Sinh ra và lớn lên trong gia đình có "dòng máu nghệ nhân", nghệ nhân hát dân ca và dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mạ - Ka Rỉn (xã Tà Lài, H.Tân Phú) là một trong số ít người có thể hát được nhiều thể loại âm nhạc truyền thống của người Mạ.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có “dòng máu nghệ nhân”, nghệ nhân hát dân ca và dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mạ - Ka Rỉn (xã Tà Lài, H.Tân Phú) là một trong số ít người có thể hát được nhiều thể loại âm nhạc truyền thống của người Mạ.
Gia đình 3 thế hệ gồm: nghệ nhân Ka Bào, Ka Rỉn, Ka Hương đều biết hát dân ca và dệt thổ cẩm. Ảnh: N.Liên |
Những lời hát ru, khúc hát đồng dao, những bài hát về lao động, hay những câu hát về tình yêu, thậm chí, một thể loại dân ca “khó nhằn” nhất là lối hát tăm pớt độc đáo của người Mạ trong các lễ hội cũng như trong sinh hoạt hằng ngày… đều không thể “làm khó” người nghệ nhân tài ba này.
* Nữ văn công một thời
Tuổi ngoài 50 nhưng khi nhắc về khoảng thời gian làm văn công của Sở VH-TTDL những năm 1990, ánh mắt của nghệ nhân hát dân ca Ka Rỉn vẫn chất chứa muôn vàn cảm xúc về một thời được sống trong niềm đam mê ca hát, được thể hiện những bài hát dân ca của đồng bào, đưa những lời hát của mình đến với công chúng ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về những ngày đi làm văn công của mình, nghệ nhân Ka Rỉn cho biết, thời đó Sở VH-TTDL thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn, giao lưu văn nghệ. Trong tất cả các chương trình biểu diễn, giao lưu, nghệ nhân Ka Rỉn đều đóng góp những tiết mục dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Mạ.
Qua lời ca mộc mạc của nghệ nhân Ka Rỉn, khúc hát tăm pớt nói về tình yêu đôi lứa với những ca từ mộc mạc nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, tinh tế, mang hơi thở của núi rừng như câu hát: “Kỷ niệm ngày ấy, chúng mình lúc mới gặp nhau, kỷ niệm còn đó, những ngày ta là một đôi. Đẹp như đôi cánh diều, trâm cài trên làn tóc dài. Tình mình đẹp đẹp lắm như cây rừng mãi mãi còn xanh…”. Không chỉ có ca từ đẹp, mang hơi thở cuộc sống của người Mạ, câu hát dân ca Mạ còn chất chứa sự lãng mạn, thủy chung qua những lời nhắn nhủ yêu thương như: “Ơi người yêu ơi, em nhớ anh rất nhiều. Kỷ niệm còn đó, sao vội vàng quên. Đừng như lũ chim rừng bay bay mãi mà lạc lối. Hỡi người yêu ơi, em mãi mãi không quên…”. |
Nhiều năm tham gia đoàn văn công của tỉnh, nghệ nhân Ka Rỉn còn đoạt được các giải thưởng trong các chương trình liên hoan, giao lưu văn hóa nghệ thuật. Thời điểm đáng nhớ nhất là vào những năm 1993-1994. Nói về khoảng thời gian ấn tượng này, bà Ka Rỉn đầy tự hào: “Thời đó đoạt giải được giấy khen chứ tiền thưởng không đáng là bao, nhưng vui lắm. Con còn nhỏ, không gửi được ai nên mình đi đâu thì ôm con theo đó. Có thời gian ở suốt trên tỉnh nên vào những tháng nông nhàn thì cả gia đình cùng lên tỉnh ở để mình được đi diễn văn nghệ. Đó là những tháng ngày không thể nào quên được. Khi đó, mình được sống trong môi trường văn nghệ, được hát nhạc truyền thống của đồng bào mình. Mình luôn tự hào về những giá trị văn hóa nghệ thuật của đồng bào Mạ”.
Bà Ka Rỉn thừa hưởng “gen nghệ nhân” từ người mẹ là nghệ nhân Ka Bào - một trong 2 nhân vật được phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát dân gian đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.
Năm nay, dù đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nghệ nhân kỳ cựu Ka Bào vẫn sẵn lòng cất tiếng hát của mình cho con cháu hoặc khách lạ ghé thăm.
