"Bất chấp" khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều nghệ sĩ vẫn âm thầm sáng tạo, bằng nhiều cách khác nhau góp phần làm đẹp cho bức tranh nghệ thuật Đồng Nai năm 2021.
“Bất chấp” khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều nghệ sĩ vẫn âm thầm sáng tạo, bằng nhiều cách khác nhau góp phần làm đẹp cho bức tranh nghệ thuật Đồng Nai năm 2021.
Tác phẩm Người giữ niềm tin - họa sĩ Lâm Văn Cảng |
* “Thắp lửa” phòng, chống dịch Covid-19
Câu chuyện của cố nghệ sĩ tài hoa Phạm Văn Út đoạt giải nhất cuộc thi Điêu khắc kỹ thuật số quốc tế lần thứ 6 do Hiệp hội Ars Mathematica có trụ sở tại Paris tổ chức với tác phẩm Tracing Covid-19 (Truy tìm Covid-19) vào tháng 3-2021 đã trở thành câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng để các nghệ sĩ ở Đồng Nai sáng tạo. Ông là một trong những người đầu tiên ở Đồng Nai tiên phong ứng dụng công nghệ in 3D. Trên nền công nghệ này, ông đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm, công trình nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, ông đã đưa đề tài về đại dịch mà cả nhân loại đang đối mặt vào cuộc thi mang tầm quốc tế.
Ở thời điểm tác phẩm Tracing Covid-19 ra đời (vào cuối năm 2020) thế giới đang bước vào giai đoạn đầu tiêm vaccine ở một số quốc gia. Điều mong mỏi lớn nhất qua tác phẩm của cố nghệ sĩ là các nhà khoa học, y bác sĩ nhanh chóng đưa vaccine vào tiêm chủng mở rộng để tạo miễn dịch sớm cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam, nhiều địa phương tại Đồng Nai trong tình trạng cách ly, phong tỏa. Đây cũng là thời điểm ông phát hiện mình bị bệnh K. Sau phẫu thuật, phải di chuyển, thăm khám và điều trị tại các bệnh viện, ông đã dương tính với Covid-19 và qua đời.
Tác phẩm Tracing Covid-19 (Truy tìm Covid-19) đoạt giải nhất cuộc thi Điêu khắc kỹ thuật số quốc tế vào tháng 3-2021 của cố nghệ sĩ Phạm Văn Út |
Điều đáng nói là, mặc dù đang nằm trên giường bệnh, chưa được tiêm vaccine và đối mặt với Covid-19 nhưng cố nghệ sĩ Phạm Văn Út vẫn rất lạc quan, tin tưởng, truyền động lực cho văn nghệ sĩ Đồng Nai. Trên trang Facebook của mình, ông thường xuyên chia sẻ về những dự định nghệ thuật, về những lớp học điêu khắc kỹ thuật số và cả những câu chuyện bên lề của giải thưởng quốc tế với kỳ vọng sau khi xuất viện có thể đưa tác phẩm đi triển lãm và trao tặng món quà ý nghĩa đó cho một bệnh viện trong tỉnh để trưng bày.
Cùng với cố nghệ sĩ Phạm Văn Út, những người hoạt động nghệ thuật chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh đã sử dụng “vũ khí” sắc bén của mình sáng tạo nên những ca khúc, bản nhạc, lời thơ, bức tranh để cổ vũ tinh thần toàn dân chiến đấu với “giặc Covid-19”. Trong đó phải kể đến những cái tên như: NSƯT Quế Anh, nhạc sĩ Đoàn Quang Trung, họa sĩ Lâm Văn Cảng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thành An, Lò Văn Hợp... Các nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm, tình cảm của từng cá nhân, tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng, góp phần truyền cảm hứng, cổ vũ mọi người chung tay chiến thắng đại dịch.
Tác phẩm Chung tay phòng, chống Covid-19 của họa sĩ Đào Tấn Hưng |
NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, trong thời điểm Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phía Nam giãn cách, phong tỏa…văn nghệ sĩ đã tích cực sáng tác, tham gia các triển lãm trong và ngoài tỉnh, bán đấu giá để ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều nhiếp ảnh gia đã đi vào tâm dịch để ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất. Cùng với giá trị to lớn về mặt tinh thần, văn nghệ sĩ Đồng Nai còn phát động ủng hộ trực tiếp bằng tiền mặt hàng chục triệu đồng, cùng với tỉnh nhà và cả nước phòng, chống dịch.
“Giá trị của những tác phẩm nghệ thuật đôi khi cần một khoảng lùi thời gian để có thể đánh giá một cách đầy đủ. Nhưng rõ ràng, sáng tác về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 đã trở thành một phong trào rộng lớn thôi thúc văn nghệ sĩ Đồng Nai không ngừng sáng tạo. Đã có hàng trăm tác phẩm hay, bức ảnh đẹp được văn nghệ sĩ ứng dụng công nghệ 4.0 để giới thiệu qua internet, lan tỏa qua các trang mạng xã hội. Nó mang lại sức mạnh tinh thần rất lớn, nâng đỡ con người và tin tưởng vào ngày mai tươi sáng hơn” - NSND Giang Mạnh Hà nói.
