Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu 2021: Tắt đèn và suy ngẫm

04:01, 21/01/2022

Năm 2021, thế giới bị đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam cũng oằn mình gánh chịu những tổn thất nặng nề. Làng văn hóa - giải trí đã có những nốt trầm, đặc biệt sân khấu đã không thể sáng đèn suốt nhiều tháng liền.

Năm 2021, thế giới bị đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam cũng oằn mình gánh chịu những tổn thất nặng nề. Làng văn hóa - giải trí đã có những nốt trầm, đặc biệt sân khấu đã không thể sáng đèn suốt nhiều tháng liền.

Vở cải lương Nàng Xê Đa.
Vở cải lương Nàng Xê Đa. Ảnh: Gia Tiến

* Không có mùa kịch Tết và và tín hiệu… chập chờn!

Với làng sân khấu, mùa kịch Tết luôn là mùa rôm rả, vui vẻ nhất trong năm. Giới sân khấu luôn chừa những vở diễn hấp dẫn, sinh động nhất để phục vụ khán giả mùa Tết. Khán giả Sài Gòn yêu văn hóa văn nghệ nên đã thành thói quen, bên cạnh các hoạt động giải trí khác, họ luôn dành thời gian để đến với các rạp hát, sân khấu. Chính văn hóa lâu đời đó mà TP.HCM đã hình thành nên một làng văn hóa nghệ thuật sôi động, một hệ thống sân khấu xã hội hóa mạnh nhất cả nước.

Mỗi mùa Tết, các sân khấu tăng suất diễn mỗi ngày từ 2-3 suất. Khán phòng thì thường đầy ắp và nghệ sĩ xem sân khấu, nhà hát như ngôi nhà thứ hai vào dịp Tết. Họ ở suốt từ sáng đến khuya, diễn từ suất này qua suất khác để phục vụ khán giả. Họ ăn Tết ngay tại sân khấu.

Vở cải lương tuồng cổ Lưu Bị cầu hôn Giang Tả. Ảnh: Đoàn Trân
Vở cải lương tuồng cổ Lưu Bị cầu hôn Giang Tả. Ảnh: Đoàn Trân

Có đến các sân khấu mùa Tết sẽ thấy bên trong hậu trường lúc nào cũng bày sẵn mâm Tết do các diễn viên tự mang đến, nào bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, tôm khô, dưa hấu, hạt dưa, hạt bí, bánh mứt… đủ hết. Cứ sau mỗi cảnh diễn, nghệ sĩ nào đói cứ đến ăn lấy sức, tới cảnh của mình thì chạy ra diễn tiếp. Một không khí vui vẻ, ấm áp và thật khó quên với những ai được ăn cơm Tổ nghiệp.

Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử biểu diễn, mùa Tết năm 2021 sân khấu buộc phải đóng cửa ngay giáp Tết vì ảnh hưởng dịch bệnh. Bao nhiêu vở diễn mới được đầu tư công sức, tiền của phải xếp lại không được bung trong những ngày xuân về. Một mùa Tết buồn bã của giới nghệ sĩ sân khấu.

Qua Tết đâu một thời gian, sân khấu được phép sáng đèn nhưng chỉ độ 1 tháng, dịch bệnh ập đến, lại tiếp tục bài ca đóng cửa. Và lần này cực kỳ nặng nề kéo dài từ suốt tháng 4 đến cuối năm 2021 mà tình hình vẫn không sáng sủa cho một cuộc trở lại. Rất nhiều vở mới của sân khấu trong năm 2021 suất diễn chỉ đếm trên đầu bàn tay.

