Năm 2022, doanh nghiệp (DN) Đồng Nai phải đối mặt với nhiều đợt "sóng gió" từ dịch bệnh Covid-19, căng thẳng giữa Nga - Ukraine, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao, đơn hàng bị cắt giảm… Tuy nhiên, các DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua, tìm cơ hội từ trong thách thức.
Năm 2022, doanh nghiệp (DN) Đồng Nai phải đối mặt với nhiều đợt “sóng gió” từ dịch bệnh Covid-19, căng thẳng giữa Nga - Ukraine, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng cao, đơn hàng bị cắt giảm… Tuy nhiên, các DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua, tìm cơ hội từ trong thách thức.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP. Biên Hòa). Ảnh: H.Giang |
Đồng Nai kết thúc năm 2022 với nhiều khó khăn nhưng cả 5 chỉ tiêu lớn về kinh tế như: GRDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu ngân sách nhà nước đều hoàn thành và vượt kế hoạch năm. Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn từ DN có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
* Những thách thức mới
Nếu năm 2021, các DN rơi vào khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19 thì năm 2022 lại xảy ra hàng loạt “biến cố” mới như: căng thẳng giữa Nga - Ukraine, lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, cước vận tải liên tục leo thang đẩy giá thành sản phẩm lên cao. DN rơi vào tình thế bị động, phải thương lượng lại với đối tác do nhiều đơn hàng đã ký kết từ trước.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt Nhãn Junmay (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) Quách Thuận Đức chia sẻ: “Nửa đầu năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Junmay phục hồi khá tốt; tuy có ảnh hưởng do giá vật liệu, công vận chuyển tăng, nhưng đơn hàng dồi dào. DN chỉ bị thu hẹp lợi nhuận, nhưng có thể tăng công suất để bù lại. Thế nhưng, từ giữa quý III đến hết năm, DN phải liên tục chống đỡ với những khó khăn khi xăng dầu khan hiếm, giá tăng cao kéo theo giá nguyên liệu, cước vận tải tăng từ 20-300%. Bên cạnh đó, đơn hàng cũng giảm nên DN cùng lúc phải chống đỡ với nhiều khó khăn”.
Theo Sở KH-ĐT, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có gần 48,4 ngàn DN đăng ký kinh doanh trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia với tổng vốn khoảng 464,5 ngàn tỷ đồng. Riêng 31 khu công nghiệp đang hoạt động của tỉnh thu hút hơn 2 ngàn dự án trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 31,5 tỷ USD. |
Đồng Nai, trung tâm sản xuất công nghiệp, tập trung số lượng lớn DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất, thương mại dịch vụ. Các DN vừa tìm cách hạ chi phí sản xuất, vừa tìm thêm những khách hàng mới để duy trì sản xuất, đảm bảo doanh thu.
Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, H.Nhơn Trạch) Lưu Châu Bằng cho hay: “Công ty chuyên sản xuất pin, ắc quy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu, khu vực ASEAN. Trong 7 tháng của năm 2022, sản xuất của công ty tăng trưởng khá tốt, nhưng từ tháng 8-2022 đến cuối năm, đơn hàng giảm khoảng 25% so với đầu năm. Xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng, kéo theo giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 40-60%, cước vận chuyển tăng 2-3 lần. Do đó, công ty phải tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm”.
Cũng theo ông Bằng, công ty đưa ra thị trường những dòng sản phẩm pin mới mà thời điểm hậu Covid-19 các ngân hàng, trung tâm, DN đang cần để tự động hóa nhiều công đoạn trong lưu trữ và sản xuất. Vì thế, đơn hàng cho sản phẩm ắc quy giảm, nhưng các loại pin lại tăng.
Vào dịp cuối năm, nhiều nhóm hàng công nghiệp chính của Đồng Nai như: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, sản xuất máy móc và linh kiện, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải và phụ tùng… đều không tránh khỏi guồng suy giảm kinh tế toàn cầu, sức mua yếu. DN vẫn cố gắng tìm các cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn.
* Nhận diện cơ hội trong thách thức
Năm 2022 có rất nhiều biến động nhưng DN Đồng Nai đã nhận diện được cơ hội từ trong thách thức để vượt lên, giúp kinh tế của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng khá cao. Cụ thể, GRDP tăng 9,22% so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người hơn 5,7 ngàn USD; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 24,6 tỷ USD, tăng hơn 13%; thu ngân sách nhà nước gần 62,9 ngàn tỷ đồng, đạt 114% dự toán; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 109 ngàn tỷ đồng, tăng gần 13%.
Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung đánh giá: “Sản xuất công nghiệp cuối năm gặp nhiều trở ngại, hàng trăm DN phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm. Tuy nhiên, các DN vẫn cố gắng duy trì và phục hồi sản xuất, khai thác các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do để tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ những quốc gia khác. Do đó, xuất khẩu vẫn giữ mức tăng trưởng cao và Đồng Nai xuất siêu hơn 5,75 tỷ USD”.
Cũng theo bà Dung, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại để tạo cơ hội cho DN trên địa bàn tìm thêm đối tác liên kết, cung ứng sản phẩm cho nhau để mở rộng thị phần ở khu vực nội địa và xuất khẩu. Trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của Đồng Nai, có hơn 60% sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ.
Khoảng 3 năm nay, dịch bệnh Covid-19, giá vận chuyển hàng hóa tăng cao, các DN ưu tiên tìm nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất, giảm chi phí. Đây là cơ hội để DN Đồng Nai liên kết cung ứng sản phẩm cho DN trong tỉnh và các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, năm qua, kinh tế toàn cầu suy giảm kéo theo hàng loạt hệ lụy, nhưng kinh tế Đồng Nai vẫn đạt được những thành tựu nhất định. Trong đó có sự đóng góp, nỗ lực rất lớn từ các DN, vì đã đưa ra giải pháp phù hợp. Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế Đồng Nai và cả nước sẽ tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các DN phải chủ động phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai các giải pháp tạo đột phá, phục hồi, phát triển kinh tế.
Nguyệt Hạ