Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi bắt đầu của xây dựng và chỉnh đốn Đảng

11:01, 18/01/2023

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9-12-2021, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lưu ý: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9-12-2021, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lưu ý: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người. Nói cách khác, công việc trọng đại luôn bắt đầu và diễn ra thường xuyên ở tổ chức và con người, mà trước hết phải là tổ chức cơ sở Đảng và ở mỗi một đảng viên...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên Lê Xuân Ba (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa)
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên Lê Xuân Ba (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa)

* Chi bộ là gốc rễ của Đảng

Ngày 19-2-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết một bài báo ngắn: Chi bộ ở nông thôn, đăng trên Báo Nhân Dân, số 1079. Mở đầu bài báo, Người viết: Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt.

Sau này, khi có dịp, Bác Hồ còn phân tích: “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu nơi quần chúng”; “Chi bộ là gốc rễ của Đảng trong quần chúng”; “Chi bộ... là sợi dây chuyền để liên hệ giữa Đảng và quần chúng”,... Vĩ lẽ đó, Người khởi xướng cuộc vận động xây dựng “Chi bộ bốn tốt” và trực tiếp lãnh đạo, tổ chức, duy trì, đẩy mạnh phong trào trong toàn Đảng.

Những chỉ dẫn của Bác Hồ đã được Đảng Cộng sản Việt Nam thấm nhuần sâu sắc và vận dụng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều lệ của Đảng quy định rõ: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, nhất là thời kỳ đổi mới, đều luôn nhấn mạnh: “Tất cả đảng bộ, chi bộ ở cơ sở đều nắm vững và thực hiện đúng chức năng là hạt nhân lãnh đạo chính trị đối với chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, sự nghiệp, các mặt công tác và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở”.

Nhờ coi trọng và xác định việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên mà chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở nói riêng.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trước hết ở tổ chức cơ sở, vẫn còn không ít hạn chế, nhất là chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng (Nghị quyết Trung ương 05 (khóa XIII), ngày 16-6-2022).

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Điểm nổi bật của bản nghị quyết là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức cơ sở Đảng khi xem đây là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Do đó, tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Hơn nữa, nghị quyết Trung ương còn yêu cầu phải triển khai thực hiện hiệu quả mô hình chi bộ bốn tốt, đảng bộ cơ sở bốn tốt (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).

* Đảng viên - người con hiếu thảo của Tổ quốc

Khi mới thành lập, con số đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thật ít ỏi. Mãi đến năm 1935, cũng chỉ mới có 600 người. Vậy mà, 10 năm sau, dù mới tăng lên vài ngàn người, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước. Thành công đó, bên cạnh đường lối đúng đắn của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, còn ở đội ngũ những người cộng sản trung kiên. Vì sao như vậy? Vì những con người ấy “đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay” (Hồ Chí Minh).

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (thứ 5 từ phải qua), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà (thứ 4 từ trái qua) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (thứ 6 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ III-2022 .  Ảnh: Hồ thảo
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (thứ 5 từ phải qua), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà (thứ 4 từ trái qua) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (thứ 6 từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng lần thứ III-2022 . Ảnh: Hồ thảo

Ngày nay, số đảng viên ở nước ta đã trên 5,3 triệu người, chiếm tỷ lệ gần, 5,5% dân số, tỷ lệ cao gấp nhiều lần so khi đội ngũ đã làm nên cuộc đại cách mạng trong lịch sử dân tộc. Nhìn chung, đội ngũ đảng viên ngày nay có nhiều mặt vượt trội so với các thế hệ trước, nhất là về trình độ học vấn, chuyên môn lẫn lý luận. Đặc biệt, phần lớn đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân (Nghị quyết số 21).

Tuy nhiên, một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng...

Những hạn chế đó tất dẫn đến có tổ chức cơ sở đông mà không mạnh, thậm chí tê liệt, mất sức chiến đấu. Và, điều này còn nguy hiểm hơn, đó là làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Bởi, như Bác Hồ từng căn dặn: Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Tháng 7-1955, khi nói chuyện với cán bộ là học viên của Phân hiệu II, Trường Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ nói: Chúng ta đều biết Đảng không phải trên trời rơi xuống… Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về đảng viên đã được Đảng Cộng sản Việt Nam thấm nhuần và vận dụng vào từng thời kỳ lịch sử một cách sâu sắc. Ở Nghị quyết số 21 (khóa XIII), nhấn mạnh đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Vậy nên, phải tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu. Mặt khác, bản thân mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Từ Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Trung ương liên tục ban hành nhiều nghị quyết, quy định, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả các thể chế, thiết chế về công tác trọng yếu này đều hướng về con người và tổ chức, tức đảng viên và tổ chức Đảng, với tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn giữa xây và chống; giữa xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân.

Bác Hồ từng lấy hình ảnh chiếc đồng hồ để nói về tổ chức Đảng: Bộ máy đồng hồ phải chạy đều, muốn chạy đều phải sạch sẽ. Đảng cũng vậy: Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch. Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ.

Tổ chức Đảng, trước hết là tổ chức cơ sở, để lãnh đạo cách mạng, phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt. Muốn trở thành đảng viên tốt, mỗi đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân… chứ không phải là “quan” nhân dân.

Mùa Xuân mới của đất trời cũng là mùa Xuân mới của Đảng, của dân tộc. Đất nước có trở nên hùng cường, nhân dân có được tự do, hạnh phúc hẳn bắt đầu từ những “công việc gốc” của Đảng.

TRẦN HUY ANH

 

Tin xem nhiều