Báo Đồng Nai điện tử
En

Những mẩu chuyện vui trong các chuyến du lịch bụi

03:01, 18/01/2023

Cái khoản lời lớn nhất của tôi trong suốt gần 40 năm đeo đuổi nghề báo là dư vị của những chuyến đi đây đó với nhiều điều mắt thấy tai nghe, mà không phương tiện truyền thông nào có thể thay thế được. Hầu hết những gì tôi trải nghiệm được đều mới lạ, rất hay ho.

Cái khoản lời lớn nhất của tôi trong suốt gần 40 năm đeo đuổi nghề báo là dư vị của những chuyến đi đây đó với nhiều điều mắt thấy tai nghe, mà không phương tiện truyền thông nào có thể thay thế được. Hầu hết những gì tôi trải nghiệm được đều mới lạ, rất hay ho.

Trong Cánh đồng Chum (Lào)
Trong Cánh đồng Chum (Lào)

Tuy nhiên, phần nhiều các chuyến du lịch của tôi là đi bụi, đi tự túc nên chắc chắn là người đi du lịch theo tour rất khó biết được. Nhân dịp đầu Xuân, tôi xin kể vài chuyện vui, tuy rằng… cười hổng nổi.

* Đầu năm đi… cầu may!

Nhắc đến Tết, tôi bỗng nhớ đến chuyện lần đầu đến Phủ Dầy ở Vụ Bản (tỉnh Nam Định) để đi chợ Viềng, một ngôi chợ cầu duyên may độc đáo nhất của cả nước. Mỗi năm, chợ Viềng chỉ họp một lần vào nửa đêm mùng 7 đến sáng mùng 8 tháng Giêng; mà người mua kẻ bán đến chợ chỉ nhằm mục đích cầu may, cầu phúc, cầu lộc hoặc cầu duyên là chính, còn lại là… du Xuân.

Sáng mùng 5 Tết, tôi từ TP.Biên Hòa trực chỉ ra miền Bắc. Mờ sáng mùng 7, tôi có mặt tại quốc lộ 1, đoạn thuộc TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Vừa bước xuống xe đã có mấy anh xe ôm chào đón. Nghe tôi nói muốn đi chợ Viềng, một anh xe ôm còn trẻ, vẻ mặt có vẻ hiền lành nói: “Năm mới được bác mở hàng, em nói đúng giá, bác khỏi phải trả để nhà em được may mắn cả năm bác nhé. Với lại đi chợ Viềng cầu may không ai kỳ kèo trả giá bao giờ…!”.

Trước sự rào đón của anh xe ôm đất Hà Nam, tôi cười hỏi: “Bao nhiêu?”.

Bác cho nhà em một trăm nghìn đồng để lấy may đầu năm!

Biết đoạn đường khoảng 20km với thời giá lúc bấy giờ chỉ 50 ngàn đồng nhưng tôi vẫn vui vẻ gật đầu: “Ờ! Đi…”.

Băng giữa làn sương mù gió lạnh căm căm đến TT.Gội đang có hàng đoàn người, xe tấp nập, anh xe ôm quay lại hỏi tôi: “Đi sớm thế này bác ăn sáng chưa? Phở ở vùng này ngon và ăn vào được may mắn lắm bác ạ!”.

Biết ý anh xe ôm, tôi mời anh vào một quán phở bên đường. Trong khi chờ chế biến, anh cầm chai rượu đặt sẵn trên bàn nói: “Trời rét thế này mà làm một cốc rượu thì ấm biết mấy bác nhỉ!”.

Nổi máu “Anh Hai Nam bộ”, tôi cười cười: “Thế thì làm!”.

Làm xong chầu phở, rượu miễn phí và cầm tờ giấy bạc xanh mới trên tay, anh xe ôm xuýt xoa hết lời. Anh cho biết, năm mới mở hàng gặp hên như thế này anh sẽ may mắn cả năm và chúc tôi cũng được như vậy.

