Năm 2022 là một năm có nhiều điều đáng nhớ với làng sân khấu. Sau một thời dịch bệnh đầy u ám, đã có những đổi thay buộc người làm nghề phải thay đổi để có thể tiếp sức cho sân khấu sáng đèn.
Năm 2022 là một năm có nhiều điều đáng nhớ với làng sân khấu. Sau một thời dịch bệnh đầy u ám, đã có những đổi thay buộc người làm nghề phải thay đổi để có thể tiếp sức cho sân khấu sáng đèn.
Vở Vương quyền. Ảnh: N.LỘC |
* Một số sân khấu chuyển sang mùa diễn
Ròng rã 2 năm chống cự với dịch bệnh, một số sân khấu gần như kiệt sức. Vì vậy, hồi cuối tháng 4, sân khấu Hoàng Thái Thanh, một sân khấu có tiếng trong làng sân khấu thành phố với thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, đã phải tổ chức họp báo để thông báo việc ngưng diễn định kỳ hàng tuần, chuyển sang mùa diễn.
Với hình thức này, sân khấu gần như đóng lại các vở diễn cũ. Một năm sẽ có chừng 2-3 mùa diễn. Mỗi mùa diễn chỉ dựng và diễn một vở mới, diễn liên tục trong 2-3 tháng đến khi nào hết khán giả thì ngưng. Các vở diễn cũ chỉ có thể sáng đèn nếu có hợp đồng hoặc khán giả yêu cầu.
Trong khi một số người bi quan, than vãn về khó khăn của sân khấu thì vẫn còn những người yêu nghề không chịu khuất phục. Họ vẫn tích cực suy nghĩ, tích cực tìm kiếm để sân khấu vẫn còn cơ hội sáng đèn. Và điều đó lại thêm một tín hiệu lạc quan cho làng sân khấu thành phố trong mùa xuân mới. |
Đến đầu tháng 5, sân khấu kịch Hồng Vân cũng tuyên bố ngưng diễn định kỳ hàng tuần và chuyển sang mùa diễn. Việc hai sân khấu ít nhiều đã tạo nên thương hiệu không thể duy trì sáng đèn hàng tuần khiến nhiều người yêu sân khấu cảm thấy ngậm ngùi. Lý do chủ yếu cho việc dừng lại là thiếu kịch bản hay, phải gồng gánh thuê mặt bằng, diễn viên bị phân tán bởi những loại hình hấp dẫn hơn, khán giả sân khấu ngày càng thưa vắng…
Việc diễn kịch theo mùa diễn này thật ra không phải mới mẻ. Trước đó, sân khấu Idecaf của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã nhiều năm thực hiện mùa diễn với loại hình kịch thiếu nhi, áp dụng cho chương trình Ngày xửa ngày xưa. Năm nào, ông cũng dựng một vở hoành tráng diễn suốt tại nhà hát Bến Thành trong khoảng 1,5 tháng mùa hè với trên dưới 30 suất. Kiểu diễn này ông thường dùng từ “dội bom” và rất hiệu quả, trở thành món ăn tinh thần được các bé và phụ huynh chờ đợi mỗi khi hè về.
Tuy nhiên, sân khấu Idecaf của ông Tuấn có lợi thế nhiều loại hình kịch nên ngoài mùa diễn cho Ngày xửa ngày xưa thì những loại hình nghệ thuật khác như: kịch người lớn, múa rối nước… vẫn sáng đèn quanh năm.
Để khởi đầu mùa diễn sau khi ngưng diễn định kỳ, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã dàn dựng vở Mùi của hạnh phúc diễn được hơn 2 tháng. Nghệ sĩ Ái Như của sân khấu cho biết trong thời gian mùa diễn theo tính toán thì sân khấu có thể lấy lại được chi phí đã đầu tư cho vở. Tuy nhiên, trong những tháng không diễn vở thì sân khấu vẫn phải gồng gánh những chi phí khác như: nhân sự, hành chính, các khoản phí khác để duy trì sân khấu… Vì vậy, để mùa diễn thực sự trở nên hiệu quả và “hồi sức” cho sân khấu vẫn còn lắm nhiêu khê…
* Động lực từ những liên hoan
Trong năm 2021, lý ra sẽ có nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật mang tính chất toàn quốc theo định kỳ 3 năm/lần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên một số cuộc thi từ năm 2021 phải dời sang năm 2022 như: Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 - khu vực phía Nam, Liên hoan cải lương toàn quốc 2021… Năm nay, còn có cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, Liên hoan sân khấu Thủ đô, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, Liên hoan xiếc quốc tế… nên có thể nói sau mùa dịch bệnh trầm lắng thì không khí thi cử có vẻ rất rôm rả. Và trong đó, còn có những cuộc thi còn khiến người làm nghề băn khoăn khi đánh giá của ban giám khảo đôi lúc khiến người ta… bật ngửa!
