Người Việt ta thường không gọi tháng đầu tiên theo năm âm lịch là tháng một mà gọi là tháng Giêng.
Người Việt ta thường không gọi tháng đầu tiên theo năm âm lịch là tháng một mà gọi là tháng Giêng.
Có thuyết nói rằng, đó là cách nói trại từ “nguyên nguyệt” (còn gọi là “chính nguyệt”, tháng một theo lịch của người Trung Quốc, phát âm theo tiếng Quảng Đông nghe giống chữ “zuynh”), cũng như tháng Chạp là do nói trại từ “lạp nguyệt” (tháng cuối cùng trong năm của người Trung Quốc).
Cũng có thuyết cho rằng “giêng” là từ nôm, được viết bằng chữ chính và chữ nguyệt trong chữ “chính nguyệt” thành một từ và có sự sắp xếp lại (trong cấu trúc chữ “giêng”, chữ “nguyệt” đứng trước chữ “chính”); tức là từ 2 chữ của người Trung Quốc, cha ông ta đã viết lại thành một chữ và đặt tên mới cho nó là “giêng” - cũng như từ chữ “thiên” và chữ “thượng”, cha ông ta đã sáng tạo thành chữ “trời”…).
Có lẽ thuyết sau đúng hơn, không chỉ thể hiện tinh thần sáng tạo mà còn ở ý thức độc lập, tự chủ, tự tôn của cha ông ta…
Người xưa xếp tháng Giêng là tháng Dần, đứng thứ 3 trong hệ địa chi (sau Tý và Sửu). Dần mang ý nghĩa sống động, chỉ trạng thái phát triển sơ khai của cây cỏ trong khoảng thời gian này tại các vùng Á Đông.
Ông bà xưa có nói: tháng Giêng là tháng ăn chơi… Chắc cha ông ta không phải… ham chơi đâu, nhưng tháng đầu năm còn chưa bắt tay vào làm việc bởi đó là tháng vừa nắng, vừa rét (nhất là ở miền Bắc), không thực sự thuận lợi để làm nông nghiệp. Thu hoạch vụ đông xuân xong thì cũng phải để cho đất nghỉ, rạ mục ải mới có thể cày bừa mà làm những vụ khác. Có lẽ vì thế mà lễ lạt, hành hương nhiều. Không phải chỉ để giải trí, chơi bời mà còn vì tri ân tiền nhân, gìn giữ tập tục của tổ tiên…
Một số lễ hội lớn trong tháng giêng như: lễ hội Lồng Tồng của người Tày; lễ hội cầu an bản Mường của người Mường, người Thái; lễ hội gò Đống Đa; lễ hội chùa Hương; hội Lim; hội Cổ Loa; hội rước pháo làng Đồng Kỵ; lễ hội Yên Tử; lễ hội Đền Bà Đen…
Mà đâu phải chỉ vậy, ngày xưa làm nông nghiệp, cả năm quần quật bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, còn phải chống chọi với thiên tai, địch họa, sức người có hạn nên cần phải nghỉ ngơi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Suốt 11 tháng tích lũy để “ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”, thì tháng Giêng cũng là lúc mọi người thư giãn, vốn được kéo dài từ cuối tháng Chạp.
Đã nghỉ ngơi thì không thể ngồi yên, các trò giải trí vì thế mà được đem ra sử dụng. Cờ người, chọi trâu, chọi gà, đánh phết, đánh cù, đua voi, đua ngựa…, có lẽ những trò chơi này ban đầu vừa rèn luyện sức khỏe, trí tuệ, vừa ôn lại tinh thần thượng võ của dân tộc nhưng sau này có lúc có nơi bị biến tướng thành một loại cờ bạc, đỏ đen…
Nhiều người cho rằng vì khoảng thời gian này có tiết lập xuân, nằm giữa tiết đại hàn (trời lạnh) và tiết vũ thủy (mưa ẩm) nên thời tiết có sự dung hòa giữa các yếu tố lạnh, ẩm, ráo… Vì thế, tháng Giêng trời khá đẹp, nắng nhiều, mưa ít, trời dịu mát, cây cối sinh sôi, cũng là tháng kết đôi. Từ xưa, người Việt ta đã chọn tháng này để thành hôn, cho nên đến giờ vẫn còn câu cửa miệng “ra giêng anh cưới em”.
Trong Nam, ngày trước vẫn còn câu: “Con gái lấy chồng lựa mùa gió bấc/ Con trai lấy vợ lúc gặt vừa xong”. Thực ra đều cùng thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới, lúc mùa màng đã xong, vừa có thời gian rảnh rỗi, vừa có tích lũy để làm đám cưới, xây dựng tổ uyên ương… Cho nên tháng Giêng đã có chơi, còn có ăn, đã ăn ở nhà còn có ăn cỗ của làng, có họ, của xóm giềng…
Vào ngày tháng Giêng, đặc biệt là ngày rằm, nhiều người thường đi lễ chùa (hoặc đi nhà thờ, không nhất thiết là đang theo tôn giáo nào) với mong muốn một năm bình an, may mắn và khỏe mạnh, công việc được hanh thông, thuận lợi, suôn sẻ, mọi thứ đều tốt lành, hay ít nhất cũng cảm thấy lòng thảnh thơi, thanh thản. Trong dịp này, nhiều người cũng hay đi làm việc thiện, bởi gắn việc đi chùa là nên làm những việc tốt, để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Cũng tinh thần ấy, vào ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu), người ta thường phóng sinh, coi như là tích thêm công đức cho bản thân và gia đình.
Nhưng dân gian cũng có sự nhìn nhận khác chút về tháng Giêng. Ca dao có câu: “Tháng một là tháng trồng khoai/ Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà/ Tháng tư cày vỡ ruộng ra/ Tháng năm làm mạ mưa sa đầy đồng…”, hay: “Tháng chạp thời mắc trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà./ Tháng ba cày vỡ ruộng ra/ Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi”, hoặc: “Tháng giêng chân bước đi cày/ Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng/ Thuận mưa lúa tốt đằng đằng/ Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà”… Như vậy, tháng Giêng không chỉ có ăn chơi mà còn là tháng đã có trồng tỉa, bởi quan niệm của cha ông xưa là “tay làm hàm nhai”, “làm biếng ngồi ăn lở núi non”… Nên sau những ngày Tết lại phải bắt tay vào vụ mùa mới. Một đất nước ngàn năm làm nông nghiệp nhưng với thời tiết khó khăn, thiên tai địch họa triền miên, nỗi lo cái đói vào những ngày giáp hạt luôn canh cánh trong lòng mỗi người. Vì vậy, chỉ ăn chơi ít ngày thôi, chỉ ít lễ lạt thôi, cưới nhau rồi thì phải cùng nhau làm lụng để đắp xây và gìn giữ hạnh phúc bền lâu…
Xưa đã vậy, nay càng phát huy. Tháng Giêng tuy là tháng ăn chơi nhưng ăn và chơi cũng nên chừng mực, tiết kiệm, chớ nên lễ lạt, hành hương nhiều ngày, không chuyên tâm làm việc mà chỉ chờ ơn trên ban may mắn thì khó lắm thay!
Nguyễn Minh Hải