Giao thông là mạch máu của nền kinh tế và thực tế cũng đã chứng minh, ở đâu hạ tầng giao thông đi trước ở đó kinh tế sẽ phát triển. Chính vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai, mục tiêu "đại lộ sinh đại phú" của Đồng Nai đang dần được hiện thực hóa.
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế và thực tế cũng đã chứng minh, ở đâu hạ tầng giao thông đi trước ở đó kinh tế sẽ phát triển. Chính vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai, mục tiêu “đại lộ sinh đại phú” của Đồng Nai đang dần được hiện thực hóa.
Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng (bìa trái) trao đổi với Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức (bìa phải) tại chuyến đi kiểm tra thực tế tiến độ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào tháng 11-2022. Ảnh: Q.Nhi |
* Những “bệ phóng” phát triển
Những ngày đầu tháng 12-2022, không khí của một mùa Xuân mới đang đến gần hơn thì trên công trường dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn hết sức rộn ràng và sôi động. Bước vào giai đoạn thi công “nước rút”, các nhà thầu thi công dự án đang tập trung tối đa phương tiện máy móc cũng như nhân lực thi công nhằm đảm bảo cho dự án được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022 như yêu cầu Chính phủ đặt ra.
Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, diện mạo của một tuyến cao tốc mới, hiện đại đang dần rõ “hình hài”. đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài khoảng 52km. Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia, hiện đại nhất Việt Nam, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.
Theo yêu cầu của Chính phủ, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 30-6-2023 để phục vụ khởi công trong tháng 6-2023. Đối với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, Đồng Nai cũng đặt mục tiêu cùng các địa phương liên quan khởi công dự án trước ngày 30-6-2023. |
Cuối tháng 11-2022, trong chuyến kiểm tra thực tế tiến độ dự án, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các nhà thầu phải tập trung tối đa cho công tác thi công. “Dự án phải đảm bảo thông xe kỹ thuật trong năm 2022 và hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2023” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Là dự án thành phần của dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sẽ giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.
Cùng với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một dự án đường cao tốc khác có vai trò kết nối vùng và liên vùng cũng đã được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh là dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Sau nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như mặt bằng thi công, hiện nay các cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để “tái” khởi động dự án. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ đóng vai trò kết nối nội vùng Đông Nam bộ cũng như kết nối liên vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Trong năm 2022, “bệ phóng” phát triển của Đồng Nai từ hệ thống hạ tầng giao thông còn được tiếp sức khi Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kể từ khi đưa vào khai thác đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh |
Đối với vùng Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - TP.HCM là những dự án hạ tầng giao thông được mong mỏi bấy lâu nay để khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ nối 2 địa phương phát triển năng động của vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tương lai, đây cũng sẽ là trục kết nối chính giữa cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Trong khi đó, đường vành đai 3 - TP.HCM lại là tuyến giao thông mang tính kết nối cho vùng Đông Nam bộ nói riêng và liên vùng giữa vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Tuyến đường này cũng mang trên mình “sứ mệnh” kết nối hàng loạt địa phương có nền công nghiệp phát triển như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An.
* Khơi thông các nguồn lực
Tháng 9-2022, phát biểu tại lễ khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, đường vành đai 3 - TP.HCM khi được đầu tư xây dựng hoàn thiện sẽ nâng cao tính kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TP.HCM.
Thi công nút giao giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây |
Lâu nay, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, xuống cấp chính là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và các tỉnh vùng Đông Nam bộ nói chung. Chính vì vậy, với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được triển khai thực hiện, Đồng Nai và cả vùng Đông Nam bộ được kỳ vọng rất lớn trong việc tạo ra sự đột phá để phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với các dự án hạ tầng giao thông lớn như sân bay Long Thành và các tuyến đường cao tốc do Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Đồng Nai sẽ có một môi trường hết sức thuận lợi để phát triển.
Sau hơn 2 năm thi công, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang ngày càng rõ hình hài của một tuyến đường cao tốc hiện đại |
Với tầm quan trọng đó, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được triển khai hoàn thành sớm ngày nào, những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển sẽ được tháo gỡ sớm ngày đó. Từ đó, những thời cơ và cơ hội phát triển mới cũng sẽ đến sớm hơn. Chính vì vậy, Đồng Nai đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là 2 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đường vành đai 3 - TP.HCM.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, tính đến tháng 11-2022, tiến độ của cả 2 dự án này đang bị chậm khoảng 1 tháng. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan sẽ phải thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ để bù đắp cho khoảng thời gian đã bị chậm trễ.
Ngoài 4 dự án hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm quốc gia đang được triển khai trên địa bàn tỉnh gồm: Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 3 - TP.HCM, Đồng Nai cùng các địa phương khác đang phối hợp thực hiện dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM. Đường vành đai 4 - TP.HCM có tổng chiều dài gần 200km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh dài khoảng 45km. Đây là tuyến giao thông đóng vai trò kết nối các địa phương phát triển mạnh về công nghiệp gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An. |
Quỳnh Nhi