Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày Xuân nhớ người mở cõi

03:01, 18/01/2023

Cánh chim tung trời về đất phương Nam/ Người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm/ Bao la tình đời. Màu lục bình trôi…

Cánh chim tung trời về đất phương Nam/ Người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm/ Bao la tình đời. Màu lục bình trôi…

Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)
Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)

Đây là đoạn nhạc quen thuộc với nhiều người trong ca khúc Bài ca đất phương Nam do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ viết lời và vợ ông là nhà thơ Lê Giang phổ nhạc. Nghe đến đoạn nhạc này giúp liên tưởng, nhớ đến công ơn của những bậc tiền nhân đi mở cõi phương Nam, trong đó có vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

1. Có lẽ trong chúng ta, hầu như ai cũng đã từng nghe nhiều đến sự kiện công chúa Huyền Trân vâng mệnh thượng hoàng Trần Nhân Tông làm dâu Chiêm Thành, đổi lại vua Chiêm dâng châu Ô, châu Lý (khu vực từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) làm sính lễ. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình Nam tiến của người Việt.

Không chỉ dừng lại đó, trong lịch sử nước Nam còn có những bậc “nữ nhân” thầm lặng đóng góp công sức to lớn cho quá trình “mở cõi” của người Việt về phía Nam, đặc biệt là trường hợp của 2 vị Công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa.

Có dịp đến tháp mộ tưởng niệm Công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu), nhiều người không khỏi xúc động khi đọc được bài thơ Cảm vịnh hai bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa của thi sĩ Trần Tuấn Khải (1895-1983): Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài/ Nghìn xưa Trưng - Triệu đã từng oai/ Noi gương Khoa - Vạn, hai công chúa/ Một sớm ra đi mở đất đai.

 Mùa Xuân Quý Mão 2023 này, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai tròn 325 năm. Đây là mùa Xuân đẹp nhất kể từ sau 3 năm đại dịch Covid-19 bùng phát. Ngày Xuân, thắp nén hương thơm thành kính dâng lên tiên tổ ông bà, ngồi uống chén trà trong một không gian ấm cúng “ôn cố tri tân”, ngẫm lại chuyện xưa và nghe kể những câu chuyện của sử sách, càng thêm biết ơn công đức, thành quả của các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế. Và chúng ta, những thế hệ hôm nay, tiếp tục vững tin vào những mùa Xuân mới, những mùa Xuân đã luôn nở hoa, kết trái ngọt lành trên mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai.

2 Công nữ Ngọc Vạn, Ngọc Khoa là con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cuốn sách Nguyễn Phúc tộc thế phả cho biết, Ngọc Khoa được gả cho vua Chiêm Thành là Po Romê vào năm Tân Mùi (1631), còn Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II vào năm Canh Thân (1620). Nhờ những cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa xứ Đàng Trong với các nước láng giềng được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể yên tâm dồn lực đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài; đồng thời, cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Theo Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong, đầu thế kỷ XVII, đã có nhiều người Việt đến 2 xứ Đồng Nai và Mô Xoài (vùng Bà Rịa ngày nay) để khai khẩn. Vua Chân Lạp là Chey Chetta II khi đó muốn tìm đối lực để chống lại quân Xiêm nên xin cưới một Công nữ nhà Nguyễn làm hoàng hậu. Cuộc hôn nhân này có ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh Chân Lạp, sau này hoàng hậu đem nhiều người Việt đến, có người giữ trọng trách trong triều, bà lại lập xưởng thợ và nhiều nhà buôn bán gần kinh đô. Năm 1623, một sứ bộ của Chúa Nguyễn sang Chân Lạp, yêu cầu được mở cơ sở ở Prey Kor (Sài Gòn) đặt ở đấy một sở thuế và được chấp nhận.

Sau khi Chey Chetta II qua đời, triều đình Chân Lạp có nhiều hỗn loạn, tranh giành quyền lực, bà Ngọc Vạn về ở Sài Gòn. Do ảnh hưởng lớn của bà và can thiệp của Chúa Nguyễn, vương quốc Chân Lạp không bị rơi vào tay của nước Xiêm đang bành trướng về phía Đông; đồng thời, lưu dân Việt đến Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai ngày càng đông… Có thể nói, đối với Nam bộ, đặc biệt là với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Công nữ Ngọc Vạn đã có công to lớn trong việc hình thành và phát triển vùng đất này.

2. Năm 1679, sau khi “phản Thanh phục Minh” không thành công, Trần Thượng Xuyên quyết định đưa hơn 3 ngàn quân cùng gia quyến của mình lênh đênh trên biển xuôi về đất phương Nam trên 50 chiếc thuyền. Đoàn thuyền đến xứ Đàng Trong của nước Đại Việt xin thuần phục và được Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) chấp thuận, cho vào vùng Kâmpéâ Sreekatrey (Biên Hòa) khai khẩn, mở mang vùng đất Đồng Nai.