Nghiệt ngã nhất là sân khấu Idecaf, sau mùa hè năm 2020 lỡ hẹn với các khán giả nhí vì dịch bệnh, tháng 4-2021 sân khấu định “đền bù” cho các bé bằng chương trình Ngày xửa ngày xưa với vở Thuyền trưởng Sinh Bá và Nàng tiên cá đen xì. Diễn viên đã bỏ công cả tháng trời tập luyện, cảnh trí, trang phục đầu tư tốn kém, vé cũng đã được bán trước hết sức khả quan. Vậy mà đùng cái, dịch bệnh ập đến, vở chưa kịp diễn suất nào phải dẹp, mấy trăm triệu đồng đầu tư coi như tiêu tan. Có thể nói, năm 2021 là năm thất bát của làng sân khấu thành phố!

* Vài điểm sáng trong làng sân khấu năm 2021

Dù đóng cửa nhiều hơn sáng đèn nhưng năm qua làng sân khấu cũng đã kịp có vài vở diễn như điểm sáng để gửi đến công chúng.

Một trong những vở kịch hay nhất năm 2021 phải kể đến Bạch Hải Đường (nguyên tác cải lương: Nguyễn Huỳnh, chuyển thể thoại kịch: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như) của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Có lẽ khán giả ghiền cải lương không ai là không biết đến vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường. Một vở diễn mà qua nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ Hùng Cường, Trọng Hữu đến Kim Tử Long đều tạo nên dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Bởi vậy mà khi Hoàng Thái Thanh hé lộ thông tin dựng kịch từ vở diễn này, không ít khán giả đã nôn nao chờ ngày “tướng cướp” của lòng họ lộ diện. Bạch Hải Đường phiên bản kịch ra mắt đã không làm công chúng thất vọng. E ngại về cái bóng quá lớn của bản dựng cải lương cũng nhanh chóng được giải tỏa khi Bạch Hải Đường mang hơi thở hoàn toàn mới.

Liveshow nghệ sĩ Kim Tử Long - Thoại Mỹ đầu năm 2021. Ảnh: Đoàn Trân
Liveshow nghệ sĩ Kim Tử Long - Thoại Mỹ đầu năm 2021. Ảnh: Đoàn Trân

Nhiều vở diễn sân khấu đã nói về thân phận người phụ nữ, thì Bạch Hải Đường là một cách khai thác bi kịch của người đàn ông. Xem vở, người ta thương Đặng Hoàng Minh (tức Bạch Hải Đường) không phải ở khía cạnh tên cướp, vì đi cướp đã là cái sai, nhưng người ta thương vì số phận đã khiến anh ta đi lệch hướng. Những câu hỏi giá như Bạch Hải Đường có một nơi nương tựa, có một mái ấm gia đình, được giáo dục, không phải vật vã trong cái nghèo để chứng kiến mẹ mình ra đi trong đau đớn, nghèo khổ và thèm thuồng một cái bánh bao mà đến chết vẫn không có để ăn. Cái bánh bao vấy máu là vật đầu tiên mà cậu bé khờ dại cướp đoạt của người khác, và nó cũng là nỗi hận, sự mặc cảm thân phận để Đặng Hoàng Minh trượt dài và trở thành Bạch Hải Đường, dù là chỉ cướp của người giàu có và chia sẻ cho người nghèo.

Xem Bạch Hải Đường có thể thấy được sự tỉ mỉ của đạo diễn Ái Như trong việc mài giũa tâm lý nhân vật. Trí Quang (vai Bạch Hải Đường), Tuyết Thu (vai Nhung) đã phải ròng rã cả tháng trời trên sàn tập để có được những lớp diễn khiến người xem phải day dứt.

Ở mảng kịch lịch sử, ê-kíp của NSND Hoàng Yến năm nay lại tiếp tục đem đến cho khán giả một vở kịch hay, Thành Thăng Long thuở ấy (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà).

