Báo Đồng Nai điện tử
En

Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Nhận diện rõ thách thức, tận dụng thời cơ, hành động hiệu quả đưa Đồng Nai phát triển bền vững

03:01, 19/01/2023

Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai nhân dịp Xuân Quý Mão, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho rằng, năm 2023 sẽ là năm Đồng Nai phải "tăng tốc" mới có thể "về đích" thắng lợi vào cuối nhiệm kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Huy Anh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Huy Anh

Năm 2023 là năm thứ 3 Đồng Nai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đề ra đến năm 2025. Vì vậy, năm 2022, dù Đồng Nai là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và cả nước song cần thêm nhiều hơn nữa sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị để tận dụng thời cơ, biến thách thức thành cơ hội thúc đẩy hơn nữa cho sự phát triển.

Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai nhân dịp Xuân Quý Mão, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho rằng, năm 2023 sẽ là năm Đồng Nai phải “tăng tốc” mới có thể “về đích” thắng lợi vào cuối nhiệm kỳ.

Nhận diện thách thức

* Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đâu là thuận lợi và khó khăn của Đồng Nai trong năm 2023 này?

- Thuận lợi lớn mà Đồng Nai có được chính là kết quả ấn tượng trong phục hồi kinh tế của năm 2022 với mức tăng trưởng GRDP tăng 9,22%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, các dự án quan trọng cấp quốc gia, các dự án giao thông liên kết vùng trên địa bàn tỉnh đang được tập trung triển khai sẽ mang lại nhiều động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế của tỉnh, tiếp tục tạo ra những bước phát triển mới. Quan trọng hơn là chúng ta đang có sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận rất cao từ nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vì sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng đối với quá trình phát triển tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tôi gửi lời kính chúc toàn thể nhân dân một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Năm 2023 được dự báo là kinh tế sẽ gặp phải nhiều khó khăn, đời sống nhân dân cũng sẽ bị ảnh hưởng, do đó các cấp ủy, chính quyền địa phương, các mạnh thường quân cần quan tâm, chung tay, góp sức sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội để toàn thể nhân dân tỉnh nhà đón Tết an vui.

 

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức, rủi ro, nhất là ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, một số tín hiệu của kinh tế toàn cầu suy thoái; DN gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị suy giảm, thiếu đơn hàng sản xuất; nhiều dự án đầu tư công chậm giải ngân, kéo dài…

Đây là những khó khăn được dự báo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

* Để kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững, thách thức đặt ra cho Đồng Nai là gì, thưa đồng chí?

- Phát triển kinh tế của chúng ta trước đây thúc đẩy theo chiều rộng, điều này đồng nghĩa với việc thâm dụng lao động, yếu tố công nghệ không cao, sử dụng nhiều đất, chi phí có lãi nhưng không lãi nhiều, giá trị gia tăng không cao. Giống như một người làm nông nghiệp thủ công với một người làm nông nghiệp bằng máy móc. Do đó, phát triển theo chiều sâu sẽ tạo nên sự thịnh vượng cho xã hội chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề có cơm ăn, áo mặc mà phải giàu có lên, nghĩa là người lao động sẽ có thu nhập cao hơn, có cuộc sống tốt hơn. Muốn vậy thì mô hình tăng trưởng mới đòi hỏi phải thu hút đầu tư có chọn lọc. Như trước đây thu hút 100 DN mới thu được 100 tỷ đồng tiền thuế thì hiện chỉ cần thu hút 2 DN thôi là đã có thể thu 100 tỷ đồng tiền thuế. Hay trước đây sử dụng 1 ngàn lao động mới thu được 100 tỷ đồng tiền thuế, giờ sử dụng 200 lao động đã có thể thu được 100 tỷ đồng tiền thuế rồi…  Phải thu hút đầu tư có chọc lọc, ưu tiên những dự án có hàm lượng chất xám cao để đem lại giá trị gia tăng tốt nhất.