Tháp mộ tưởng niệm Công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu)
Tháp mộ tưởng niệm Công nữ Ngọc Vạn tại Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu)

ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho hay, buổi đầu đến Biên Hòa, người Hoa đến cù lao Phố. Do có tầm nhìn chiến lược trong phát triển và vị trí thuận tiện của cù lao Phố cho việc buôn bán nên họ đã quyết định chọn nơi đây sinh sống. Họ góp công tạo dựng nên những xóm làng với sự ra đời nhiều nghề thủ công, nhiều chợ hình thành để sản xuất hàng hóa và buôn bán. Từ đó, cù lao Phố phát triển, phồn thịnh. Một thời, thương cảng này được mô tả là có nhiều tàu buôn từ các nước đến trao đổi, mua bán, trở thành trung tâm thương mại, giao dịch với các quốc gia lân cận và vùng Gia Định, tức Nam bộ ngày nay.

Sự có mặt của cộng đồng người Hoa từ thế kỷ XVII-XVIII đã góp phần tạo nên những chuyển biến quan trọng về kinh tế - xã hội tại Nam bộ xưa. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai - Gia Định, nhân dân gọi Trần Thượng Xuyên là Đức Ông và lập đền thờ ông ở nhiều nơi. Trong số ấy có di tích đình Tân Lân ở P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) đã được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1991.

3. Mùa Xuân năm Mậu Dần (1698), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Đó là năm Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược xứ Đàng Trong lấy đất Đồng Nai lập phủ Gia Định gồm H.Phước Long dựng dinh Trấn Biên và H.Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục để quản trị; nha thuộc có 2 ty Xá, Lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ.

Đình Tân Lân - nơi thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên hàng năm đều diễn ra lễ hội Kỳ Yên
Đình Tân Lân - nơi thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên hàng năm đều diễn ra lễ hội Kỳ Yên

Việc làm của Nguyễn Hữu Cảnh có tác động lớn đến vùng đất mới. Về mặt pháp lý, với bộ máy hành chính cụ thể, người dân chịu sự cai quản của Nhà nước, sống theo trật tự xã hội và có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Cảnh thực thi chính sách dân tộc độc đáo khai thác tiềm năng của cộng đồng người Hoa và ổn định về xã hội cho họ yên tâm cùng với lưu dân Việt phát triển vùng đất Đồng Nai bằng cách lập đơn vị hành chánh riêng. Cụ thể là lập xã Thanh Hà ở Trấn Biên (Biên Hòa), Minh Hương (Sài Gòn) ở Phiên Trấn.

Trên cơ sở khẳng định vùng lãnh thổ, chúa Nguyễn bắt đầu thực hiện những chính sách khẩn hoang và phát triển kinh tế trên đất Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Qua cuộc kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698 đã biến vùng đất Đồng Nai - Gia Định thực sự thuộc chủ quyền và đặt dưới sự quản lý của chúa Nguyễn; giúp đẩy nhanh quá trình khai khẩn đất hoang và phát triển kinh tế ở vùng đất này. Những việc làm này đã đặt nền tảng xã hội cơ bản. Từ đây Đồng Nai - Gia Định trở thành lãnh thổ chính thức của nước Việt Nam.

Năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh mất, Trương Phúc Phan (tướng lĩnh tâm phúc, người đã kề vai sát cánh cùng Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh) được chúa Nguyễn Phúc Chu giao giữ chức Trấn thủ dinh Trấn Biên. Dinh Trấn Biên và H.Phước Long ở phía Đông sông Sài Gòn là một vùng rộng lớn bao gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Dinh Trấn Biên là cửa ngõ mở lối cho đoàn quân Nam tiến dọc theo dải ven biển nhanh chóng làm chủ toàn bộ đất Hà Tiên để tiến sâu vào trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời vươn ra chiếm lĩnh các đảo, quần đảo phía Nam biển Đông và vịnh Thái Lan.

Làm Trấn thủ dinh Trấn Biên, Trương Phúc Phan tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh chiêu tập dân vào Nam khai hoang mở đất, tổ chức các đơn vị hành chính, xây dựng bộ máy, xác lập chủ quyền lãnh thổ vùng đất Nam bộ. Cùng với việc xác lập chủ quyền, ngay từ những ngày đầu lập đất, chính quyền của chúa Nguyễn ở Trấn Biên đã tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ mà tiêu biểu là chiến công năm Quý Mùi (1703) đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo Côn Lôn (Côn Đảo) dưới sự chỉ huy của Trương Phúc Phan. Sự kiện này đã thêm một dấu son trong trang sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta...

My Ny

Tin xem nhiều