Tiến tới thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp người dân rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện các công việc thuộc đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Tiến tới thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp người dân rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện các công việc thuộc đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Công an H.Vĩnh Cửu đi ca nô đến làm căn cước công dân cho người dân ở các làng bè trên lòng hồ Trị An. Ảnh: K.Liễu |
Việc đẩy nhanh thực hiện Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch xây dựng Chính phủ số và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
* CĐS nhìn từ Đề án 06
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1-7-2021. Đây là một hệ thống thông tin lõi, hệ thống cơ sở dữ liệu “gốc” của toàn bộ công dân Việt Nam, làm trung gian kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để tạo ra sự liên thông dữ liệu, phục vụ quản lý dân cư bằng phương thức hiện đại.
Dữ liệu này sẽ làm căn cứ cho cơ quan nhà nước khai thác, giúp đơn giản hóa các hoạt động hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước thì giờ đây, thông tin sẽ được trích xuất tự động hoặc được cơ quan nhà nước khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần cải cách thủ tục hành chính và tạo ra các tiện ích tối đa cho người dân.
Sở TT-TT đang thực hiện nâng cấp tính bảo mật, an toàn của hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn. Khi công việc này hoàn tất, kịp thời kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết tất cả các thủ tục hành chính công thiết yếu cho người dân theo mục tiêu của Đề án 06. |
Đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết, với mục tiêu phục vụ 5 nhóm tiện ích: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội; công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, Đề án 06 của Chính phủ đang tạo đột phá trong CĐS.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới là: hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin - viễn thông, tạo nền tảng CĐS quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đề án 06 là bước triển khai quan trọng để thực hiện khâu đột phá chiến lược này. Mục tiêu tổng quát của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp chương trình CĐS quốc gia.
* Những lợi ích thiết thực mang lại
Để cụ thể hóa các mục tiêu Đề án 06, năm 2022, UBND tỉnh vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các cấp, ngành bám sát từng nội dung cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, lợi ích của đề án giúp người dân nắm rõ, hiểu sâu, tham gia thực hiện.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, đến nay đã có 21/25 dịch vụ thiết yếu đã được triển khai thực hiện trên môi trường điện tử. Công an tỉnh đã triển khai 6/11 dịch vụ công thiết yếu mức độ 3, 4. Người dân có thể thực hiện các dịch vụ công như: đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú, cấp hộ chiếu, làm con dấu… thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông Nguyễn Phúc Am (ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) phấn khởi nhận căn cước công dân do công an trao tại nhà. Trước đó, ông được tổ công tác đến nhà thu nhận thông tin làm thẻ căn cước công dân |
Hiện nay, Sở Tư pháp kết nối liên thông phần mềm quản lý liên thông một cửa, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hệ thống thông tin quản lý hộ tịch, quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp. Người dân có thể ngồi ở nhà đăng ký trực tuyến đối với các thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn…
Việc giải quyết trợ cấp thất nghiệp cũng được thực hiện qua cổng dịch vụ công. Ngoài ra, Sở LĐ-TBXH đã cắt giảm toàn bộ thành phần hồ sơ là giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu với 31 thủ tục cấp tỉnh, huyện, xã và triển khai kết nối dịch vụ công quốc gia cấp độ 4. Các thủ tục cấp mới từ điện lưới hạ áp, thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện… được Công ty Điện lực Đồng Nai triển khai trên cổng dịch vụ công.
Một số ứng dụng của thẻ CCCD gắn chíp điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực, điển hình như: sử dụng thẻ CCCD tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế. Hiện có 89% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm xã hội đã hoàn thành thực hiện kết nối, tích hợp hệ thống xác thực, định danh điện tử của Bộ Công an qua Cổng dịch vụ công quốc gia; cài đặt đăng ký thành công ứng dụng VissID cho hơn 766 ngàn người tham gia…
Công an P.Long Bình (TP.Biên Hòa) hướng dẫn người dân hoàn tất thủ tục làm căn cước công dân |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các kết quả bước đầu thực hiện Đề án 06 đang góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CĐS. Tuy nhiên, khối lượng công việc thực hiện theo lộ trình Đề án 06 rất lớn, có nhiều nội dung mới, chưa có tiền lệ. Một bộ phận người dân còn hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ số; còn gặp khó khăn trong đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến; chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính…
Tại hội nghị tập huấn Đề án 06 năm 2022 vào ngày 5-12-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương gấp rút triển khai thực hiện Đề án 06 nhằm đảm bảo yêu cầu tiến độ đã đề ra. Trong đó, cần tập trung làm sạch dữ liệu chuyên ngành để kết nối, khai thác, xác thực thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp, đảm bảo không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu theo đúng quy định Luật Cư trú năm 2020; đẩy nhanh triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, sử dụng phù hợp, hiệu quả 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết các thủ tục hành chính…
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID để làm hộ chiếu online |
Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để người dân sử dụng VNeID tài khoản mức 2 tương đương với thẻ CCCD, bảo hiểm y tế trong quá trình giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính. Chỉ đạo các đơn vị chức năng chấp nhận việc người dân xuất trình các giấy tờ tùy thân thông qua tài khoản VNeID
mức 2.
Tại hội nghị tập huấn Đề án 06 năm 2022 vào ngày 5-12-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG đã kiến nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an tiếp tục đồng hành, hỗ trợ UBND tỉnh trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, có giải pháp khắc phục về an ninh, an toàn, sớm kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đảm bảo các điều kiện không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Kim Liễu