Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa thương hiệu Việt vươn xa

10:01, 18/01/2023

Trong bối cảnh hội nhập, câu chuyện xây dựng thương hiệu ngày càng được các doanh nghiệp (DN) trong nước quan tâm, chú ý nhiều hơn. Các DN không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và củng cố niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt.

Trong bối cảnh hội nhập, câu chuyện xây dựng thương hiệu ngày càng được các doanh nghiệp (DN) trong nước quan tâm, chú ý nhiều hơn. Các DN không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và củng cố niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt.

Khu vực giới thiệu giải pháp ứng dụng thông minh BusMap của Công ty CP Công nghệ Phenikaa MaaS (TP.HCM) tại triển lãm Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TP.HCM năm 2022
Khu vực giới thiệu giải pháp ứng dụng thông minh BusMap của Công ty CP Công nghệ Phenikaa MaaS (TP.HCM) tại triển lãm Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TP.HCM năm 2022

Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam khẳng định được uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, việc sản xuất đã tập trung phát triển trên nền tảng của khoa học công nghệ, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu uy tín, dịch vụ, sản phẩm chất lượng cao.

* Từ những start-up triệu đô…

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN, start-up đã đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo dấu ấn riêng về thương hiệu. Trong số này phải kể đến các start-up công nghệ của Việt Nam với nhiều ứng dụng, sản phẩm nhận được sự quan tâm, “rót” vốn từ phía các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Đơn cử như ứng dụng BusMap - start-up công nghệ của nhóm các kỹ thuật viên trẻ, đứng đầu bởi chàng trai 9X Lê Yên Thanh - người vừa được vinh danh trong Forbes 30 under 30 châu Á năm 2022. Ứng dụng BusMap đã được Tập đoàn Phenikaa đầu tư chiến lược trị giá 1,5 triệu USD.

Năm 2022, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao chứng nhận cho 524 DN. Trong đó có 21 DN ở Đồng Nai, tập trung ở các ngành hàng như: nước chấm gia vị, sữa và sản phẩm chế biến từ sữa, đồ uống không cồn, sản phẩm vệ sinh, thức ăn chăn nuôi - thuốc thú y…

Anh Lê Yên Thanh, đồng sáng lập và hiện là Giám đốc Công ty CP Công nghệ Phenikaa MaaS chia sẻ: “BusMap xuất phát từ ý tưởng về một ứng dụng bản đồ thông minh giúp người đi xe buýt dễ dàng di chuyển và tìm kiếm đường đi. Đó chính là sản phẩm phần mềm đầu tiên mà tôi tạo ra được sử dụng trên thiết bị di động và cũng là sản phẩm mà tôi đã theo đuổi phát triển gần 10 năm từ khi còn sinh viên.

Đến thời điểm hiện tại, BusMap vẫn là một sản phẩm cốt lõi, không thể thiếu trong công ty start-up của tôi và giúp công ty được định giá đến hàng triệu USD. Ngoài ra, BusMap còn là ứng dụng giao thông công cộng lớn nhất tại Việt Nam, giúp cho hơn 2 triệu người tiếp cận, sử dụng phương tiện công cộng dễ dàng và hoàn toàn miễn phí”.

Hay như start-up về ứng dụng Bot Bán Hàng của nhóm Lê Anh Tiến với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi vận hành, triển khai thành công, ứng dụng này đã được định giá 1 triệu USD.

Theo đó, từ những năm 2016-2017, sau khi mạng xã hội Facebook chính thức ra mắt công nghệ chatbot trên Messenger, xu hướng chatbot bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn cầu với công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)... Với công cụ này, DN kinh doanh trực tuyến có thể phục vụ thêm nhiều khách hàng với hình thức tương tác thân thiện, dễ tiếp cận. Tiềm năng là thế, nhưng kênh bán hàng này vẫn chưa phát triển rộng rãi ở Việt Nam mà nguyên nhân một phần xuất phát từ tâm lý “ngại” tìm hiểu công nghệ phức tạp của nhiều DN, người dùng trong nước.

Anh Tiến kể lại: “Ban đầu nhóm của tôi đã tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng chatbot giúp cho một quán cà phê của người quen tối ưu về thời gian và chi phí nhân sự. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng ứng dụng, thấy hiệu quả đem lại khá tốt, tăng trưởng doanh thu đạt 40% nên tôi và cộng sự muốn nhân rộng sản phẩm này ra để nhiều DN khác cùng hưởng lợi. Vậy nên tôi tìm cách “đơn giản hóa” chatbot và biến chúng trở thành công cụ bán hàng đắc lực trên Facebook. Và từ đó, tôi đã nghiên cứu, cho ra mắt Bot Bán Hàng - một trong những nền tảng chatbot “Made in Vietnam” đầu tiên dành cho nhà quảng cáo và bán hàng vào tháng 11-2017”.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Lothamilk tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Lothamilk tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa

Chatbot này tích hợp website, fanpage vào ứng dụng Messenger của Facebook. Khách hàng có thể xem, mua hoặc tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ ngay trên ứng dụng thay vì truy cập vào các trang thương mại điện tử. Công việc của nhóm là biến công cụ này trở nên đơn giản và thông minh để ngay cả những người không am hiểu về công nghệ vẫn có thể sử dụng.

