Năm 2003, ông Tobita Minoru đến Đồng Nai với vai trò chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chuyên giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Ban đầu ông dự kiến chỉ đến Đồng Nai trong khoảng 5 năm, nhưng rồi đã kéo dài đến gần 20 năm với rất nhiều kỷ niệm đặc biệt về đất nước và con người Việt Nam mà theo ông không phải ở đâu cũng có.
Năm 2003, ông Tobita Minoru đến Đồng Nai với vai trò chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chuyên giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Ban đầu ông dự kiến chỉ đến Đồng Nai trong khoảng 5 năm, nhưng rồi đã kéo dài đến gần 20 năm với rất nhiều kỷ niệm đặc biệt về đất nước và con người Việt Nam mà theo ông không phải ở đâu cũng có.
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng tặng quà tri ân ông Tobita Minoru sau gần 20 năm cống hiến cho nhà trường. Ảnh: C.Nghĩa |
Ông Tobita Minoru chia sẻ: “Không có nơi đâu trên thế giới mà con người lại gần gũi và thân thiện như ở Việt Nam. Đây là lý do tôi đến và gắn bó lâu dài đến như vậy. Ngay cả vợ tôi - Kazuko Tobita khi lần đầu tiên sang thăm tôi tại Việt Nam cũng đã bị mê hoặc bởi sự yên bình, năng động và tình cảm chân thành của các em sinh viên”.
* Vì yêu mà đến
Trước khi đến Đồng Nai làm nhiệm vụ giảng dạy tiếng Nhật tại Trường đại học Lạc Hồng, ông Tobita Minoru từng có nhiều năm công tác tại Paris, Pháp. Nhiều người Pháp lần đầu gặp ông Tobita Minoru đều nghĩ ông là người Việt Nam, bởi ngoại hình, đặc biệt là bản tính cần cù, chăm chỉ.
Ông chia sẻ: “Vì có nhiều người nước ngoài nhầm tôi là người Việt Nam nên tôi đã quyết định sau khi kết thúc nhiệm vụ ở Pháp, tôi sẽ đến Việt Nam để tìm hiểu vì sao lại có nhiều người biết và yêu mến Việt Nam đến vậy”.
Tobita Minoru cho hay, chuyến đi đầu tiên của ông đến Việt Nam vào năm 2003 với vai trò chuyên gia của JICA dạy tiếng Nhật cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng trong thời gian dự kiến khoảng 5 năm. Ban đầu ông được bố trí ở gần khu vực Hồ Con Rùa (Q.3, TP.HCM) và hàng ngày có xe đưa rước ông đến trường đại học. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, ông quyết định thuê nhà riêng tại TP.Biên Hòa để tiết kiệm thời gian đi lại và dành thời gian nhiều hơn cho sinh viên.
Ông Tobita Minoru: “Tôi đã có những năm tháng ý nghĩa của cuộc đời” Khi bước sang tuổi 60, người ta thường nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, còn tôi lại có thêm 20 năm đầy ý nghĩa tại mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai. Nơi đây đã cho tôi cảm nhận cuộc đời không có tuổi già. Tôi tìm thấy niềm vui mỗi ngày cùng với sinh viên chăm chỉ và sáng tạo của tôi. Tôi đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và tôi mong có ngày trở lại nơi đây để gặp những con người thân thương, hiền hậu”. |
Là một người có nhiều năm sống ở châu Âu nhưng Tobita Minoru đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở mảnh đất Biên Hòa. Ông chia sẻ: “Có lẽ tôi sinh ra để hợp với mảnh đất Biên Hòa nên mọi thứ được thích nghi rất nhanh chóng. Tôi đặc biệt quý trọng tình cảm thân thiện của con người trên mảnh đất này, đặc biệt là các sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành của Việt Nam học tập tại Trường đại học Lạc Hồng. Nhiều thế hệ sinh viên đã thay nhau làm “xe ôm” miễn phí cho tôi gần 20 năm qua. Càng ở Biên Hòa lâu, tôi lại càng cảm thấy thú vị, vì đi đâu cũng gặp sinh viên của mình”.