Ngồi cạnh người mẹ của mình để tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Mạ, bà Ka Rỉn nhớ về quãng thời gian tuổi thơ ở vùng quê nghèo nhưng luôn “giàu” truyền thống lễ hội. Theo lời bà Ka Rỉn, vào thời đó, mỗi năm đều có những lễ hội như: lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu hoặc trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, đám cưới…, bà cũng như bao người dân Mạ lại được dịp thưởng thức những bài hát dân ca, những bài đồng dao, hát giao duyên, tăm pớt… Cùng với những bài học từ người mẹ nghệ nhân của mình, bà Ka Rỉn dần trở thành giọng hát nổi bật của bản Mạ, trở thành thành viên đội văn nghệ của tỉnh và đi biểu diễn ở khắp nơi.
* “Giữ lửa” văn hóa dân tộc Mạ
Với chất giọng mộc mạc, xen kẽ nội dung câu chuyện với chúng tôi về các thể loại dân ca, nghệ nhân Ka Rỉn đã dùng những câu hát dân ca, đặc biệt là thể loại dân ca độc đáo tăm pớt làm dẫn chứng sinh động cho câu chuyện. Tăm pớt là một loại hình hát kể đối đáp được xem là khó nhất trong các loại hình dân ca của đồng bào Mạ vì lời bài hát được sáng tác theo bối cảnh thực tế tại các lễ hội, trong khi uống rượu cần, trên đường lên nương rẫy hoặc đón khách tới nhà…
Chia sẻ về sự độc đáo trong hát tăm pớt, nghệ nhân Ka Rỉn cho biết: “Không phải ai cũng có thể hát tăm pớt, bởi đây là lối hát kể đối đáp, được sử dụng ở mọi không gian trong cuộc sống. Người hát tăm pớt cần phải có trí nhớ tốt, sự sáng tạo, ứng tác giỏi để đối đáp với đối phương. Hát tăm pớt độc đáo ở chỗ người hát phải ứng tác tại chỗ nên đòi hỏi phải nhanh trí, sáng tạo và có những trải nghiệm trong cuộc sống”.
Với vốn kiến thức sâu sắc về văn hóa dân gian của đồng bào mình, nghệ nhân Ka Rỉn đã truyền lửa đam mê ca hát cho thế hệ sau trong gia đình. Để gìn giữ bản sắc văn hóa, trong sinh hoạt gia đình hằng ngày, nghệ nhân Ka Rỉn luôn yêu cầu các con giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc Mạ, giữ nguyên nếp sinh hoạt của người Mạ. Với tâm huyết gìn giữ giá trị văn hóa đồng bào, nghệ nhân Ka Rỉn đã thành công bước đầu khi truyền đạt cách dệt thổ cẩm và hát một số thể loại dân ca truyền thống của người Mạ cho con gái lớn Ka Ngọc Hương.
Tuy chưa thể hát tăm pớt như mẹ, chưa thể tạo hình được những chi tiết phức tạp khi dệt thổ cẩm, nhưng Ka Ngọc Hương có thể hát các bài dân ca thông dụng và dệt những hoa văn căn bản thổ cẩm để phục vụ cho nhu cầu bản thân.
Ngày nay, xã Tà Lài, vùng đất sinh sống lâu đời của người Mạ, trở thành làng du lịch cộng đồng nổi tiếng trong và ngoài nước với những trải nghiệm không gian sống, ẩm thực, nghề dệt thổ cẩm cũng như thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian của đồng bào Mạ. Sự phát triển mô hình du lịch cộng đồng Tà Lài vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, vừa bảo tồn và phát huy những giá trị về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là những loại hình nghệ thuật hát dân ca.
Chia sẻ về niềm ao ước được truyền lửa, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mạ cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Ka Rỉn cho biết, những nghệ nhân có thể hát dân ca thì còn nhưng hát tăm pớt thì chẳng có mấy người, ngay cả người con gái Ka Ngọc Hương dù đã được dạy hát từ sớm nhưng vẫn chưa thể “thấm” được lối hát tăm pớt đề nối nghiệp bà ngoại và mẹ. Không muốn mai một những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, nghệ nhân Ka Rỉn mong muốn trở thành người truyền lửa, khơi dậy trong lớp trẻ tình yêu, sự trân quý đối với những giá trị văn hóa của người Mạ. Để làm được điều này, nghệ nhân Ka Rỉn rất mong có sự chung tay, hỗ trợ từ các cấp, các ngành, có những chính sách thiết thực để gìn giữ, phát huy, góp phần đưa văn hóa dân tộc Mạ trở thành một trong những nét độc đáo trong dòng chảy văn hóa chung của các dân tộc ở Đồng Nai.
Ngọc Liên