Điều gì đó, việc gì đó đều bắt đầu bằng hai tiếng "đầu tiên", như thể những ngày đầu tiên của mỗi năm là Tết. Hai tiếng "đầu tiên" ấn tượng ở con người, có khi là những kỷ niệm ấp ủ, giữ kín trong lòng; có khi là những sự việc tỏa sáng cần xác định để ghi nhớ, tự hào. Xứ Đồng Nai (bao gồm không gian văn hóa địa bàn Đông Nam bộ hiện nay) có nhiều sự kiện gắn với hai tiếng đầu tiên.
Điều gì đó, việc gì đó đều bắt đầu bằng hai tiếng “đầu tiên”, như thể những ngày đầu tiên của mỗi năm là Tết. Hai tiếng “đầu tiên” ấn tượng ở con người, có khi là những kỷ niệm ấp ủ, giữ kín trong lòng; có khi là những sự việc tỏa sáng cần xác định để ghi nhớ, tự hào. Xứ Đồng Nai (bao gồm không gian văn hóa địa bàn Đông Nam bộ hiện nay) có nhiều sự kiện gắn với hai tiếng đầu tiên.
Văn miếu Trấn Biên - văn miếu đầu tiên của Đàng Trong. Ảnh: HUY ANH |
1. Vùng đất đầu tiên ở Nam bộ được định danh trong quản lý hành chính của chúa Nguyễn
Theo các tài liệu chính thống, người Việt đã có mặt ở vùng đất Nam bộ từ năm 1620; đến năm 1679, có thêm người Hoa định cư ở cù lao Phố (Biên Hòa) và Mỹ Tho (Tiền Giang); vùng Hà Tiên cũng có người Hoa dòng họ Mạc. Đó là sự cư trú cộng cư, tự phát, chưa phân định hành chính. Đến năm Mậu Dần 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh phụng mệnh chúa Nguyễn kinh lược phương Nam, lập Phủ Gia Định; lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Con cháu người Hoa ghép vào sổ hộ tịch, ở nơi Trấn Biên lập xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn lập xã Minh Hương. Đó là những địa danh hành chính đầu tiên ở phương Nam thuộc quyền cai trị của chúa Nguyễn.
2. Miếu thờ Quan Thánh Đế đầu tiên của người Hoa ở Nam bộ
Chùa Ông được xây dựng năm 1684 tại cù lao Phố do nhóm người Hoa Trần Thượng Xuyên lánh nạn nhà Thanh, được chúa Nguyễn cho định cư ở vùng này từ năm 1679. Chùa Ông đã qua nhiều lần trùng tu vào các năm: 1743, 1817, 1894, 2009-2010 nhưng vẫn giữ được bản sắc về kiến trúc, mỹ thuật, lễ tục. Chùa Ông được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2001, nay đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với lễ hội chùa Ông.
Cổng Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) ngày nay |
3. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh và di tích mộ huyền táng ở cù lao Phố là di tích khởi đầu của hệ thống đình, đền, miếu thờ Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh ở Nam bộ
Nguyễn Hữu Cảnh là người được chúa Nguyễn giao việc kinh lược ở phương Nam. Năm 1698, ông ổn định hành chính ở xứ Đồng Nai; năm 1699, ông bình định giặc Chân Lạp quấy rối bờ cõi; bị bạo bệnh, mất trong lúc di hành công vụ khoảng ngày rằm tháng 5 âm lịch. Di hài ông được đưa về hành dinh ở cù lao Phố ngày 16-5 âm lịch; dân làng tế lễ, thương tiếc, lập mộ, dựng đền thờ, lấy đó làm ngày giỗ trọng, giữ lệ đến nay. Về mộ của ông, hiện còn di tích 2 ngôi mộ cổ, sách sử ghi là “huyền táng”, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng tra từ điển cổ thư giải thích là “táng tạm”, sau đó mới cải táng đưa về quê nhà. Ý kiến này khớp với gia phả do Nguyễn Hữu Tiến (cháu trực hệ 10 đời) lưu giữ. Trong đó ghi là, sau khi Gia Long lên ngôi (1802), thực hiện chính sách quy tập hài cốt tử sĩ, người cháu trực hệ đời thứ 5 là Ngũ Đức Hầu Nguyễn Hữu Quỳnh tìm đến cù lao Phố, đưa hài cốt Đức Ông về quê nhà, an táng ở đất thiêng An Mã (nay thuộc xã Trường Thủy, H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), lập bia, tạo thành di tích, duy trì và phát triển đến nay. Về đền thờ, có người cho rằng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh sớm nhất ở Nam bộ là đền Lễ Công, tức là đình Châu Phú ở TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang. Thực ra, đình Châu Phú (hay là đền Lễ Công) do Nguyễn Văn Thoại xây dựng trong thời gian ông nhậm chức tại địa phương, khoảng năm 1817-1829.