Thách thức lớn của Đồng Nai khi phát triển kinh tế theo chiều sâu chính là làm sao tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề, có tri thức để phục vụ các dự án có hàm lượng chất xám cao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội.

* Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về 3 thách thức này?

- Trước hết, thách thức về lực lượng lao động. Đồng Nai hiện có hơn 1 triệu lao động nhưng hơn 50% là lao động phổ thông không qua đào tạo, chủ yếu là gia công, lắp ráp đơn giản, chỉ biết làm một công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Khi chúng ta không còn thu hút những dự án sử dụng thâm dụng lao động nữa mà thu hút những dự án đòi hỏi lao động tay nghề cao, lực lượng lao động này sẽ dôi dư.

Bất cập là ở chỗ, hiện nay đội ngũ lao động kỹ thuật cao chúng ta đang rất thiếu trong khi lại thừa lao động phổ thông. Do đó, vấn đề đặt ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: tất cả học sinh mới ra trường dứt khoát phải được dạy nghề và trang bị kỹ năng làm việc để tiếp cận với những dự án có hàm lượng chất xám cao, còn một bộ phận lao động phổ thông phải được chuyển đổi, đào tạo lại thành lao động có tay nghề để họ có thể làm việc ở những DN đòi hỏi có tay nghề chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu của DN.

Bà Trần Thị Sương, Giám đốc Công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất (phải) giới thiệu với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác các sản phẩm nông nghiệp được chế biến tại Công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI www.baodongnai.com.vn TÒA SOẠN: 15 Võ Thị Sáu, TP. Biên Hòa ĐT : 0251.3942427 Fax: 0251.3847338 Email: toasoanbdn@gmail.com 0915.73.44.73 ���ng ��y nóng Giá 3.800 đồng BÁO PHÁT HÀNH HẰNG NGÀY SỐ BÁO HÔM NAY CÓ 16 TRANG Số 4516 NĂM THỨ BỐN MƯƠI BẢY THỨ SÁU 25-2-2022 (25 THÁNG 1, NHÂM DẦN) Nguyễn Phượng KỶ NIỆM 85 NĂM THÀNH LẬP TỈNH ỦY LÂM THỜI BIÊN HÒA (1937-2022) Phát huy truyền thống quê hương anh hùng Ảnh: HUY ANH
Bà Trần Thị Sương, Giám đốc Công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất (phải) giới thiệu với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác các sản phẩm nông nghiệp được chế biến tại Công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất.  Ảnh: HUY ANH

Thách thức về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nói đến vấn đề này là nói đến câu chuyện quy hoạch. Phải thừa nhận một thực tế là quy hoạch của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, làm cho chúng ta bị động và mất kiểm soát trong quá trình phát triển. Như TP.Biên Hòa hiện nay rất thiếu các hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, thiếu không gian cho các phúc lợi xã hội, chất lượng sống của người dân bị giảm sút nhưng bây giờ phải quy hoạch lại như thế nào? Cụ thể như P.Trảng Dài, P.Long Bình trước đây phát triển mất kiểm soát, bây giờ phải quy hoạch lại, mà quy hoạch lại thì phải di dời người dân, kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp khác có liên quan.

Hay Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thay đổi công năng, di dời DN đã khó, di dời dân còn khó hơn nữa. Di dời xong phải làm hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị thì mới bố trí lại, chỉnh trang lại đô thị. Bởi thực tế có nhiều thành phố chỉnh trang không nổi, đành chấp nhận cái cũ, tiến hành quy hoạch thành phố mới vì tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng tốn kém vô cùng, không đủ nguồn lực để thực hiện. Nên câu chuyện quản lý nhà nước về tầm nhìn quy hoạch, định hình không gian phát triển cho tương lai là thách thức không nhỏ đối với mọi đô thị.