Thế nhưng, tôi lại không may. Đi từ TT.Gội đến xã Kim Thái và Trung Thành là khu vực nhóm họp chợ Viềng, tôi không tìm thấy khách sạn hay nhà trọ, nhà nghỉ nào. Hỏi một người mặc áo đại cán có vẻ là cán bộ địa phương, ông chỉ cho tôi một ngôi nhà khá rộng và nói: “Ở đây không có cơ sở lưu trú. Chỉ có gia đình này tranh thủ vào dịp lễ hội thu xếp chỗ cho khách xa đến nghỉ qua đêm thôi. Nhưng phải trả đến trăm nghìn đấy!”.

Tôi mừng rỡ bước đến ngay. Bà chủ nhà chỉ vào bộ ván gỗ cũ kỹ nói: “Chỗ nghỉ của bác đây! Một trăm nghìn đồng một đêm nhé. Trả tiền tươi!”.

Nhìn bộ ván chỏng chơ, tôi buột miệng hỏi: “Không có mùng mền chiếu gối gì sao?”.

Nghe giọng Nam bộ đặc sệt của tôi, bà chủ nhà lộ vẻ ngạc nhiên: “Bác ở trong Nam ra à! Nghỉ cả đêm phải không? Trả cho nhà cháu 200 nghìn đồng nhé! Trả tiền trước, không phải giấy tờ gì cả!”.

Cầm tiền trên tay, bà chủ nhà vừa nhìn tôi đặt ba lô lên bộ ván vừa hỏi:  “Trời rét thế này, bác có tắm không? Nếu tắm, bác đưa thêm 20 nghìn đồng để tôi bảo cháu nó đun nước!”.

Khoảng 10 giờ đêm, sau khi đi một vòng chợ Viềng ngắm nhìn cảnh bán mua nhộn nhịp trở về nhà trọ, bước đến chỗ nghỉ của mình, tôi rất ngạc nhiên không nhìn thấy cái ba lô của tôi mà thay vào đó là 2 cái mũ bảo hiểm. Chạy ra sau nhà tìm hỏi. Bà chủ nhà nói một cách điềm nhiên: “Có 2 vợ chồng vị khách ngoài Hà Nội vào thuê chỗ nghỉ đó rồi. Bác cứ đi chơi thêm đến sau 12 giờ khuya có ông khách giường bên trả chỗ, bác vào mà nghỉ!”.

Đêm chợ Viềng cầu may - duyên - tài - lộc đó, mãi gần 2 giờ sáng tôi mới được đặt mình lên chiếc giường gỗ ọp ẹp trải tấm chiếu cũ, phải ôm chiếc ba lô của mình mà ngủ.

* Ăn mặc lôi thôi mừng… buổi giao thời

Đầu năm 2020, để ghi dấu sự hiện diện được 70 năm của mình trên cõi nhân gian, tôi thực hiện việc lần đầu tiên trong đời là đón Xuân ở thủ đô Hà Nội. Trước đó, tôi đã chọn một khách sạn nhỏ ở trong khu phố cổ để có thể hưởng trọn vẹn không khí Tết của Hà Nội xưa và nay. Trong mấy ngày giáp Tết, tôi la cà khắp mọi nơi và thật mãn nhãn với những cảnh đẹp của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Thế nhưng sau đó đã hết sức bất ngờ khi mới 27 Tết ôm mớ quần áo mặc rồi đi… “giặt là” thì không nơi nào nhận. Ngày 28 Tết không tìm đâu ra quán nhậu. Tai hại hơn là quản lý khách sạn cho biết: Trong 2 ngày 30 và mùng 1 Tết, khách sạn không phục vụ bữa ăn sáng vì nhân viên nghỉ việc để về quê.