Vở Mưa bóng mây
Vở Mưa bóng mây

Thành Thăng Long thuở ấy là kịch bản từng được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng với cái tên Anh hùng và mỹ nhân tham gia Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 và đoạt HCV. Năm 2015, với phiên bản cải lương mang tên Tình sử hai vương triều, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai lại tiếp tục giành HCV tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015. Thế nhưng, với bản lĩnh của mình, ê-kíp của NSND Hoàng Yến đã làm cho Thành Thăng Long thuở ấy không hề mang bóng dáng của những bản dựng trước đây. Không hoành tráng về cảnh trí, trang phục, số lượng diễn viên… Vở diễn vẫn tiếp tục phát huy chất lượng ở sự đầu tư về nội lực diễn viên, tinh tế về trang phục, cảnh trí, âm nhạc…

Thành Thăng Long thuở ấy đã kỳ công xây dựng được những lớp diễn khiến người xem phải xốn xang, nao lòng. Đó là khi Lý Chiêu Hoàng đối đầu với Trần Thủ Độ. Là mối tình đau đớn, đầy xa xót của Trần Cảnh - Lý Chiêu Hoàng khi lòng còn yêu mà phải nói lời ly biệt… Tất cả sự chăm chút đó đã khiến người xem cứ mãi ám ảnh sau khi xem vở diễn.

Về cải lương, đáng chú ý có vở Nàng Xê Đa (phiên bản 2021) với kinh phí “chịu chơi”, tới hơn 700 triệu đồng. Với mong muốn mãn nhãn người xem, Nàng Xê Đa không sử dụng màn hình LED, vì vậy cảnh trí đã ngốn một phần không nhỏ kinh phí. Đổi lại, khi sân khấu mở màn nhiều người đã trầm trồ với vẻ đẹp lộng lẫy của đền đài, thành quách. Ánh sáng được xử lý để tạo hình ảnh lung linh, huyền ảo. Phục trang đẹp, được đầu tư may mới hoàn toàn. Các bài múa từ xứ sở Campuchia được Lê Việt dàn dựng sinh động, không chỉ diễn viên múa mà gần như tất cả các diễn viên trong vở diễn đều phải tập để có ít nhất một đến hai cảnh múa. Có thể nói, về phần nhìn, Nàng Xê Đa là một vở màu sắc hấp dẫn.

Vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam
Vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam

Để đáp ứng phần nghe, Nàng Xê Đa tập trung rất nhiều chuông vàng vọng cổ: Võ Minh Lâm, Minh Trường, Phương Cẩm Ngọc, Cao Thúy Vy… bên cạnh các nghệ sĩ: Phượng Loan, Chí Linh, Tú Sương, Lê Trung Thảo, Hoàng Quốc Thanh… Mỗi nhân vật xuất hiện, đạo diễn đã kỳ công khai thác để họ có đất diễn, phô diễn khả năng của mình. Võ Minh Lâm đã có một vua Priêm đáng nhớ, từ chàng hoàng tử thiện lương đến một vị vua bị vua Quỷ len lỏi trong con người khiến lòng ngờ vực, hờn ghen lấn át lý trí, con tim dẫn đến những hành động sai lầm để rồi về già phải sống trong nỗi giày vò, dằn vặt. 3 nữ diễn viên đóng vai Xê Đa là: Lê Hồng Thắm, Cao Thúy Vy và Phượng Loan đều tạo nên những dấu ấn riêng của mình.

Dù không nhiều nhưng với 3 vở diễn kể trên có thể nói những người làm sân khấu thành phố vẫn không hề buông xuôi khi tình hình dịch bệnh phức tạp, khi sân khấu gặp khó khăn. Có những người hết lòng, nhiệt tâm như thế làng nghệ thuật, sàn diễn vẫn còn giữ được niềm tin để khơi những đốm than âm ỉ khi bức tranh chung vẫn còn u ám. Mong lắm, năm mới 2022, dịch bệnh hoàn toàn chấm dứt, cuộc sống trở lại nhịp điệu bình thường để người dân đủ yên tâm, thoải mái thưởng thức văn hóa nghệ thuật và người nghệ sĩ được tiếp thêm động lực để sáng tạo và cống hiến!

Đoàn Trân

Tin xem nhiều