Tại Đồng Nai, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Hiện gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nằm trong khối FDI. Dự kiến những năm tới, vốn FDI sẽ đổ vào nhiều lĩnh vực của tỉnh, tạo ra đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Đồng Nai, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Hiện gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nằm trong khối FDI. Dự kiến những năm tới, vốn FDI sẽ đổ vào nhiều lĩnh vực của tỉnh, tạo ra đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (bìa trái) trao đổi với doanh nghiệp Hàn Quốc về môi trường đầu tư của tỉnh |
Đến cuối năm 2022, FDI đầu tư vào Đồng Nai gần 2 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 33 tỷ USD. Đồng Nai nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Với lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối, sân bay quốc tế Long Thành thì trong năm 2023 và những năm tiếp theo Đồng Nai sẽ tiếp tục là điểm đến của nhiều doanh nghiệp (DN) FDI.
* Những lĩnh vực sẽ hút dòng vốn ngoại
Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu hút vốn FDI của Đồng Nai vẫn đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngoài khu công nghiệp rất ít dự án. Sở dĩ ngoài khu công nghiệp chưa cấp phép cho nhiều dự án FDI là do vướng các thủ tục liên quan đến quy định về Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn nhiều hạn chế. Do đó, nhiều tập đoàn FDI dự tính đầu tư vào tỉnh các dự án có vốn từ vài chục đến hàng trăm triệu USD đành phải đợi.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp, các DN FDI rất quan tâm đến các dự án bất động sản, logistics, thương mại dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, năng lượng tái tạo tại Đồng Nai. Một số DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn, chỉ đợi những vướng mắc được tháo gỡ sẽ đề xuất cấp giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án. Đơn cử như Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) dự kiến đầu tư vào tỉnh trung tâm thương mại gần 270 triệu USD; Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang đợi giải quyết xong thủ tục đất đai sẽ đầu tư 4 dự án tại H.Long Thành với số vốn lên đến gần nửa tỷ USD; Tập đoàn Shire Oak International (Anh) muốn đầu tư dự án năng lượng tái tạo; Tập đoàn LG (Hàn Quốc) quan tâm các dự án thành phố thông minh của tỉnh…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức (phải) tặng hoa cho ông Kwon Sun Chil, Phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc |
Ông Chris Hooun, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Tập đoàn Shire Oak International cho hay: “Đồng Nai là nơi có nhiều khu công nghiệp nên có thể tận dụng phần trên mái của các nhà máy để khai thác điện mặt trời. Đây là nguồn năng lượng xanh có thể khai thác để sử dụng trong sản xuất công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp bền vững. Tập đoàn muốn đầu tư vào tỉnh bằng cách kết hợp với các DN để triển khai dự án điện mặt trời áp mái. Phía tập đoàn sẽ đầu tư lắp đặt toàn bộ thiết bị và khi phát điện sẽ bán lại cho các DN cho thuê mái nhà xưởng với giá điện cam kết rẻ hơn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
Đồng Nai cũng đã đưa ra danh mục tên các dự án trên từng lĩnh vực để mời gọi DN FDI đầu tư vào như: hạ tầng kỹ thuật của những khu công nghiệp sắp thành lập; khu du lịch sinh thái; xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư; nông nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sinh học…
Ông Jang Bok Sang, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc chia sẻ: “Đồng Nai là địa phương DN Hàn Quốc đầu tư vào nhiều nhất khu vực phía Nam với 7,2 tỷ USD. Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đa số thành công nên nhiều DN muốn tiếp tục mở rộng và đầu tư mới tại Đồng Nai. Lĩnh vực các DN Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào tỉnh là hạ tầng kỹ thuật, logistics, thương mại dịch vụ. Do đó, nếu Đồng Nai chuẩn bị sẵn quỹ đất, đơn giản thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ sẽ đón được dòng vốn lớn của Hàn Quốc vào các lĩnh vực trên”.
