Thấm thoát, đã 325 năm kể từ ngày Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào xứ Đồng Nai (địa danh chỉ cả vùng đất Nam bộ ngày nay) chiêu mộ dân xiêu tán, thiết lập bộ máy hành chính ở cõi trời Nam.
Thấm thoát, đã 325 năm kể từ ngày Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào xứ Đồng Nai (địa danh chỉ cả vùng đất Nam bộ ngày nay) chiêu mộ dân xiêu tán, thiết lập bộ máy hành chính ở cõi trời Nam. Từ đó đến nay, bao biến thiên, bao lớp tiền nhân đã đổ mồ hôi và cả xương máu để vun đắp và giữ gìn mà nếu có một phép màu, họ trở về xứ cũ, chắc chẳng thể nào hình dung đây là nơi đôi chân mình đã bám chặt để cương thổ đất Việt muôn thuở vững bền. Còn người đời này, hẳn phải luôn ghi nhớ mình đã và đang hưởng gì từ di sản tổ tông…
Tính sông nước - một trong những đặc trưng của sông nước Nam bộ Trong ảnh: Cầu Ghềnh nhìn từ cầu Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: NGUYỄN HUY |
* Xứ sở lạ lùng
Ban đầu, xứ Đồng Nai chưa ai gọi nơi đất đai màu mỡ. Sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784), khi làm Hiệp trấn tham tán quân cơ trấn phủ Thuận Hóa, đã viết: Đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu, toàn là vùng rừng rậm hàng mấy nghìn dặm…
Còn trong mắt người dân Việt, Đồng Nai là xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, có cá vùng phải kinh (Ca dao). Đấy là xứ sở của thiên nhiên hoang dã.
Một tác giả người Pháp (J. Boulbet) đã viết một cuốn sách về vùng Đồng Nai Thượng, ông gọi đây là lãnh thổ của thần linh. Sau này, nhà nghiên cứu uyên thâm Huỳnh Ngọc Trảng, viết Văn bia Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm, đã khái quát: Rừng hoang chờ đợi mỏi mòn một áng khói lam chiều từ bếp ấm; sông xanh khao khát một tiếng chèo khua/ Cọp, sấu thét gầm: muông thú chưa người cai quản/ Mặt đất âm u: không kẻ vạch lá bẻ gai.
Những dòng chữ ấy đã được khắc vào bia đá để người đời sau ghi nhớ. Bởi không lâu sau đó, bao lớp tiền nhân, từ việc Lễ Thành hầu chiêu mộ dân xiêu tán từ Quảng Bình trở vào cho đến ở, chia đặt thôn ấp, rồi không chỉ khuyến khích mà còn đưa người Thanh (người Minh Hương) trú ngụ cũng biên vào sổ hộ, xứ Đồng Nai dần khai phá.
Mở đất tạo cho quốc gia cương vực; mở lòng tạo nên hình hài của nước. Theo ngôn ngữ thời nay, hình hài đó chính là văn hóa. Bao lớp tiền nhân đã để lại cho đời sau không chỉ núi sông bờ cõi mà cả vóc dáng, điệu hồn dân tộc. |
Đến đầu thế kỷ XVIII, tức sau đó trên dưới 100 năm, cảnh tình nơi đây đã khác hẳn: Người giàu ở các địa phương hoặc 40, 50 nhà, hoặc 20, 30 nhà, mỗi nhà điền nô hoặc đến 50, 60 người, trâu bò hoặc đến 300, 400 con, cày bừa, cấy gặt, rộn ràng không rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng 12, thường giã thành gạo, bán lấy tiền để ăn tết chạp (...) Từ cửa biển đến đầu nguồn đi 6, 7 ngày, hết thảy là đồng ruộng, nhìn bát ngát, ruộng phẳng như thế đấy, rất hợp trồng lúa, lúa nếp tẻ, gạo đều trắng dẻo... (Phủ biên tạp lục).