Thế là lần đầu tiên tôi đón giao thừa trong tâm trạng không hồ hởi lắm với bộ áo quần bèo nhèo, thoảng chút mùi hôi bên những dòng người Hà Nội rộn ràng, thướt tha, là lượt đủ sắc màu trang phục đổ ra bờ hồ Hoàn Kiếm ngắm pháo hoa đón mừng năm mới.

Tác giả bài viết ở vùng Tam giác vàng (Thái Lan - Lào - Myanmar)
Tác giả bài viết ở vùng Tam giác vàng (Thái Lan - Lào - Myanmar)

Cũng rất đáng nhớ là lần tôi phải mặc bộ đồ ướt nhẹp đi viếng 9 ngôi chùa ở thủ đô Viêng Chăn nhân ngày Tết cổ truyền (Bun pimay) của xứ Lào. Trước khi rời khách sạn, tôi đã chọn bộ đồ “oách” nhất của mình ra mặc để mừng năm mới, nhưng vừa ra đến đường đã bị một đám thanh niên ùa đến “hốt nậm” (té nước). Biết đây là tục lệ chúc phúc của người Lào nên tôi cứ mặc đồ ướt mà rong chơi.

Cũng vào một dịp lễ hội mừng năm mới (Chol Thnam Thmay) của người Campuchia, tôi đã bị đói nhừ khi rảo khắp TP.Siem Riep mà không tìm thấy quán ăn. Hỏi ra mới biết, không chỉ các nhà hàng mà hầu như các cơ sở dịch vụ đều... “đóng cửa” để nhân viên nghỉ việc về quê “ăn Tết”.

Đâu phải “xuất ngoại” là… ngon ăn và ăn ngon đâu. Trung Quốc có một nền ẩm thực được xếp vào hàng đầu thế giới, nhưng nhiều bà con mình sang đây du lịch, mới ngày thứ 2 đã kêu là ngán… cơm Tàu, thèm phở Việt.

Trong một lần sang Philippines, tôi cẩn thận nghiên cứu Lonely planet - một quyển sách hướng dẫn du lịch nổi tiếng thì biết được ở Bacolod có một món ngon mà ai ra hòn đảo này không thưởng thức thì chưa phải là người đã đến Bacolod. Nhà hàng bán món gà inasal đặc sản này là Manokan Country.

Không khó khăn gì lắm để tìm ra cái địa chỉ cũng quá nổi tiếng này. Nhưng khi “mần” xong món gà inasal cùng chai bia San Miguel hảo hạng, tôi nhận ra rằng món ăn này ở chuỗi nhà hàng danh giá Manokan Country không ngon bằng gà nướng bán ngoài vỉa hè cạnh khách sạn Casa Marabella rẻ tiền nằm tận vùng ngoại ô Villamonte mà tôi đang ở. Hỏi ra mới biết món gà inasal truyền thống của Bacolod bán ở đường phố vừa ngon - bổ - rẻ, mà khách hàng còn được quyền chỉ món nào, nướng món đó.

Trái lại, ở thành phố biển Malacca có một món satay của người Malaysia rất ngon là cừu nướng tiêu đen không thấy quảng cáo gì; nhưng mấy quán ăn nằm dọc hai bên bờ sông đều có bán với giá đắt gấp 4 lần các món ăn thông thường khác. Sườn cừu nướng tiêu nhâm nhi với bia gừng, một thức uống thuần Malaysia đã góp phần quan trọng níu chân tôi ở lại thêm một ngày đêm ở vùng eo biển nổi tiếng với… hải tặc Malacca.

* Bị… “chém” ở Philippines

Ngoài chuyện “gà inasal”, ấn tượng nhất của tôi về Philippines - xứ sở của hơn 7 ngàn hòn đảo là nạn... kẹt xe. Vì vậy mà câu cửa miệng của giới tài xế taxi ở Manila khi mở cửa cho khách nước ngoài lên xe luôn là: “Traffic! Traffic!” và không bấm đồng hồ tính tiền để sau đó buộc khách phải trả thêm tiền.

