Mỗi năm đón Tết một lần
mà sao Xuân đến bâng khuâng lạ thường...?
Mỗi năm đón Tết một lần
mà sao Xuân đến bâng khuâng lạ thường...?
Du khách tham quan, vui chơi tại công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: Huy Anh |
Mỗi độ Xuân về lòng tôi lại bâng khuâng chộn rộn khác lạ, dù tuổi đời đã là một ông già. Và chẳng phải riêng tôi, tháng Chạp trở nên tất bật, náo nhiệt nhất trong năm, cho hiểu rằng đó là tâm lý chung của người Việt. Người chuẩn bị về quê. Người sửa sang cảnh quan nhà cửa. Những cặp tình nhân lứa đôi toan tính lễ cưới... Mỗi người một nỗi chộn rộn lo toan công việc khác nhau, nhưng đều chung một nỗi niềm đón Tết rất hứng khởi.
“Em ơi mùa Xuân đến rồi đó/ Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời/ Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn người/ Đến với muôn đời/ Xuân ước vọng ngàn năm lại tới/Nghe lòng vui phơi phới/ Kìa em nắng đã lên rồi/ Mừng Xuân hát lên thôi...” và biết bao ca khúc khác về mùa Xuân. Những ca từ và giai điệu ấy, các nhạc sĩ và nhà thơ đã thốt lên nỗi niềm của mình, cũng là nỗi niềm chung của người dân Việt. Kẻ mãn nguyện với nhành mai, người tươi rói với cành đào, người người, nhà nhà nhộn nhịp sắm Tết, tôi bỗng nhớ những câu thơ về bài thơ của Xuân Thủy đăng trên báo Xuân (Báo Nhân Dân) trong năm đầu thống nhất đất nước: “Tết đến Sài Gòn dưa hấu đỏ/ Tết về Hà Nội bánh chưng xanh/ Hai miền Tổ quốc giàu phong vị/ Giàu nhất trong ta một tấm tình”; “Đào khoe sắc thắm cười mây bụi/ Nắng ấm Mai ta diện áo vàng/ Hà Nội Sài Gòn vui náo nức/ Muôn màu tô điểm đón Xuân sang”. Rất nhiều điều mong đợi háo hức khi Tết đến, Xuân về, nhưng được đoàn tụ ấm áp cùng gia đình trong bữa cơm cúng gia tiên vẫn là nguyện vọng khát khao nhất. Và có lẽ Tết Việt trở thành linh thiêng, trở thành văn hóa hồn Việt là vì thế.
Trong niềm vui, lại là lúc đánh thức nỗi buồn. Bỗng dưng khóe mắt tôi cay cay và trào lệ khi nghĩ về cái Tết của năm Nhâm Dần (2022). Một cái Tết “khẩu trang”, “giãn cách” là nguyên tắc, không ai tới nhà ai nên người ta cũng chẳng sắm sửa bày biện gì. Cái Tết mà cách đó mấy tháng đại dịch Covid-19 đã cướp đi hàng vạn sinh mạng, để lại hàng trăm trẻ phải mồ côi. Tôi dâng hương giao thừa trước bàn thờ gia tiên, với những ứa trào: xin gia tiên chút hương khói nhỏ nhoi, tưởng niệm hàng ngàn người bởi Covid-19 tử nạn, tưởng niệm hàng trăm anh hùng cứu nạn, chia sẻ bao lòng mất mát, hy sinh...
Xuân Quý Mão 2023 này khác hẳn, không khí đón Tết hứng khởi còn vui hơn những năm bình thường. Cái hứng khởi của lòng dân làm tôi nhớ Tết của một thời lạc hậu đói kém, nhưng nhân dân vẫn rất vui bởi có sức mạnh niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, Chính phủ. Bên bếp lửa hồng nồi bánh chưng, bánh tét của đêm 30 Tết không những sưởi ấm thân thể mong manh trong rét đậm, rét hại mà còn sưởi ấm tinh thần, niềm tin trong giây phút giao thừa được nghe lời chúc Tết và thơ chúc Tết của Bác. Rồi thơ Bác, thơ Tố Hữu cứ lâng lâng sau đó đến thuộc lòng. Đúng là “vui như Tết”!
Một bầu trời nắng hồng cao rộng rợp cánh én thỏa sức chao lượn. Mọi nhà mai, đào khoe sắc, quốc kỳ phấp phới trước ngõ. Gặp mặt, những nụ cười trao nhau rạng rỡ. Cảnh đẹp, người vui đầu Xuân Quý Mão 2023 hẳn là tín hiệu báo đất nước ta đang bước vào thời kỳ hưng thịnh “quốc thái, dân an, vạn sự cát tường”.
Nguyễn Duy Đồng