Chưa đến 100 năm nữa, xứ Đồng Nai có cù lao Phố trở thành Nông Nại Đại Phố: …phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới 5 dặm, chia vạch ra ba đường phố lớn lót gạch xanh, đường rộng bằng phẳng; ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đều đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau. Ấy là một chỗ đô hội, nhà buôn bán to lớn duy ở đây là nhiều hơn (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí).
Từ chỗ con chim kêu phải sợ, có cá vùng phải kinh, đến nơi đô hội quả là sự biến đổi nhảy vọt. Sử sách xưa còn chép, ngay ở vùng đất này, việc giao thương không chỉ trong nước, tàu buôn đến/đi nước ngoài tụ tập đông đảo, không riêng người Tàu, người Nhựt Bổn mà cả Tây Dương, Đồ Bà… cũng đến.
Rộng hơn, Đồng Nai trở thành xứ sở của gạo trắng nước trong có thể khiến người ta bỏ cha bỏ mẹ xuống đò theo anh.
325 năm qua, sức hút của xứ sở lạ lùng vẫn thế. Bằng chứng dễ thấy nhất là trên 30 tộc người của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam đã có mặt ở Đồng Nai. Đó là chưa kể, từ thời mở cửa, riêng tỉnh Đồng Nai (một phần rất nhỏ của đất Đồng Nai xưa) có tới hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ về kinh tế!
* Từ mở đất đến mở lòng…
Sức hút hay tính mở của Biên Hòa - Đồng Nai và cả vùng Nam bộ về không gian địa - kinh tế hẳn song hành với tính mở về địa - văn hóa, mở lòng người. Không mở lòng chắc Đồng Nai vẫn là xứ đất rộng người thưa.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đúc kết khá công phu về 5 đặc trưng của văn hóa Nam bộ (chủ yếu là Tây Nam bộ): tính sông nước, tính bao dung, tính năng động, tính trọng nghĩa, tính thiết thực. Tôi thích sự uyên áo của Trịnh Hoài Đức tiên sinh, người có lúc giữ chức Thượng thư bộ Lễ lẫn bộ Lại, kiêm quản cả Khâm Thiên giám triều Nguyễn:
Phương Nam thuộc quẻ Ly, hành Hỏa, thiên về hào văn minh, nên kẻ sĩ chuộng điều tiết nghĩa, tôn trọng lý học, dân thì chuyên nghề cày ruộng, dệt cửi, làm thợ, đi buôn…
Gia Định (Nam bộ) ở về phương Nam, vị trí Dương Minh (quang minh, sáng chói), người đủ tính trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dẫu phụ nữ cũng thế…
Riêng trấn Biên Hòa (vùng đất tương ứng với nhiều tỉnh miền Đông ngày nay), Trịnh Hoài Đức viết thêm:
Núi đẹp, sông trong, phong tục thuần hậu, công việc giản dị, kẻ sĩ chuộng thi thư, dân siêng năng cày cấy, dệt cửi…
Sau này, Quốc sử quán triều Nguyễn, khi biên soạn Đại Nam nhất thống chí, cũng nhận xét không khác gì mấy. Nhưng tôi thật sự thích thú với một bản đúc kết khác về người Đồng Nai - Nam bộ xưa:
Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong đổ lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Gọi đây là bản đúc kết vì đã giới thiệu con người Nam bộ một cách sâu sắc, người nhất.
Người dân P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) dâng hương tại di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức |
Trong văn hóa phương Đông, rồng, tuy là con vật tưởng tượng, đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho vua, cho những gì cao quý nhất. Chầu còn có nghĩa là hầu, hướng vào một cái khác được coi là trung tâm. Với những lưu dân, lớp trước, lớp sau, phần lớn là người nghèo, đã rời quê hương bản quán vào vùng đất mới, con vật sang trọng, cao quý kia nhưng lại mang thân phận phục tùng, ở yên một chỗ. Còn ngựa, loài thú để cưỡi, để kéo xe, phận tầm thường. Chỉ khác, ngựa này không ở trong cung vua, phủ chúa chốn kinh kỳ. Nó đang phi nước đại (tế), bốn vó tung lên khỏi mặt đất. Hóa ra, con vật bình thường lại được tự do, không hề bị trói buộc. Đó là hình ảnh những lưu dân đi mở đất, tự do, tự tại, thỏa chí kiếm tìm những gì mình ưa thích, mong muốn. Nói vậy có suy diễn quá không? Đợt di dân lớn đầu tiên vào xứ Đồng Nai năm 1679 của Trần Thượng Xuyên với hơn 3 ngàn người từ Quảng Đông (Trung Quốc) không phải tuyệt đại đa số là những người bất hòa với triều đình nhà Thanh là gì! Rồi biết bao người bỏ cha, bỏ mẹ hàng trăm năm sau. Họ đến xứ Đồng Nai, đâu chỉ vì gạo trắng nước trong! Và, không riêng dân nghèo. Bao anh hùng, hào kiệt, lắm tài tử, giai nhân còn lưu dấu trong sử sách, văn chương Đàng Trong! Không cởi mở, không phóng khoáng hẳn không dung hợp được người phương xa.
Trở lại với câu hát xưa. Câu trước vẽ nên một thực tế thủy văn: vùng nước lợ, ở ngã ba sông, như Cần Giờ, nơi nước ngọt và nước biển hòa vào nhau làm một. Câu sau giãi bày một hình thái: người xa xứ đến như nước lạ lẫn vào nước có sẵn của dòng sông. Biết bao tình, biết bao nghĩa ở hai từ xa xứ, lạc loài. Đã xa xứ làm sao tránh khỏi lạc loài. Trước đây, mình cũng từng là dân xa xứ, lạc loài. Bây giờ, có người xa xứ mới, hãy đùm bọc, chở che, hãy thương lấy họ! Triết lý của những lưu dân đơn giản mà sâu sắc, một cách người vậy đó.
Ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa ngày nay còn lăng mộ nhà thơ Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Ông xuất thân từ gia đình khoa bảng ở tỉnh Phúc Kiến. Cụ tổ xa đời làm đến chức Thượng thư bộ Binh. Đến đời ông nội, gặp lúc nhà Thanh lấy Trung Quốc nên chạy sang nước Nam, lúc đầu ở Phú Xuân, sau chuyển vào xã Thanh Hà, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Sau này Trịnh Hoài Đức trở thành người Nam bộ giữ chức quan to nhất triều Nguyễn. Đặc biệt, ông đứng đầu Gia Định tam gia, là nhà thơ, nhà văn hóa lớn nhất đất phương Nam. Là người Hoa, nhưng khi làm Chánh sứ đầu tiên của triều Nguyễn sang Trung Quốc (quốc hiệu Việt Nam được thừa nhận trong chuyến đi này), Trịnh Hoài Đức dằng dặc nỗi nhớ cố quốc. Như vậy, cả hành trạng lẫn tâm hồn con người tài hoa, kinh lịch chất ngất ấy đều thuộc về một quê hương, một xứ sở. Quê hương, xứ sở ấy chính là nơi ông đã sinh ra, lớn lên và ra sức tô vẽ cho nó.
Không có sự mở lòng, phóng khoáng làm sao đất Biên Hòa - Nam bộ dung nạp được những con người như: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định… hồi xa xưa và gần hơn là những: Nguyễn Bình, Phan Đình Công, Bùi Thiện Ngộ, Phạm Xuân Ẩn…?
Không có tình thương, sự đùm bọc, sẻ chia, làm sao có hàng vạn, rồi hàng triệu lưu dân đã cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu để khẩn hoang, lập ấp và gìn giữ xóm, làng của xứ sở lạ lùng mà đến mùa Xuân này đã là 325 năm mang dáng hình vững chãi trên bản đồ nước Việt?
Bùi Quang Huy