Sống ở Việt Nam rất lâu rồi nên Tobita Minoru dần quen và rất yêu thích văn hóa, ẩm thực Việt Nam. Ông nói vui rằng, có lẽ sau nay về Nhật sinh sống ông sẽ phải mất nhiều thời gian để thích nghi lại với cuộc sống nơi ông từng được sinh ra! Tobita Minoru cho hay: “Tôi chẳng những thích ăn mà còn có thể tự tay nấu khá nhiều món ăn Việt Nam, đặc biệt là món rau muống xào tỏi và uống bia 333. Những ngày nghỉ cuối tuần, căn hộ của tôi thường rất vui và ấm áp khi có nhiều sinh viên mang thực phẩm đến nấu các món ăn Việt Nam và thầy trò chúng tôi cùng thưởng thức”.
Gần 20 năm gắn bó ở Việt Nam, Tobita Minoru đã có cơ hội khám phá nhiều vùng đất mà ông từng ấp ủ sẽ đến khi còn sống và làm việc ở Pháp. Ông cho hay: “Tôi đã đến rất nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng... Con người và văn hóa Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với đất nước Nhật Bản của tôi. Mọi người luôn thân thiện, gần gũi, chăm chỉ. Đôi khi tôi đi bộ đến siêu thị nhưng cũng phải mang theo mũ bảo hiểm, vì sinh viên của tôi có mặt khắp nơi, nhìn thấy tôi đi ngoài đường là các em sẽ “bắt” tôi lên xe chở bất cứ đâu mà tôi muốn. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có được tình cảm đặc biệt như vậy”.
Bà Kazuko Tobita, người bạn đời của ông Tobita Minoru thì nói: “Tôi luôn ủng hộ chồng mình khi ông ấy chọn Việt Nam làm điểm đến và không nghĩ rằng ông ấy đã có những năm tháng gắn bó với Việt Nam một cách lâu dài như vậy. Tôi đã nhiều lần sang Việt Nam thăm ông ấy và cảm nhận được tình cảm của sinh viên dành cho chồng mình, điều đó càng khiến tôi ủng hộ ông ấy tiếp tục công việc ở đây. Giờ là lúc chúng tôi quyết định trở lại Nhật Bản và chính thức nghỉ hưu. Tôi nghĩ ông ấy sẽ không quá buồn vì có nhiều sinh viên ông ấy từng dạy nay đang làm việc tại Nhật Bản.
* Tình cảm đặc biệt
Bước sang mùa Xuân thứ 81 của cuộc đời, ông Tobita Minoru quyết định gác lại công việc, rời xa giảng đường Trường đại học Lạc Hồng để trở về đất nước mặt trời mọc nghỉ ngơi, mang theo rất nhiều kỷ niệm về Việt Nam, về mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai với những tình cảm đặc biệt chất chứa trong trái tim ông.
Ông xúc động chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó với nơi này là một hành trình dài và đầy ý nghĩa của cuộc đời tôi. Quyết định trở về nơi mình được sinh ra là một khó khăn nhưng đã đến lúc tôi cần dành thời gian cho tuổi già và đặc biệt là với người bạn đời Kazuko Tobita. Chúng tôi có một ước nguyện sẽ trở lại Việt Nam một hoặc 2 lần nữa khi điều kiện sức khỏe còn cho phép”.
Các đồng nghiệp chia tay vợ chồng ông Tobita Minoru và bà Kozuka khi họ về Nhật Bản sinh sống |
TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ, ông Tobita Minoru chính là một trong những chuyên gia nước ngoài công tác lâu nhất, cần mẫn nhất, có đóng góp nhiều nhất và chiếm được nhiều trái tim của giảng viên và sinh viên nhất tại Trường đại học Lạc Hồng. Không chỉ giúp nhà trường xây dựng chương trình giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, kết nối các tổ chức của Nhật Bản quan tâm đầu tư học liệu cho ngành Nhật Bản học của nhà trường mà ông còn giúp cho rất nhiều sinh viên có việc làm tại các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam và sang Nhật Bản làm việc.
