Khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Đồng Nai gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, vừa phải căng mình chống đại dịch Covid-19, vừa đương đầu với suy thoái kinh tế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái qua) tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở H.Thống Nhất. Ảnh: Huy Anh |
Tuy nhiên, với tinh thần giữ vững đoàn kết thống nhất, nỗ lực đổi mới, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân vào các chủ trương, chính sách, đến nay Đồng Nai đã thực hiện đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
* Tập trung thực hiện nhiệm vụ đột phá
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định 4 nhiệm vụ đột phá cho nhiệm kỳ này. Đó là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025; phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại giai đoạn 2021-2025; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo Thường trực Tỉnh ủy, các nhiệm vụ đột phá này, đến nay đã thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các diện tích trồng mới và tái canh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; các cơ sở chăn nuôi cơ bản có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn…
Hôm nay 10-8, Ban TVTU tổ chức hội nghị sơ kết hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, hội nghị sẽ đánh giá kết quả thực hiện 4 nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ và kết quả thực hiện trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế; hoạt động khoa học và công nghệ, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; chuyển đổi số; quốc phòng - an ninh; công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng tiêu cực; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận... Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp cho nửa nhiệm kỳ còn lại. |
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ đột phá, ở từng lĩnh vực cụ thể, Đảng bộ tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể về phát triển kinh tế, tuy tốc độ tăng trưởng GRDP không đạt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra nhưng thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh đã tăng mạnh. Cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai là 133 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 5.700 USD), dự kiến cuối năm nay tăng lên 145-150 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh được chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương và các thành phần kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ. Trong đó, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm ưu thế trong các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả vượt bậc. Đến nay, toàn tỉnh có 96 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 21 xã NTM kiểu mẫu. Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và đứng thứ 2 cả nước về số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ước đạt gần 65 triệu đồng/năm, tăng 7,44% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh còn 0,77%.
* Xác định giải pháp hiệu quả cho nửa nhiệm kỳ còn lại
Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, công tác an sinh xã hội tích cực được thực hiện, nhất là đối với người lao động, gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn dưới 2% (mục tiêu nghị quyết đề ra năm 2025 còn dưới 2,5%).
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, những nỗ lực trong chỉ đạo phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào thu ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn tỉnh đều đạt dự toán giao, đóng góp lớn cho ngân sách của toàn quốc. Trong giai đoạn 2021-2023, dự ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 193.691 tỷ đồng, bằng 118% dự toán giao, chiếm 15% trong GRDP của tỉnh. |
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Từ đó, với việc chú trọng công tác tuyên truyền và vận động quần chúng, Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành việc bàn giao mặt bằng khu vực ưu tiên giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đi vào hoạt động cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; khởi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Công tác kết nạp đảng viên mới đều vượt chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra hàng năm. Những đảng viên không còn đủ tư cách, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước thì cấp ủy các cấp đã kịp thời xử lý và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng.
Đội ngũ cán bộ các cấp được sắp xếp, bố trí phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành sinh hoạt chính trị tự giác, thường xuyên của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh; góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Thị Minh Hoàng nhận xét, tình hình thế giới và trong nước đang có những khó khăn ở nhiều lĩnh vực, nhưng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính và toàn dân, Đồng Nai đạt những kết quả như vừa qua là rất đáng mừng. Hiện chỉ còn 1 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, Tỉnh ủy cần chỉ đạo đánh giá rõ tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh, trong đó có đánh giá thực chất cuộc sống của nhân dân, sản xuất của các doanh nghiệp, việc làm của công nhân lao động... Qua đó để có định hướng sát thực tế với nửa nhiệm kỳ còn lại và nhiệm kỳ tiếp theo.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, để có căn cứ đánh giá đúng tình hình và đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ còn lại trong thời gian tới, vừa qua Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức các buổi làm việc với ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh. Theo đó, qua đánh giá tình hình, bên cạnh những kết quả tích cực mà Đảng bộ tỉnh đạt được, còn không ít chỉ tiêu, nhiệm vụ kết quả đạt được chưa cao.