Thách thức thứ 3 là về đội ngũ cán bộ. Cùng một chính sách pháp luật, cùng một cơ hội phát triển, cùng một lợi thế nhưng có tỉnh lại thu hút được nhiều dự án tốt, có tỉnh lại không “kéo” được dự án tốt về; có tỉnh thu ngân sách tốt, tỉnh lại không thu ngân sách tốt bằng, đó là do đội ngũ cán bộ, người dẫn dắt sự phát triển của địa phương, đơn vị.

Do vậy, cần phải hun đúc, xây dựng một đội ngũ cán bộ thực sự nỗ lực cho quê hương phát triển, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Tất nhiên, đi kèm với đó là các chế độ, chính sách có liên quan để trọng dụng những người vừa có tài, vừa có đức vào làm việc trong bộ máy. Đấy là câu chuyện không dễ thực hiện, không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.

Nỗ lực nhiều hơn

* Năm 2022, đồng chí đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế nhiều công trình trọng điểm, làm việc với cấp ủy các địa phương để lắng nghe những vấn đề mà người dân quan tâm. Qua những chuyến đi thực tế này, là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, đồng chí đã lắng nghe được những gì và điều này góp phần ra sao trong công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là đối với những vấn đề mang tính cấp thiết của Đồng Nai?

- Mong muốn của tôi sau mỗi chuyến đi là nhận diện xem tỉnh đã hoạt động hiệu quả những vấn đề gì và vấn đề nào cần tiếp tục quan tâm, thay đổi để hiệu quả hơn. Ví dụ như khi đi về những xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, rõ ràng là trong 15 năm qua, Đồng Nai đã đạt được những kết quả rất tốt. Nhưng qua đó vẫn nhận diện được những vấn đề cần nỗ lực nhiều hơn, ví dụ như: nước sạch cho dân, nhiều xã nông thôn mới nhưng nước máy cho dân còn ít quá; hay thu nhập của người dân nông thôn ở một số xã nông thôn mới cũng còn thấp.

Đi để nhận diện xem còn vấn đề gì đặt ra để tiếp tục hành động, tiếp tục tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.

* Đồng Nai hiện có nhiều dự án giao thông đang được triển khai, dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của tỉnh. Đánh giá của đồng chí về khả năng hoàn thành một số dự án giao thông trọng điểm trong năm 2023 này ra sao?

- Giao thông ở Đồng Nai được chia thành 2 loại: giao thông nội ô và giao thông kết nối vùng.

Giao thông kết nối vùng thì hiện nay tỉnh có nhiều dự án tốt như các đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Long Thành - Bến Lức, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3, đường vành đai 4… Những tuyến kết nối này đòi hỏi chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai đúng tiến độ, sớm đi vào sử dụng, phục vụ nhu cầu của người dân và xã hội.

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nghe báo cáo các phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nghe báo cáo các phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái

Về giao thông nội ô, quy hoạch của chúng ta trước đây chưa được căn cơ và quản lý quy hoạch trong thế bị động. Chúng ta đã phát triển mất kiểm soát trong thời gian qua nên bây giờ buộc phải quy hoạch lại theo chuẩn giao thông nội ô. Nguồn lực để thực hiện là một khó khăn đòi hỏi phải nỗ lực lớn để làm sao giao thông nội ô không xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe mà thông thoáng, hợp lý giữa các hướng, tuyến…

Cả giao thông kết nối vùng và nội ô đều đòi hỏi nguồn lực bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai dự án rất lớn. Bên cạnh đó, giao thông phải đồng bộ với hệ thống hạ tầng đô thị như: vỉa hè, cây xanh, điện, thoát nước, chống ngập úng… Chúng ta có thuận lợi là nằm ven sông Đồng Nai nhưng hệ thống thoát nước ra sông và giải quyết vấn đề ngập nước trong đô thị chưa căn cơ nên đòi hỏi sắp tới phải triển khai các dự án về thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, nước mưa trong đô thị một cách bài bản nhằm từng bước xây dựng và phát triển, thay đổi diện mạo đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, mở rộng không gian xanh, không gian công cộng phục vụ nhân dân.

