẫn chúng tôi lại đi hút mật để tạo nên những bông hoa tinh thần cho những tờ báo Xuân mùa sau...
Bùi Quang Tú