Vở Mùi của hạnh phúc |
Có những vở ngay sau buổi thi khiến người trong giới “than trời” vì chất lượng kém thế nhưng lại bất ngờ trồi lên nhận giải cao. Những việc xảy ra như thế khiến ít nhiều niềm tin của người làm nghề vào giải thưởng đã bị hao mòn.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực thì ít ra liên hoan cũng góp phần tạo không khí, thúc đẩy người làm nghề sáng tạo sau một mùa dịch bệnh kéo dài đầy hoang mang. Trong những ngày bị “bó chân bó tay” ở yên trong nhà người nghệ sĩ bị dồn nén năng lượng và liên hoan là dịp để họ bung ra khoe với bạn nghề, được gặp lại khán giả. Một số sân khấu tham gia cuộc thi ngoài việc thi thố còn là bước thăm dò xem khán giả có còn nhớ sân khấu, có còn khao khát đến sân khấu sau 2 năm ngưng trệ.
Từ những cuộc thi này có một điều đáng ghi nhận là đang có một lực lượng trẻ vươn lên để khẳng định bản thân. Có những tác giả trẻ như: Phạm Văn Đằng, Quốc Thịnh - Tuyết Mai, Lâm Hữu Tặng… Những đạo diễn trẻ như: Hoàng Tấn, Thái Kim Tùng, Tiết Duy Hòa, Ngọc Hùng, Lê Trung Thảo, Minh Trường, Điền Trung, Chánh Trực… Về lực lượng diễn viên, về phía kịch đã có những Minh Dự, Hoàng Phi, Nam Thư, Quốc Thịnh, Hoàng Vân Anh, Quang Tuấn, Puka, Anh Đức, Hồng Trang…; về cải lương thì có Võ Minh Lâm, Minh Trường, Điền Trung, Nhã Thi, Lê Thanh Thảo, Phương Cẩm Ngọc, Bình Tinh, Thanh Toàn, Hoàng Quốc Thanh…
Con đường nghệ thuật là con đường lắm chông gai và đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài tài năng còn phải luôn nỗ lực hết mình, rèn luyện nghề và giữ gìn đạo đức. Tuy nhiên, với sự xuất hiện và tỏa sáng của những gương mặt trẻ cho người ta một niềm tin về sự nối tiếp, thắp lửa để sân khấu tiếp tục sáng đèn và chinh phục được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
* Những đổi thay để tồn tại
Sân khấu Hồng Vân sau khi tuyên bố ngưng diễn định kỳ thì mới đây vừa gặp gỡ báo giới để thông báo về việc phối hợp với Trường đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) để thành lập sân khấu kịch học đường UEH Theatre.
Sân khấu kịch học đường UEH Theatre mang thông điệp “Stage a play, Stay a culture” (Một sân khấu, một nét văn hóa được gìn giữ). Sân khấu sẽ dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm văn học, điển tích, truyền thuyết lịch sử, dân gian… nổi tiếng trong và ngoài nước dành cho học sinh - sinh viên, giáo viên, giảng viên… các trường THPT, cao đẳng, đại học tại TP.HCM.
Sân khấu cũng sẽ hỗ trợ phương pháp dạy đóng vai, nhập vai. Sau mỗi buổi diễn, khán giả sẽ ngồi lại trao đổi với ê-kíp sáng tạo để hiểu thêm về vở diễn, về quá trình xây dựng nên vở diễn.
Vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc |
Bên cạnh việc dàn dựng và biểu diễn, sân khấu kịch Hồng Vân sẽ phối hợp thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn tìm hiểu về sân khấu kịch, các loại hình nghệ thuật ứng dụng công nghệ, khóa diễn xuất căn bản, sử dụng giọng nói và biểu cảm, ngôn ngữ hình thể, giao tiếp trước công chúng…
Việc hợp tác này giúp các học viên đang học các khóa đào diễn viên tại sân khấu Hồng Vân sau khi tốt nghiệp có cơ hội làm nghề, đồng thời có thêm món ăn tinh thần với giá vé mềm (50 ngàn đồng/vé) dành cho học sinh - sinh viên, góp phần nuôi dưỡng tình yêu kịch nói cho các bạn trẻ.
Người có nhiều bước đi táo bạo và tiên phong phải nói đến ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf. Sau thời dịch bệnh, trong khi các sân khấu khác lao đao, thậm chí có sân khấu phải thu hẹp hoạt động lại nhưng sân khấu Idecaf vẫn liên tục cháy vé.
Vốn là một trong những người đi đầu xây dựng sân khấu kịch xã hội hóa giai đoạn những năm 1990, ông Tuấn được xem là một trong những điển hình khi cùng nghệ sĩ Thành Lộc, đạo diễn Đoàn Khoa, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc… khởi xướng thành lập sân khấu kịch Idecaf. Và sau 25 năm, hiện đây vẫn là cái tên sân khấu xã hội hóa đầy tự hào của TP.HCM và vẫn tiếp tục đứng vững khi tình hình sân khấu nói chung ngày càng khó khăn.