* “Cháy” hết mình với nghệ thuật
Để có thể đưa tác phẩm nghệ thuật đến với người dân đang cách ly và các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dã chiến, các cá nhân và đơn vị nghệ thuật trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi diễn, triển lãm ảnh trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt từ tháng 8, nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh và Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa không quản ngại khó khăn, trong đồ bảo hộ y tế, mang âm nhạc đến với lực lượng tuyến đầu và bệnh nhân đang chống chọi với “bóng đen” Covid-19, tiếp thêm sự phấn chấn để vượt qua bệnh dịch bệnh.
Tác phẩm Phòng, chống Covid-19 của Nguyễn Đình Sử |
Theo nghệ sĩ Phương Thảo (công tác tại Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh), sự nguy hiểm của dịch Covid-19 khiến cho việc tổ chức biểu diễn khó hơn nhiều, nhất là vào các bệnh viện dã chiến, nhiều nghệ sĩ lúc đó chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Thế nhưng, mỗi người đã rất nỗ lực, cố gắng để có thể vừa khoác lên mình bộ đồ bảo hộ vừa biểu diễn đạt hiệu quả. “Riêng tôi, tôi hạnh phúc khi đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình để sẻ chia, vực dậy tinh thần của cộng đồng trong hoàn cảnh khó khăn. Trong khả năng của mình, tôi sẽ tiếp tục mang lời ca, tiếng hát, những cơn gió mát lành, động viên mọi người chống dịch hiệu quả” - chị Thảo chia sẻ.
Trừ những thời điểm các địa phương trong tỉnh siết chặt phong tỏa, người dân không được ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết thì sân khấu truyền thống của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai “sáng đèn” cả ngày lẫn đêm. Đã có hàng chục chương trình nghệ thuật mới, nhiều trích đoạn và vở cải lương mới phát sóng trực tuyến trên Facebook, YouTube của nhà hát. Trong đó phải kể đến các chương trình ca múa nhạc như: Màu trắng yêu thương, Lời trái tim, Tình yêu và tuổi trẻ, Khúc hát tự hào, Tiếng vọng quê hương… Hay các vở cải lương: Sứ mệnh, Khơi nguồn… Tất cả đều mang đề tài phòng, chống dịch.
Nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, công chiếu trực tuyến phục vụ khán giả. Ảnh: My Ny |
Trong quá trình tập luyện và biểu diễn, nhiều nghệ sĩ của nhà hát như: Hồng Gấm, Thành Vinh… bị nhiễm Covid-19 nhưng họ không ngưng nghỉ. Thay vì đến nhà hát, các nghệ sĩ ở nhà vừa điều trị, vừa kết nối internet để luyện tập và hoàn thành các vai diễn cho kịp tiến độ ghi hình, phát sóng phục vụ cho nhân dân. Có những vở diễn đã tập luyện xong xuôi, đến ngày tổng duyệt, một số nghệ sĩ dương tính với Covid-19, nhà hát buộc phải “thay vai” và tạm dừng để khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng dịch.
Hơn 20 năm gắn bó với sân khấu cải lương, nghệ sĩ Thành Vinh nói rằng đại dịch đã mang đến nhiều khó khăn, có những lúc phải tạm ngưng việc diễn hoàn toàn nhưng anh và đồng nghiệp xem đây thử thách để “khám phá” thêm khả năng của chính mình. Việc tự kết nối, luyện tập và biểu diễn trực tuyến với anh không quá khác biệt so với diễn trực tiếp, bởi nghệ sĩ vẫn “cháy” hết mình cho nghệ thuật và có sự tương tác với khán giả qua bình luận, yêu thích (like), chia sẻ (share). Ở thời điểm hiện tại, anh và các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đang tích cực chuẩn bị cho những vai diễn mới, những chương trình hấp dẫn phục vụ nhân dân trong Tết đến, Xuân về.
Nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, công chiếu trực tuyến phục vụ khán giả. Ảnh: My Ny |
NSƯT Quế Anh, Giám đốc nhà hát chia sẻ: “Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam và Đồng Nai khiến cho câu chuyện xây dựng nhà hát trực tuyến, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả tiếp tục “nóng” lên với nhiều chuyển động. Nhà hát trực tuyến là hướng đi mà nhà hát đã và đang tiếp tục thực hiện để phát triển các hoạt động biểu diễn, đưa nghệ thuật vượt ra khỏi khán phòng, đến với bạn bè trong và ngoài nước, với nhiều đối tượng khán giả hơn. Qua đó, quảng bá và lan tỏa nghệ thuật, sân khấu truyền thống Đồng Nai trong thời đại số”.
NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho hay: “Văn hóa nghệ thuật luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, trong đó văn nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, văn nghệ sĩ Đồng Nai đã phát huy thế mạnh, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật mới có giá trị, vừa đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh vừa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân”.
Phạm Ny Ny