Biết cái chiêu này, vừa vào xe tôi nói ngay với tài xế: “Meter please!”. Vậy mà khi xuống xe nhìn đồng hồ thấy 180 pêso (mỗi pêso lúc ấy tương đương 500 đồng), vẫn bị ông tài xế đòi cho bằng được… 300 pêso với điệp khúc “traffic!” quen thuộc.

Cưỡi lạc đà trên cao nguyên Vân Quý, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Cưỡi lạc đà trên cao nguyên Vân Quý, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

Để đến Bacolod xem Festival Mass Kara (một vũ hội truyền thống trên đảo Negros với hình thức đeo mặt nạ cười nhảy múa trên đường phố), tôi đặt mua vé tại một trung tâm du lịch ở Manila với cái giá 2.500 pêso cho vé hạng bình dân để đi trên một chiếc “Titanic của Philippines” có tên St Leo the great của hãng 2 Go travel. Khi trở về, tôi trực tiếp đến hãng tàu này ở TP.Bacolod mua vé thượng hạng (phòng riêng có máy điều hòa, nhà vệ sinh, bàn tiếp khách, ăn tự chọn và được phục vụ tại bàn) chỉ với giá 1.700 pêso. Được biết, hạng bình dân dành cho khách ngủ giường tầng, xếp hàng nhận thức ăn và sử dụng phòng vệ sinh chung chỉ có giá 1.000 pêso. Thì ra, tôi đã bị “trung tâm du lịch” ở Manila “chém” cho một nhát quá… bén!

* Gặp tài xế taxi bất hảo

Đã vài lần sang Thái Lan và phải nói là tôi rất có cảm tình với quốc gia được du khách quốc tế đặt cho danh hiệu “vương quốc của nụ cười”. Thế nhưng, có một lần từ Tam giác vàng ngồi xe ca về đến Bangkok đã gần 2 giờ sáng, tại bến xe trung tâm, tôi đến bộ phận điều hành taxi đang hoạt động rất nhộn nhịp đề nghị cho xe chở đến một khách sạn rẻ tiền và gần đấy nhất. Nhân viên điều hành vui vẻ viết ngay một tờ giấy nhỏ đưa cho lái xe taxi đến lượt đón khách và nói với tôi: “Gần đây thôi. Chỉ khoảng một cây số rưỡi!”, làm cho tôi cảm thấy hết sức yên tâm. Thế nhưng, chiếc taxi chạy đến hơn 5km mà anh lái xe với vẻ mặt lầm lì, hỏi gì cũng không nói. Sau cùng, anh chở tôi vào một khu vực nằm dưới dạ cầu, nhìn tăm tối và âm u. Khi bước vào phòng tiếp tân của một khách sạn cũ mèm thấy có mấy thanh niên đang ngồi đánh bài và uống rượu, tôi đã thấy bất ổn; nên khi nghe một gã nhân viên ra giá 1.900 bath một đêm tôi liền từ chối. Lúc này, tài xế taxi mới chịu mở miệng. Anh ta nói: “Giá vậy là rẻ rồi! Giờ này không còn khách sạn nào nhận khách đâu”.

Tôi biết đây là thủ đoạn câu kết làm tiền của những kẻ bất lương nên phản ứng quyết liệt và nghiêm giọng nói với gã lái xe taxi: “Anh đưa tôi ra nhà ga Hua Lamphong ngay. Nếu không tôi gọi cảnh sát!”.

Thấy tôi làm dữ quá, anh ta đành chở tôi ra khỏi cái khu vực tối đen và rất lạ lẫm của thủ đô hoa lệ Bangkok. Sau đó, tôi vào nghỉ đêm ở một khách sạn nhỏ, hơi cũ ở cạnh nhà ga xe lửa Hua Lamphong với cái giá 250 bath.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích