Báo Đồng Nai điện tử
En

TS. Trần Đức Anh Sơn: Cần quảng bá rộng rãi hơn các chứng cứ về chủ quyền biển đảo

05:07, 30/07/2016

Được xem là một trong những học giả có các tư liệu và nghiên cứu đáng giá nhất về Hoàng Sa - Trường Sa, TS. Trần Đức Anh Sơn đã có khoảng 10 năm tập trung nghiên cứu về chủ đề này với rất nhiều nguồn tư liệu, chứng cứ trong và ngoài nước.

Được xem là một trong những học giả có các tư liệu và nghiên cứu đáng giá nhất về Hoàng Sa - Trường Sa, TS. Trần Đức Anh Sơn đã có khoảng 10 năm tập trung nghiên cứu về chủ đề này với rất nhiều nguồn tư liệu, chứng cứ trong và ngoài nước. Từ nguồn tư liệu của ông và đồng sự, hàng chục cuộc triển lãm, thông tin về chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được tổ chức trong và ngoài nước.

TS.Sơn từng làm việc tại Huế trong lĩnh vực khảo cổ học và bảo tàng. Năm 2009, ông chuyển về làm việc tại Đà Nẵng và được giao chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Fond tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng”.

Chính thức sưu tầm tất cả tư liệu liên quan đến chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 2009, song thực tế từ trước đó khá lâu, ông đã tập trung vào chủ đề này khi nghiên cứu về văn hóa biển Việt Nam: văn hóa, tập tục, tín ngưỡng, không gian kinh tế… đều có những cứ liệu liên quan đến 2 quần đảo quan trọng này.

* Quảng bá chứng cứ của ta còn yếu

 Khi thực hiện các công trình nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa, ông tiếp cận nguồn tư liệu và chứng cứ nào là chính, trong nước hay ngoài nước?

- Một số nhà nghiên cứu chỉ chuyên sâu nghiên cứu các tài liệu trong các kho lưu trữ trong nước hoặc trên mạng internet. Song tôi có chút may mắn hơn là được đi nước ngoài nhiều nên có nhiều kinh nghiệm sưu tầm tư liệu ở nước ngoài. Theo tôi, việc sưu tầm tư liệu trong nước có nhiều khó khăn: khó tìm do khâu bảo quản tư liệu yếu; ở một số nơi thủ tục khá rườm rà khi muốn tiếp cận tư liệu… Vì vậy tôi tìm tư liệu ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… và tổ chức được một cuộc triển lãm vào năm 2013 tại Đà Nẵng với tên “Những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và thu thập tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Đặc biệt, từ tháng 9-2015 đến 6-2016, nhờ học bổng của Chương trình học giả Fulbright (do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp), tôi có cơ hội nghiên cứu tiếp đề tài chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa tại các thư viện lớn ở Hoa Kỳ, như: Thư viện Đại học Yale, Thư viện Đại học Harvard, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ… Ngoài ra, tôi còn tìm kiếm tư liệu từ các thư viện khác ở Hoa Kỳ và các nước khác thông qua mạng internet cũng như sưu tập thêm nhiều tư liệu quý để bổ túc cho quá trình nghiên cứu của mình về chủ đề này.

 Có quá khó khăn khi tiếp cận các nguồn tư liệu quốc tế về chủ đề này không, thưa ông?

- Thực tế là tiếp cận các nguồn tư liệu quốc tế lại dễ dàng hơn so với tiếp cận một số nguồn tư liệu trong nước. Thứ nhất là do họ lưu trữ tốt hơn, quản lý bằng mạng internet, nhiều tư liệu đã được số hóa và lập thư mục đầy đủ nên rất thuận tiện trong việc tiếp cận và khai thác. Nhưng quan trọng nhất là họ luôn hỗ trợ độc giả tiếp cận và sử dụng kho tư liệu mà họ có. Các thư viện, văn khố ở các nước: Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nhật... chúng tôi đều tiếp cận dễ dàng và được hỗ trợ rất nhiệt tình. Trong khi đó, việc tìm kiếm tư liệu trong nước thì lại gặp nhiều khó khăn bởi việc quản lý, lưu trữ yếu; hệ thống hạ tầng thông tin để tra cứu kém và đôi khi chúng tôi gặp phải thái độ e dè hoặc đối mặt với nhiều thủ tục phiền phức, rắc rối khi tiếp cận và khai thác tư liệu. Nhiều học giả khác cũng gặp tình trạng này như tôi khi cố gắng thu thập tư liệu từ các thư viện, kho lưu trữ ở Việt Nam. Tôi nghĩ các cơ quan hữu quan ở Việt Nam cần xem lại cách quản lý tư liệu hiện nay.

 Tất cả các tư liệu quốc tế có khẳng định gì về chủ quyền của các quần đảo này không, thưa ông?

- Bản thân tư liệu thường không tự thân khẳng định điều gì cả. Đó chỉ là những chứng cứ, còn việc sử dụng những chứng cứ đó để khẳng định chủ quyền của Việt Nam là công việc của những nhà nghiên cứu, những chuyên gia pháp lý và của Nhà nước Việt Nam. Trong thời gian qua, phía Trung Quốc lại in rất nhiều sách vở khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa (họ gọi là Tây Sa - Nam Sa) là của họ, từ tư liệu lịch sử, pháp lý đến truyện tranh, thơ ca… và dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp rồi gửi tặng cho các thư viện trên thế giới để khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của họ. Trong khi đó, chúng ta lại rất hạn chế tuyên truyền, phổ biến tài liệu chứng mình Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam ở trên các diễn đàn quốc tế. Tôi đơn cử một việc: Thư viện Đại học Harvard mỗi năm nhập khoảng 30 ngàn đầu sách từ Trung Quốc đủ thể loại, trong khi chỉ có khoảng 1 ngàn đầu sách đến từ Việt Nam. Do đó, cô thủ thư kho sách tiếng Việt tại thư viện này đã nói với tôi một câu khá buồn là: “Trung Quốc không chỉ xâm lấn chúng ta ở trên đất liền và trên Biển Đông, họ còn xâm lấn chúng ta ở ngay cả trong thư viện này”.

* Không nên “bài Trung” một cách quá khích

 Suy nghĩ cá nhân ông về vấn đề giành lại chủ quyền của chúng ta trên 2 quần đảo, dưới góc độ một nhà nghiên cứu chủ đề này?

Khi nghiên cứu tại Đại học Yale (Hoa Kỳ) trong 10 tháng qua, tôi đã vận động tổ chức một hội thảo quốc tế “Xung đột ở Biển Đông” và đã mời các học giả quốc tế từ Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Canada, Philippines, Hoa Kỳ tham dự. Họ đều cho rằng Việt Nam có nhiều cứ liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng việc công bố những tư liệu này ra thế giới còn yếu quá. Quan sát của tôi là cho đến nay, việc công bố những tư liệu lại chủ yếu là do nỗ lực của các cá nhân, chứ chưa có một chương trình quốc gia nào cho vấn đề này, trong khi bản thân các học giả không đủ sức để làm việc này ở quy mô lớn hơn. Đây là một thiệt thòi lớn.

- “Cuộc chiến này” ngày càng khó khăn hơn. Ngay cả bây giờ khi Tòa Trọng tài thường trực của Liên hiệp Quốc đã ra phán quyết “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý thì tình hình vẫn rất phức tạp. Ngoài ra, chúng ta cần có cái nhìn thực tế hơn trong phán quyết của vụ kiện này. Lợi thế lớn nhất ở chỗ tòa tuyên bố “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đề xuất là vô giá trị, và không chỉ Philippines mà Việt Nam cũng được hưởng lợi từ phán quyết này: từ nay Trung Quốc không có quyền ra lệnh cấm đánh bắt cá phi lý ở trên Biển Đông nữa, cũng không có quyền tấn công ngư dân hay xua đuổi tàu bè. Trung Quốc cũng không có quyền bày vẽ ra các vụ “thăm dò” như vụ đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào trong vùng biển của Việt Nam như đã làm vào năm 2014. Những vụ việc kiểu đó sẽ bị quốc tế lên án.

Theo tôi về cơ bản phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc vào ngày 12-7 vừa qua là một thắng lợi của công lý quốc tế, và Việt Nam “được nhiều hơn mất”.

 Có khả năng Trung Quốc phớt lờ phán quyết này và “xem như không có gì xảy ra” không?

- Đương nhiên, Trung Quốc sẽ tỏ ra không quan tâm đến phán quyết này. Tuy nhiên, việc dùng luật pháp quốc tế để ra phán quyết ai đúng, ai sai được đánh giá là một “shamefare”, nghĩa là làm cho Trung Quốc xấu hổ, bị mất mặt. Qua đó buộc Trung Quốc phải thay đổi lối hành xử ngang ngược hiện nay để đối phó với sức ép của dư luận quốc tế. Các nước nhỏ sẽ bắt tay với nhau, dùng các thủ tục tố tụng để tố cáo Trung Quốc, hết nước này đến nước khác, lần này đến lần khác sẽ khiến Trung Quốc lúng túng đối phó. Cùng với áp lực từ dư luận quốc tế, tôi nghĩ lâu dần Trung Quốc sẽ thay đổi thái độ để giữ thể diện của mình và phát huy “sức mạnh mềm” như họ đang cố làm bấy lâu nay.

 Quan điểm của ông về việc một số nhà hàng, dịch vụ, khu du lịch Việt Nam từ chối khách Trung Quốc hoặc các hành vi quá khích?

- Thật sự tôi nghĩ chúng ta không có quyền từ chối phục vụ mà không có lý do cụ thể, vì Việt Nam đã chấp nhận cấp thị thực cho người Trung Quốc vào Việt Nam du lịch thì chúng ta phải đối xử với họ như những khách du lịch khác. Chúng ta chỉ có quyền xử phạt khi họ hành xử sai, như: gây rối trật tự công cộng, hành nghề không có giấy phép… Chúng ta có quyền từ chối không cho họ tham quan các di tích lịch sử khi họ có hành vi hướng dẫn xuyên tạc sai trái, thuyết minh sai, trả tiền bằng nhân dân tệ, ồn ào, không tuân thủ nội quy… Còn việc phân biệt đối xử hoặc kỳ thị mà không có lý do thì theo tôi là không đúng.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 
 

 

Tin xem nhiều