Chị Trần Minh Thùy Dương từng là sinh viên và sau này đã trở thành một người đồng nghiệp của ông Tobita Minoru tại Khoa Đông Phương học chia sẻ: “Tobita Minoru là một người thầy đặc biệt của chúng tôi. Ông luôn thể hiện là một người thầy nghiêm túc, một tấm gương về sự cần mẫn, chăm chỉ trong công việc. Mỗi khi chúng tôi cần sự giúp đỡ, ông luôn tận tình hỗ trợ mà không kể thời gian. Nhiều kiến thức lẫn phương pháp giảng dạy tiếng Nhật đã được ông truyền cho chúng tôi để khi ông không còn gắn bó với nơi này nữa thì chúng tôi sẽ tiếp tục là những con người tiếp nối nhiệm vụ của ông để lại”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Luân, sinh viên ngành công nghệ thông tin thì xúc động không nói thành lời trong buổi lễ chia tay người thầy Tobita Minoru của mình khi ông rời Việt Nam. Anh Luân kể: “Tôi chỉ có hơn 3 tháng học tiếng Nhật dưới sự dẫn dắt của Tobita Minoru nhưng ông thực sự là một người thầy tận tụy và tình cảm. Trong mỗi buổi học, ông tận tình chỉ cho chúng tôi từng nét chữ, cách phát âm và tạo cho chúng tôi cơ hội giao tiếp để rèn luyện kỹ năng nghe và nói. Sau này, khi khóa học kết thúc, tôi và ông vẫn giữ liên lạc qua mạng xã hội và ông tiếp tục là một người thầy giúp tôi có được kiến thức tiếng Nhật phục vụ cho công việc của mình”.
Những cánh tay vẫy chào từ biệt ông Tobita Minoru sau 20 năm công tác tại Việt Nam |
Còn chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, một cựu sinh viên của ông Tobita Minoru thì chia sẻ: “Tôi đã trưởng thành dưới sự dạy bảo của ông Tobita Minoru từ khi là một sinh viên ngoại tỉnh bước vào Trường đại học Lạc Hồng cho đến ngày ra trường. Với tôi, Tobita Minoru như một người cha thứ hai luôn đong đầy sự yêu thương và trách nhiệm. Ngày cưới của tôi, cả Tobita Minoru và vợ mình đều đến dự và chia vui cùng chúng tôi. Ngày chia tay Tobita Minoru về nước, tôi đã dẫn các con của mình đến chào từ biệt người thầy, người cha của mình. Dù ông ấy không còn ở đây nữa nhưng sẽ mãi là người thầy đáng kính của chúng tôi”.
Ngày Tobita Minoru đến với mảnh đất Biên Hòa một cách tự nhiên và ông ngày trở về đất nước Nhật Bản lại rất nặng lòng. Anh Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn nhân sự Kokoro là người mang ơn ông Tobita Minoru rất nhiều và anh luôn mong có cơ hội báo đáp. Anh Toàn chia sẻ: “Hay tin thầy Tobita Minoru sẽ trở về nước nghỉ ngơi tuổi già, tôi và nhiều cựu sinh viên khác đã đóng góp được 100 triệu đồng tặng ông, nhưng ông từ chối nhận cho cá nhân mình. Thay vào đó, ông đề nghị với chúng tôi thành lập một quỹ học bổng mang tên Tobita Minoru như một cách để chúng tôi luôn nhớ về ông. Học bổng sẽ được dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay ngắn hạn mà không tính lãi để giải quyết những khó khăn trước mắt. Chúng tôi hy vọng sau này quỹ sẽ nhận được nhiều hơn sự đóng góp của các cựu sinh viên…”.
Công Nghĩa