“Các sản phẩm của công ty tôi hướng tới xã hội, cộng đồng với mong muốn tạo thêm nhiều giá trị cho mọi người thì nó mới phát triển bền vững và giúp các sản phẩm được hiện diện liên tục ở mọi nơi trong cuộc sống. Và tôi luôn tâm niệm tạo ra giá trị cho người khác mới khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc, thành công thực sự” - anh Tiến nhấn mạnh.

* ...Đến những “cánh chim” không mỏi

Trong những năm qua, nhiều thương hiệu DN trong nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đã, đang không ngừng lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh và đón nhận của người tiêu dùng.

Với chặng đường gần 40 năm dựng xây và phát triển, thương hiệu Biti’s đã vươn tầm trở thành thương hiệu quốc gia được đông đảo người tiêu dùng yêu thích, lựa chọn. Biti’s cũng đã có 26 năm liên tiếp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bà VƯU LỆ QUYÊN, CEO Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s): “Trong quá trình hình thành và phát triển, công ty đã gắn bó hoạt động sản xuất tại Đồng Nai gần 30 năm. Thời gian đó, địa phương luôn tạo điều kiện để công ty phát triển sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, gần nhất là hỗ trợ công ty chuyển đổi nhà máy sản xuất sang Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa)”.

CEO Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) Vưu Lệ Quyên cho biết, Biti’s luôn đặt khách hàng vào vị trí trung tâm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn hội nhập, có sự cạnh tranh khốc liệt đến từ những thương hiệu thời trang ngoại. Triết lý kinh doanh Nâng niu bàn chân Việt luôn là kim chỉ nam để Biti’s vươn mình phát triển sản xuất và xây dựng thương hiệu.

Theo bà Quyên, thời gian qua, Biti’s còn chú trọng triển khai dự án sáng tạo Proudly Made in Vietnam với những sản phẩm được thiết kế dựa trên những nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc. Thông qua dự án này, công ty mong muốn đem lại nhiều giá trị về tinh thần, niềm tự hào dân tộc đến với người tiêu dùng. Biti’s sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, cẩn trọng, tham khảo kỹ những phản hồi từ cộng đồng để ngày càng nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm, qua đó hy vọng sẽ được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn.

Tại Đồng Nai, những năm qua, nhiều thương hiệu hàng hóa đã được người tiêu dùng đón nhận như: Đường Biên Hòa (Công ty CP Đường Biên Hòa), Lothamilk (Công ty CP Lothamilk), Vinacafé (Công ty CP Vinacafé Biên Hòa), Donafoods (Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm), Donagamex (Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai), Donasa (Công ty CP Sơn Đồng Nai), Bibica (Công ty CP Bibica), GCfood (Công ty CP Thực phẩm G.C), Casumina, Ắc quy Đồng Nai, Nam Long, Ca cao Trọng Đức…

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm giày, dép thời trang tại cửa hàng tiếp thị Biti’s ở đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa)
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm giày, dép thời trang tại cửa hàng tiếp thị Biti’s ở đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa)

Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) Nguyễn Đức Tùng chia sẻ, là một trong những DN của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, công ty luôn chú trọng vận hành quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu cao để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn thế nữa, công ty cũng thường xuyên đẩy mạnh hoạt động marketing, tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, bên cạnh thị trường ở các tỉnh, thành phía Nam, công ty còn mở rộng ra khu vực phía Bắc.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) Lê Bạch Long chia sẻ, công ty hơn 10 lần đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cập nhật các sản phẩm, công ty còn chú trọng công tác truyền thông, tiếp thị, quảng cáo, mở rộng các kênh bán hàng, cũng như tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để tăng độ nhận diện thương hiệu đến với người tiêu dùng, đối tác…

Các thương hiệu Việt ngày càng chú trọng vào hoạt động xây dựng, nâng tầm thương hiệu, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đồng thời chủ động “đón đầu” xu thế hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…

Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) Bùi Thế Kích cho hay, công ty luôn tích cực tiếp cận các thông tin, kiến thức về hàng rào kỹ thuật, pháp lý liên quan đến các FTA để có kế hoạch sản xuất, đầu tư công nghệ phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết…

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Kính Miu Miu Chính Hãng Rolex nữ