Công nhân Công ty hữu hạn Cơ khí động lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: N.Hòa |
Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chưa thật sự chuyển biến, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật có chiều hướng tăng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa thật sự bền vững, chưa đạt như kỳ vọng. Nguồn cán bộ còn thiếu ở một số lĩnh vực có chuyên môn sâu, như quản lý kinh tế, tài chính, quy hoạch đất đai, đô thị... Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức Đảng chưa cao. Công tác vận động quần chúng, nhất là trong giải phóng mặt bằng để phục vụ các công trình, dự án còn hạn chế...
Theo Thường trực Tỉnh ủy, qua đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, khó khăn và dự báo tình hình sắp tới, toàn Đảng bộ tỉnh, với quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành vượt qua thách thức để nỗ lực, phấn đấu thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI ở mức cao nhất.
Phương Hằng
Bí thư Huyện ủy Trảng Bom LÊ TUẤN ANH:
Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống
Từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã sớm xây dựng và ban hành 6 kế hoạch để triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.
Nửa nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thực hiện đồng thời mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ toàn diện trên các lĩnh vực, đến nay nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết đại hội được thực hiện khá tốt, trong đó có 10/22 nhóm chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt. Qua đó, nỗ lực góp sức vào thành quả chung của toàn tỉnh.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý:
Tăng cường chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động
Trong hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp Công đoàn Đồng Nai đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện theo chức năng nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, phát triển tổ chức, tham gia xây dựng Đảng và tăng cường chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).
Cụ thể, năm 2021, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chi hỗ trợ với tổng số tiền gần 234 tỷ đồng cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các hoạt động thăm, tặng quà cho công nhân nhà trọ được tổ chức thường xuyên, nhất là dịp Tháng Công nhân, Tết Nguyên đán hàng năm. Công đoàn kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đối với lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập do doanh nghiệp giảm đơn hàng.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, xây dựng quan hệ lao động ổn định. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp tìm các phương án giữ việc làm cho công nhân; tăng các chính sách phúc lợi cải thiện chất lượng cuộc sống NLĐ. Qua đó, đảm bảo an sinh để NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó với địa phương, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:
Ngành GD-ĐT vượt qua khó khăn, đảm bảo chất lượng dạy và học
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Giáo dục có nhiệm vụ rất quan trọng là tập trung vào nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ngành cũng bước vào giai đoạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 theo lộ trình giai đoạn 2020-2025 phải “phủ kín” chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành là từ năm học 2020-2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, việc học tập của học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Ngành đã tập trung thực hiện tốt phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng là giai đoạn khó khăn nhưng ngành đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đầu tư cho đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc LÊ KIM BẰNG:
Quyết liệt xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chất lượng
Mặc dù bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 là thời gian rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình suy thoái kinh tế nhưng đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu cơ bản. Đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để phấn đấu công nhận vào cuối năm nay. Còn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2024, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu ban đầu.
Việc hoàn thành các mục tiêu nói trên là nhiệm vụ rất quan trọng, tuy nhiên chúng tôi không chỉ xác định mốc hoàn thành sớm hơn mà phải đảm bảo chất lượng, thực chất. Điều quan trọng nhất vẫn phải làm cho đời sống người dân được nâng lên, các điều kiện hạ tầng cơ bản phải tốt, thúc đẩy đời sống và sản xuất. Xuân Lộc đặc biệt quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao đời sống, đồng thời phải chú trọng tạo đột phá trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thu hút thêm những dự án công nghiệp mới gắn với bảo vệ môi trường từ sớm.
Anh HỒ SỸ TÚ, người dân P.An Hòa (TP.Biên Hòa):
Đảm bảo tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội
Nhìn lại hơn 2,5 năm qua, có thể thấy mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. An ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã được phòng chống hiệu quả, đảm bảo sức khỏe và cuộc sống người dân được bình yên.
Sau đại dịch, người dân chúng tôi cũng thấy được sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo của tỉnh cho nhiều đối tượng như: người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, gia đình có công. Một điểm đáng ghi nhận nữa là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, tạo thêm sự tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.
Tôi tin tưởng và cũng kỳ vọng rằng, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quan tâm có nhiều giải pháp, chính sách chăm lo đảm bảo tốt hơn nữa an sinh xã hội, nhất là khi nhiều người lao động đang bị cắt giảm việc làm do tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng y tế cơ sở, giáo dục đào tạo; nâng cấp hệ thống giao thông… nhằm tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
H.Thảo - C.Nghĩa - N.Hòa (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin