Báo Đồng Nai điện tử
En

Khí thế thi đua xây dựng xã hội học tập

Hải Yến
09:40, 17/06/2023

Ngày 10-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập (XHHT), đẩy mạnh học tập suốt đời (HTSĐ) giai đoạn 2023-2030.

Lễ phát động được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khí thế thi đua xây dựng XHHT trong toàn dân.

Công dân học tập là mô hình nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập. Ảnh: Hải Yến
Công dân học tập là mô hình nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập. Trong ảnh: Người Chăm ở xã Bình Sơn, H.Long Thành đọc sách tại thư viện cộng đồng của xã. Ảnh: Hải Yến

* Xây dựng XHHT là xu hướng tất yếu

TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, HTSĐ chính là chìa khóa của thế kỷ XXI, vượt xa hơn sự phân chia truyền thống giữa giáo dục ban đầu và giáo dục thường xuyên. Xu hướng giáo dục toàn cầu hiện nay yêu cầu các nền giáo dục buộc phải chuyển dịch theo hướng mở và HTSĐ, các xã hội cần thiết phải phát triển theo hướng trở thành XHHT.

“Nhiệm vụ thúc đẩy HTSĐ và xây dựng XHHT đã trở thành một hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để bảo đảm sự phát triển thịnh vượng, nhân văn, bền vững trong bối cảnh hiện nay” - TS Ngô Thị Minh cho hay.

Tại Việt Nam, HTSĐ và xây dựng XHHT luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt đề án giai đoạn 2012-2020 và giai đoạn 2021-2030.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, trải qua các giai đoạn triển khai đề án, đến nay giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Theo đó, nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng XHHT ở một số địa phương, đơn vị còn chưa đúng mức; tầm quan trọng và lợi ích của tự học, học thường xuyên, HTSĐ chưa được nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ TRẦN HỒNG HÀ tại buổi làm việc với HKH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cách tiếp cận mới, chủ động triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, HTSĐ; quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế, môi trường cho XHHT, phục vụ HTSĐ trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

Do đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết, tác động, lợi ích của HTSĐ và xây dựng XHHT là vấn đề được đặt ra.

TS Ngô Thị Minh khẳng định: “Cần phải xem việc xây dựng XHHT, thúc đẩy HTSĐ là việc làm tất yếu. Việc xây dựng XHHT phải gắn với các tiêu chí cụ thể, phù hợp, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước, của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội”.

* Tạo khí thế thi đua sôi nổi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cần phải gắn kết chặt chẽ phong trào Cả nước thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh HTSĐ giai đoạn 2023-2030 với các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, bám sát xu thế phát triển XHHT của thế giới, đặc biệt là các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ về xây dựng nền giáo dục có chất lượng và 4 trụ cột của UNESCO “Học để chung sống; học để biết; học để làm và học để tồn tại”.

GS-TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam cho biết, HKH coi cuộc thi đua do Thủ tướng phát động là dấu ấn quan trọng, là động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập nhằm nâng cao dân trí, bồi đắp tri thức để phát triển bền vững, đưa đất nước phát triển bằng tri thức và bằng sức sáng tạo của tất cả người dân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Sau lễ phát động, HKH sẽ xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống Hội với những nội dung, tiêu chí và giải pháp cụ thể nhằm triển khai các nội dung có liên quan trong phong trào thi đua này. HKH sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết định kỳ để rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình hoạt động.

Tại Đồng Nai, việc xây dựng XHHT đang được đẩy mạnh, trong đó việc thúc đẩy mô hình Công dân học tập được coi là nòng cốt. Theo đó, HKH các cấp đã tổ chức tập huấn bộ công cụ đánh giá tiêu chí công dân học tập. Đến nay, công tác tập huấn ở tuyến tỉnh, huyện đã hoàn tất. Ở cấp xã, đã có hơn 50% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tiến hành tập huấn. Đây là cơ sở để tuyên truyền, thúc đẩy thực hiện mô hình Công dân học tập.

Hải Yến

 

Tin xem nhiều