Hơn thế nữa, tháng 11 vừa qua, ông còn phối hợp với Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM ra mắt Nhà hát Thanh Niên (nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh Niên, Q.1, TP.HCM). Ông Tuấn chia sẻ về nhà hát mới: “Tôi và ban giám đốc nhà văn hóa đã làm việc và có sự thống nhất rất cao để xây dựng điểm diễn nơi đây theo mô hình Nhà hát Thanh Niên. Dự án này khiến tôi vui lắm vì cảm giác có được những “nghịch ngợm”, những phá cách mới để có thể thay đổi sân khấu, hướng tới phục vụ khán giả trẻ. Thế hệ khán giả chủ lực của sân khấu hôm nay và trong tương lai. Có thể nói, đây là nhà hát mở nên chúng tôi sẽ không đóng khung, chúng tôi đón nhận tất cả phong cách và thể loại miễn đạo diễn chứng minh cho chúng tôi thấy được sự sáng tạo và sức hút của tác phẩm”.
Vở Khóc giữa trời xanh |
Trong kế hoạch của ông Tuấn, nhà hát này sẽ tạo cơ hội cho lực lượng tác giả, đạo diễn, diễn viên trẻ. Nhà hát sẽ có nhiều loại hình như kịch nói, cải lương, múa rối, nhạc kịch, kịch thiếu nhi… Và tất cả phải hướng tới cách dàn dựng mới mẻ.
Nói là làm, ông Tuấn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để tu sửa nhà hát mới, bổ sung 180 ghế mới, bổ sung ánh sáng, trang bị micro biểu diễn, sửa chữa phòng hóa trang, thay đồ, nâng cấp cách âm cửa... Và ông vẫn còn tiếp tục chỉnh sửa để đảm bảo công tác biểu diễn phục vụ khán giả tốt nhất.
Bước đầu, ông Tuấn cho diễn mở màn nhà hát với sự kiện Ấn tượng 25 năm kịch Idecaf. Trong sự kiện này, ông Huỳnh Anh Tuấn cho diễn lại 5 vở kịch tiêu biểu của Idecaf, mỗi vở diễn liên tục 8-10 suất. Đó là các vở: 12 bà mụ, Tiên Nga, Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê. Thật bất ngờ, cả chục suất vở diễn 12 bà mụ đã liên tục cháy vé khi mở bán trên hệ thống Ticketbox.
Ngay sau đó, ông triển khai thêm các loại hình khác như nhạc kịch với vở Em em chị chị với lực lượng tác giả - đạo diễn - diễn viên đa phần là người trẻ sẽ ra mắt phục vụ khán giả tết này. Với Em em chị chị nói về hậu trường showbiz, ông Tuấn tỏ ra “chịu chơi” khi đầu tư 250 triệu đồng (so với vở kịch thông thường khoảng từ 50-70 triệu đồng/vở), có hẳn một band nhạc sống để nghệ sĩ hát live. Những thay đổi đó với mong muốn đem lại cho sân khấu hơi thở mới, một thay đổi tích cực để mong kéo khán giả đến với sân khấu nhiều hơn.
Sự năng động của ông Tuấn không chỉ kích thích không khí hoạt động ở sân khấu, nhà hát của ông mà nó còn góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, để các sân khấu khác trong thành phố cũng cố gắng tìm kiếm, nỗ lực để tạo động lực cho sự vực dậy của làng sân khấu sau nhiều năm triền miên khó khăn. Và người làm nghề lại nhìn vào đó để hy vọng và mong chờ những thay đổi sáng sủa trong năm mới…
Bên cạnh sự chuyển mình của những sân khấu kể trên, cuối năm nay, với sự hỗ trợ của học trò Việt Hương, nghệ sĩ Minh Nhí cũng ra mắt thêm một sân khấu kịch mới. Đạo diễn Ngọc Hùng từng quản lý ở sân khấu Thế Giới Trẻ đang tính toán trình làng khán giả một điểm diễn mới. Nhóm kịch NSND Hoàng Yến rất thành công với thể loại kịch lịch sử, sau thời gian xây dựng sân khấu Chính kịch Sài Gòn tại điểm diễn trường Múa TP.HCM, nay gặp khó khăn trong việc tiếp tục biểu diễn tại đây cũng đang tìm kiếm một điểm diễn phù hợp. Sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của họ đã tìm được tri âm khi một nhà hảo tâm yêu quý tài trợ thêm nhiều suất diễn nữa. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng tỏ ra hết sức năng nổ khi hợp tác với nhà hát Đà Lạt Opera House đưa hai vở Yêu là thoát tội và Khóc giữa trời xanh lên Đà Lạt lưu diễn. Bước đầu đã tạo được tiếng vang bởi chất lượng hai vở diễn chinh phục được khán giả. Lưu diễn cũng là hình thức mà một số sân khấu, nhà hát, nhóm kịch lưu ý trong việc mở rộng sức sống cho các vở diễn. Vở Yêu là thoát tội được một doanh nhân ở Cần Thơ yêu mến và mời về biểu diễn phục vụ khán giả miền Tây. |
Nguyễn Lộc