4. Văn miếu đầu tiên ở xứ Đàng Trong
Văn miếu Trấn Biên được xem là văn miếu đầu tiên ở xứ Đàng Trong, xây dựng năm 1715 thời chúa Nguyễn Phúc Chu, được trùng tu lớn năm 1794, 1852. Năm 1861, bị thiêu hủy khi thực dân Pháp chiếm Biên Hòa; năm 1998, được khởi công phục dựng theo mô tả trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 14-2-2002; được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2016.
5. Chùa Phật theo hệ phái Thiền tông Lâm Tế xuất hiện đầu tiên ở Nam bộ
Đó là Tổ đình Quốc Ân Kim Cang do thiền sư Nguyên Thiều khai sơn khoảng năm 1694, nay thuộc xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu). Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728), người gốc Trung Quốc, xuất gia từ nhỏ, hành đạo tại Việt Nam từ sớm, thuộc dòng phái Lâm Tế đời thứ 33; từng là Quốc sư thời chúa Nguyễn, vào Bình Định khai sơn chùa Thập Tháp, rồi vào xứ Đồng Nai lập chùa Kim Cang. Các đại đệ tử của thiền sư khai sơn các chùa cổ ở Đồng Nai như: Đại Giác, Long Thiền, Bửu Phong. Tổ đình Quốc Ân Kim Cang bị thiêu hủy năm 1946 do tiêu thổ kháng chiến, sau chiến tranh được phục dựng, hiện còn tháp mộ của thiền sư.
Có nhiều ý kiến khác nhau về tháp mộ này, nhưng hiện vật linh vị bằng đá của Minh Vật Nhất Tri, đại đệ tử đời thứ 34 của thiền sư Nguyên Thiều với thông tin xác thực khiến hết tranh cãi.
Trong khuôn viên Tổ đình Kim Cang còn một ngôi mộ cổ bằng ô dước, kiểu kiến trúc mộ thế kỷ XVII, với chuyện truyền khẩu rằng, công nữ Ngọc Vạn cuối đời ẩn tu ở Mô Xoài, rồi tu ở núi Chứa Chan, nghe tiếng Quốc sư ở chùa Kim Cang, tìm đến thọ giáo rồi mất, được táng tại đây. Sự việc chưa được minh định.
Một góc Tổ đình Long Thiền |
6. Nhà thờ Tân Triều với xứ đạo Tân Triều cũng được xem là một trong những cơ sở của Công giáo đầu tiên ở Nam bộ
Thực ra, niên đại nhà thờ sớm nhất ở Nam bộ được ghi nhận là nhà thờ Chợ Quán được trùng tu lần đầu vào năm 1727, tại xứ đạo Chợ Quán (có từ năm 1722).
Ở Tân Triều, theo truyền ngôn của người địa phương, trước năm 1722, các cha Dòng Tên đã đến truyền giáo tại nơi đây do đã có nhiều người Công giáo quy tụ. Thời đó vùng đất này mang tên “Đá Lửa” nên gọi là họ đạo Đá Lửa. Một nhà nguyện tạm được dựng lên để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. Năm 1778, linh mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) đến bảo trợ họ đạo này và đổi tên họ đạo Đá Lửa thành Tân Triều, đồng thời lập chủng viện tại đây. Năm 1850, cha Martinô Hiển đến coi sóc giáo xứ Tân Triều và cùng cộng đoàn xây nhà thờ mới, nay thuộc ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình.
Ngoài ra, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quóc Mỹ - tay sai, chiến trường Đông Nam bộ ở xứ Đồng Nai cũng tạo ra nhiều ấn tượng đầu tiên: trận phục kích La Ngà ngày 1-3-1948 là chiến thắng đầu tiên trong giao thông chiến; những trận đánh tháp canh đầu tiên trong năm 1948 khởi đầu cách đánh đặc công; trận đầu diệt Mỹ là trận tập kích Nhà Xanh ở Biên Hòa khiến 2 cố vấn Mỹ đứng đầu danh sách chết trận đầu tiên ở Việt Nam là thiếu tá Buis và M.Ovmand.
Những ấn tượng đầu tiên ấy không phải ngẫu nhiên mà do sự tích hợp, kết tinh giá trị của vùng đất hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Vậy nên, ngày Xuân, nghĩ về những ấn tượng đầu tiên của xứ sở, càng tự hào, càng vui, càng phải tự nghiệm: cần phải tiếp tục làm gì để việc đầu tiên tiếp nối sự đầu tiên.
Ong Mật