* Trong 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh đặt ra trong năm 2023 có nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của nhiệm vụ này đối với Đồng Nai và làm gì để quy hoạch của Đồng Nai đóng góp tích cực vào quy hoạch vùng, quốc gia?

- Quy hoạch là mấu chốt của sự phát triển, do đó quy hoạch phải đi trước một bước nhằm đảm bảo sự định hướng lâu dài và hài hòa trong không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh và vùng lân cận. Trong năm 2023, tỉnh sẽ thực hiện quy hoạch toàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch một số vùng, đô thị lớn (như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch...) đảm bảo phù hợp với thực tế, định hướng phát triển, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển. Làm sao quy hoạch vùng đất Đồng Nai giàu tiềm năng, phát huy được tất cả lợi thế so sánh của Đồng Nai là một nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng, bởi tương lai của Đồng Nai thể hiện trong quy hoạch.

Tỉnh sẽ tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên - môi trường… Có quy hoạch là tốt nhưng quản lý quy hoạch, thực hiện theo quy hoạch nghiêm minh mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp để dẫn dắt Đồng Nai phát triển đúng quy hoạch và thúc đẩy thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự nhân dân

* Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ lớn được Đảng ta đặc biệt chú trọng. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện ra sao trong năm 2023, thưa đồng chí?

- Công tác xây dựng Đảng thực chất là công tác cán bộ. Chúng ta giám sát, kiểm tra cũng nhằm cảnh báo, ngăn ngừa sai phạm và xây dựng được một đội ngũ cán bộ có ý thức không vi phạm pháp luật. Chúng ta làm công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ cũng là để xác định cho cán bộ có tư tưởng phụng sự nhân dân và toàn tâm toàn ý đối với công việc. Mục tiêu trong công tác xây dựng Đảng là làm sao tạo ra được đội ngũ cán bộ phục vụ nhân dân. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để xây dựng được một đội ngũ cán bộ tốt. Đội ngũ cán bộ tốt phải có tư tưởng tốt, hành động tốt, không vi phạm pháp luật, quản lý, thực thi nhiệm vụ tốt. Bên cạnh đó, chúng ta phải mạnh mẽ bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh.

Xây dựng bộ máy chính trị, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ DN để hình thành được một bộ máy thực sự vì sự phát triển của Đồng Nai chứ không vì mục đích nào khác.

Nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ tốt, có bộ máy phục vụ tốt, có những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng thực sự công tâm, khách quan, lấy lợi ích của nhân dân làm đầu thì sẽ tạo ra sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp động viên toàn xã hội, chắc chắn tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển bền vững.

* Trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng gần đây đều đề cập đến vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, vai trò này càng phải được phát huy ra sao, thưa đồng chí?

- Trong xã hội, đảng viên là những người đi trước để làng nước theo sau nên đảng viên phải gương mẫu. Trong tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu. Người đứng đầu mà gương mẫu chỉ cần nói một tiếng cấp dưới sẽ nghe ngay còn nếu không gương mẫu sẽ rất khó lãnh đạo. Vì vậy, những yêu cầu đối với người đứng đầu phải luôn được đặt ra cao hơn nhằm phát huy vai trò, chức trách nhiệm vụ được giao. Do đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn tư cách đạo đức, tránh sa vào cám dỗ, rèn luyện năng lực hành động, nâng cao ý thức trách nhiệm, có tầm nhìn, tâm huyết với công việc.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Đa số cán bộ của Đồng Nai hiện nay là rất tốt, rất nỗ lực, cố gắng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm của mình là phụng sự nhân dân. Tất nhiên, vẫn có một bộ phận nhỏ cán bộ làm việc chưa hết trách nhiệm, thậm chí có cán bộ vi phạm pháp luật nên phải cố gắng giáo dục, động viên để đội ngũ chúng ta đều hoàn thành nhiệm vụ của mình thật tốt và tuyệt đối không vi phạm pháp luật.

NGUYỄN PHƯỢNG (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều