Đồng Nai là nơi có rất nhiều nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng như: gốm, gỗ mỹ nghệ, chế tác đá... Để lưu giữ và phát triển nghề truyền thống có công rất lớn từ các nghệ nhân của làng nghề.
Đồng Nai là nơi có rất nhiều nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng như: gốm, gỗ mỹ nghệ, chế tác đá... Để lưu giữ và phát triển nghề truyền thống có công rất lớn từ các nghệ nhân của làng nghề.
Nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến bên tác phẩm của mình |
Các nghệ nhân làng nghề đều có chung đặc điểm là dù trải qua thăng trầm nhưng họ vẫn gắn bó và tìm cách truyền nghề cho các thế hệ sau. Với nghề truyền thống, bên cạnh việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế của các hộ gia đình, còn lưu giữ những giá trị về văn hóa, lịch sử của Đồng Nai qua từng giai đoạn.
* Lưu giữ và phát triển gốm Biên Hòa
Từ đầu thế kỷ XX, gốm Biên Hòa đã trở thành một trong 10 làng nghề gốm nổi tiếng của Việt Nam được nhiều người mê gốm trong và ngoài nước săn tìm. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng gốm Biên Hòa vẫn tồn tại, phát triển và sản phẩm được đưa đi tiêu thụ ở hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Để bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa qua nhiều thập niên có công rất lớn của một số nghệ nhân luôn tâm huyết với nghề.
Trong làng gốm Biên Hòa có một số người được phong nghệ nhân, trong đó ông Hoàng Ngọc Hiến là nghệ nhân trẻ nhất. Chuyện đời của ông luôn gắn với chuyện nghề và những đổi thay để gốm Biên Hòa phát triển đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng vẫn giữ được nét tinh hoa riêng biệt mà không dòng gốm nào có được.
Hai nghề truyền thống của Đồng Nai trải qua nhiều thập niên vẫn giữ được nét riêng và mở rộng được thị trường tiêu thụ trong nước, nước ngoài là gốm Biên Hòa và gỗ mỹ nghệ từ gốc rễ cây. Riêng gốm Biên Hòa chia thành 2 dòng chính là gốm trang trí và gốm đen. |
Nghệ nhân Hiến kể: “Tôi sinh ra ở Nghệ An, khi 9 tuổi cùng gia đình vào sinh sống tại TP.Biên Hòa. Từ nhỏ tôi đã say mê với nghề gốm và có thể theo chân thợ gốm cả ngày để học cách tạo hình cho những sản phẩm. Thế rồi, lòng đam mê với gốm cứ mỗi ngày lớn dần và tôi đặt ra mục tiêu sẽ trở thành một người giỏi nghề, tạo ra những tác phẩm đặc sắc để đưa gốm Biên Hòa đến nhiều quốc gia”. Do đó, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Hiến đã theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai để có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Tốt nghiệp ra trường, ông làm thuê cho nhiều cơ sở gốm nổi tiếng ở Biên Hòa để tìm hiểu, học hỏi thêm về nghề làm gốm. Sau đó, ông thành lập xưởng chuyên sản xuất dòng gốm mỹ thuật cao cấp Biên Hòa và đưa sản phẩm đến với nhiều người yêu gốm trong và ngoài nước.
Sản phẩm gốm Biên Hòa của nghệ nhân Hiến chia làm 2 trường phái là cổ điển và hiện đại. Trường phái cổ điển tập trung phục hồi và phát triển các tượng, tranh, phù điêu, hoa văn cho các đình, chùa; trường phái hiện đại chủ yếu là các sản phẩm gốm “độc, lạ” nhưng vẫn giữ được nét tinh hoa của gốm Biên Hòa.
Nghệ nhân Hiến từng được nhiều đền, chùa trong và ngoài tỉnh như: đình Tân Lân, chùa Ông… mời phục chế và làm mới các tranh, tượng, phù điêu.
Gốm mỹ thuật của Biên Hòa thu hút rất nhiều người mê gốm trong và ngoài nước |
Gần 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy suy giảm, dẫn đến các làng nghề gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nghệ nhân Hiến vẫn cố gắng duy trì, phát triển để dòng gốm mỹ thuật Biên Hòa không bị mai một. Đồng thời, ông liên tục đào tạo, truyền cảm hứng, đam mê, tự hào về gốm Biên Hòa cho thế hệ trẻ để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống có bề dày cả trăm năm.
* Biến gốc cây thành tác phẩm
Đồng Nai nổi tiếng trong nước và nước ngoài với nghề truyền thống là “phù phép” những gốc cây trở thành các tác phẩm nghệ thuật có một không hai, trang trí cho nhiều tòa nhà, khách sạn, khu du lịch…
Nghề này đã có ở Đồng Nai gần nửa thế kỷ, nghệ nhân Phan Khắc Dũng ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) là một trong những người đầu tiên có công phát triển, mở rộng nghề gỗ mỹ thuật làm từ gốc cây.
Nghệ nhân Phan Khắc Dũng bên tượng làm từ gốc rễ cây |
Nghệ nhân Dũng chia sẻ, nghề chế tác các gốc cây trở thành bàn ghế, tượng, tranh hình thành tại H.Xuân Lộc từ những năm 1980. Tôi và nghệ nhân Tiên là những người đầu tiên đã tự nghiên cứu để hình thành và phát triển thành làng nghề. Ngày ấy, các gốc cây rất sẵn, người dân sau khi cưa cây thường đốt bỏ, tôi đã đem về chế tác thành các bức tượng, bàn ghế và bán lại cho các cơ sở, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Sau đó, nghệ nhân Dũng bắt đầu đào tạo cho những người muốn học nghề. Nhiều học trò của ông Dũng sau khi thành tài đã tự mở các cơ sở làm gỗ mỹ nghệ từ gốc cây tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Theo lời nghệ nhân Dũng thì mỗi tác phẩm làm từ gốc, rễ cây sẽ có những nét riêng biệt đem đến cho người mê gỗ mỹ nghệ những trải nghiệm khác nhau. Điều này giúp tạo nên thương hiệu cho làng nghề phát triển qua nhiều thập niên. Các nghệ nhân và thợ giỏi của làng nghề đều là những người tài hoa, am hiểu về mỹ thuật và có bàn tay “vàng”. Bởi sau khi có gốc cây, các nghệ nhân mới dựa vào đó để lên ý tưởng cho tác phẩm của mình. Trong đó có những tác phẩm nghệ nhân làm trong 1 tuần, song cũng có tác phẩm phải vài tháng mới xong. Giá cả mỗi sản phẩm sẽ dựa vào giá trị nghệ thuật được tạo ra, có thể chỉ vài triệu đồng, nhưng cũng có khi vài trăm triệu đồng. Hiện sản phẩm tiêu thụ rộng khắp cả nước và hơn 10 quốc gia.
Trong 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 làm cho làng nghề gỗ mỹ nghệ ở Xuân Lộc gặp nhiều trắc trở, nhưng nghệ nhân Dũng vẫn cố gắng tham gia các cuộc triển lãm, xúc tiến thương mại để tìm thêm khách hàng, mở rộng tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Tâm nguyện của nghệ nhân Dũng là sẽ tiếp tục đào tạo được nhiều thợ giỏi cho làng nghề để nghề này ngày càng phát triển, đưa sản phẩm đến nhiều nơi trong nước và nước ngoài.
Uyển Nhi