* Kỳ vọng đột phá từ vốn FDI
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh đứng thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế (chỉ sau TP.HCM và Hà Nội). Ước tính mỗi năm tỉnh sẽ huy động toàn xã hội khoảng 110 ngàn tỷ đồng để đầu tư phát triển các lĩnh vực. Trong đó, kế hoạch giai đoạn 2021-2025, vốn FDI đăng ký khoảng 5-6 tỷ USD; riêng năm 2021, 2022 đã thu hút hơn 2,5 tỷ USD. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến đăng ký vốn FDI từ 6-7 tỷ USD. Từ năm 2025, sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành hoàn thành đi vào hoạt động và các khu công nghiệp mới cũng đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật, có đất cho thuê thì khả năng dòng vốn FDI vào tỉnh sẽ có những đột phá lớn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (hàng trước, thứ 2 từ phải qua) tiếp Tập đoàn De Heus đến tỉnh dự tính mở rộng đầu tư |
Ông Keijo Norvanto, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam tham gia hội nhập sâu, nhanh và Chính phủ liên tục cải cách chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho DN FDI. Do đó, nhiều tập đoàn của Phần Lan muốn đầu tư vào Việt Nam và Đồng Nai là một trong những điểm đến hấp dẫn nhiều DN. Lĩnh vực DN Phần Lan dự tính sẽ hợp tác đầu tư với tỉnh là thương mại, năng lượng tái tạo và các dự án đều được ứng dụng công nghệ cao. Tới đây, Đại sứ quán sẽ làm cầu nối, giới thiệu cho các DN Phần Lan đến tỉnh đầu tư”.
Đồng Nai cũng đã đưa ra kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN triển khai các dự án trên địa bàn. Khung chiến lược với 4 trụ cột kinh tế và một nền tảng hỗ trợ chính liên quan đến phát triển nguồn nhân lực sẽ được tỉnh tập trung triển khai.
Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) sản xuất các loại pin, ắc quy xuất khẩu |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Đồng Nai là điểm đến lý tưởng, an toàn cho các nhà đầu tư FDI trong giai đoạn hậu Covid-19. Tỉnh tiến hành quy hoạch các vùng và công khai rộng rãi để DN FDI biết và lựa chọn lĩnh vực đầu tư phù hợp. Cụ thể, quy hoạch vùng công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, nông nghiệp, du lịch rừng, hồ để khai thác những tiềm năng của tỉnh. Những vướng mắc của DN trong đầu tư sẽ được tỉnh tổng hợp giải quyết kịp thời để dự án được triển khai nhanh”.
Các vướng mắc của DN vượt qua thẩm quyền của tỉnh cũng đã được tỉnh tổng hợp kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ tháo gỡ sớm để không ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trong nước, FDI và thực hiện các dự án.
Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai: Cần xây dựng nhanh các khu công nghiệp mới
Các DN Đài Loan đã đầu tư vào tỉnh gần 270 dự án với vốn đăng ký hơn 5,5 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 của tỉnh. Trong đó có những DN Đài Loan đã đầu tư vào tỉnh hơn 30 năm và rất thành công nên rất muốn mở rộng, đầu tư các dự án mới vào Đồng Nai. Tuy nhiên, tỉnh không còn diện tích đất công nghiệp lớn để cho thuê nên nhiều DN không đợi được phải tìm đến những tỉnh khác thuê đất thực hiện dự án. Do đó, nếu tỉnh xây dựng nhanh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp mới để có đất cho thuê sẽ đón được dòng vốn lớn từ Đài Loan cũng như nhiều quốc gia khác.
Ông Kwon Sun Chil, Phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM: Hàn Quốc sẽ tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất của Đồng Nai
Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 30 năm, 2 nước có những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch. Hiện nay, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam với hơn 8 ngàn dự án có vốn đầu tư khoảng 80,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động tại Việt Nam. Tại Đồng Nai, Hàn Quốc đang dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Với những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông kết nối tốt, đất đai rộng, công nghiệp phát triển, dân số đông, Đồng Nai sẽ được các DN Hàn Quốc tiếp tục chọn là điểm đến cho các dự án về công nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, hạ tầng kỹ thuật, logistics…
Khánh Minh (ghi)
Hương Giang