Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi lương giáo đồng lòng

Văn Truyên
07:51, 20/09/2023

>>> Bài 1: Chung tay xây dựng quê hương

2,2 triệu người trong tổng số hơn 3,2 triệu dân tại Đồng Nai là tín đồ của 11 tôn giáo. Đồng Nai cũng là nơi sinh sống của 50/53 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 200 ngàn người. Vì vậy, việc gắn kết, huy động được nguồn lực cùng sự đồng lòng của đồng bào các tôn giáo, DTTS có tác động rất lớn trong quá trình phát triển địa phương.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang thăm, chúc mừng thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân đại lễ Phật đản Phật lịch 2567
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang thăm, chúc mừng thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân đại lễ Phật đản Phật lịch 2567. Ảnh: V.TRUYÊN

Tại Đồng Nai, đồng bào các tôn giáo, DTTS đóng vai trò rất quan trọng, vừa là cầu nối, vừa là hạt nhân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, người không theo tôn giáo và đồng bào có đạo, đồng bào DTTS bình đẳng, có sự kết nối, gắn bó chặt chẽ để hướng tới mục tiêu chung: cuộc sống ngày càng khá giả, quê hương phát triển.

Cầu nối niềm tin

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều công trình, dự án giao thông có thu hồi diện tích đất lớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, quyền lợi của người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Song thông qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương cũng như của các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS, tôn giáo đã góp phần xây dựng nên những cầu nối niềm tin giữa đồng bào các tôn giáo, đồng bào DTTS với Đảng, chính quyền.

Trong số này có đại đức Thích Đạt Ma Chí Hải, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Long Thành. Theo đại đức Thích Đạt Ma Chí Hải, trong quá trình thực hiện dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường dẫn kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành…, nhiều tự, viện, nhà ở, đất canh tác của chức sắc phật giáo cùng phật tử bị ảnh hưởng. Ban đầu, điều này ít nhiều gây nên sự hoang mang, lo lắng cho mọi người về diện tích đất bị thu hồi ra sao, quá trình bồi thường rồi di dời đến địa điểm mới sẽ như thế nào…

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh CAO VĂN QUANG cho biết, thời gian qua, các tôn giáo, đồng bào DTTS đã đóng góp tích cực vào kết quả chung của tỉnh, nhất là trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới.

Trước thực tế này, ngay sau khi nắm bắt thông tin, đại đức Thích Đạt Ma Chí Hải đã cùng với chính quyền địa phương gặp gỡ, trò chuyện cùng chức sắc, đồng bào để phân tích lợi ích mà các công trình mang lại sau khi hoàn thành.

“Cơ sở thờ tự do tôi quản lý gần như nằm trọn trong phần diện tích đất bị thu hồi để phục vụ dự án. Tuy nhiên, tôi đồng tình với việc triển khai thực hiện dự án của Nhà nước. Do vậy, cơ sở tôn giáo do tôi quản lý là một trong những tự viện hoàn thành đo đạc cắm mốc đầu tiên” - đại đức Thích Đạt Ma Chí Hải kể lại.

Tương tự, theo linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, 2 giáo xứ Thành Đức và Thành Tâm nằm trong diện bị thu hồi phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thông qua công tác vận động, đối thoại của chính quyền địa phương các cấp, của Tòa giám mục Xuân Lộc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, Ban Đoàn kết công giáo huyện, 2 giáo xứ đã di dời đến địa điểm mới để tái lập vùng đạo. Khi giáo dân thấy các linh mục chấp thuận di dời nhường đất phục vụ dự án, bà con có thêm niềm tin để sớm giao mặt bằng cho Nhà nước triển khai dự án. Hiện địa điểm mới của 2 giáo xứ này rất thuận lợi cho hoạt động tôn giáo nên bà con càng vững tin hơn với sự đồng thuận trước đây của mình.

Riêng trong quá trình thực hiện dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) có 128 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất phục vụ dự án, trong số này có gần 1/2 là hộ đồng bào DTTS.

Gia đình ông Lâm Văn Lộc (dân tộc Nùng) có 420m2 đất nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Vị trí đất cần thu hồi lại nằm ngay căn nhà 3 thế hệ của gia đình ông Lộc đang sinh sống. Là gia đình gắn bó nhiều thế hệ tại vùng đất này nên khi hay tin có dự án giao thông qua địa bàn, cả gia đình ông Lộc rất mừng và nhất trí nhanh chóng nhường đất cho Nhà nước triển khai dự án.

“Rất vui là quá trình Nhà nước định giá bồi thường cùng các chế độ hỗ trợ khác theo quy định rất nhanh nên bà con thêm tin vào quyết định của mình. Đến nay, khi công trình đưa vào sử dụng, bà con lại càng vui hơn khi dòng xe qua lại tấp nập, nhộn nhịp” - ông Lộc nói.

Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền

Linh mục Trần Xuân Thảo cho biết, Đồng Nai đang có khoảng 370 ngàn đồng bào Công giáo tham gia ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể. Điều này thể hiện được thực tế là đồng bào Công giáo đã và đang hòa mình vào công cuộc xây dựng tỉnh Đồng Nai giàu đẹp, văn minh.

Những năm qua, ông Trần Văn Đễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trung Hòa (H.Trảng Bom) nhiều lần được UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, UBND huyện khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận. Theo ông Đễ, trên địa bàn, các tôn giáo lớn đều có cơ sở và tín đồ, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm trên 86,7%.

Thời gian qua, ông Đễ cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã tìm ra những giải pháp nhằm kết nối người dân xây dựng địa phương. Ưu tiên của ông Đễ và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã là vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo cùng tham gia tuyên truyền về văn hóa giao thông, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, đặc biệt đối với các khu vực nhà trọ. Đồng thời, nhắc nhở người dân không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Thông qua mô hình Thích ứng an toàn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, người dân tham gia xây dựng 45 tuyến đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đồng Nai hiện có 42 tổ chức thuộc 11 tôn giáo đang hoạt động với trên 2,2 triệu tín đồ, chiếm trên 70% dân số toàn tỉnh.

Còn Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh cho hay, tăng, ni và phật tử tích cực tham gia là thành viên MTTQ, HĐND, hội chữ thập đỏ, hội khuyến học ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Có 67 tăng, ni, phật tử là thành viên HĐND cấp huyện, thành phố, xã, phường. Nhiều lãnh đạo Phật giáo tỉnh, huyện là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Đồng thời, nhiều phật tử còn tham gia công tác Đảng, chính quyền các cấp.

Riêng với đồng bào DTTS, hiện có 205 người DTTS được công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đây là những cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào DTTS. Ngoài ra, có hơn 8,3 ngàn đồng bào tôn giáo, DTTS đã trở thành đảng viên và tham gia công tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế và nhất là hoạt động tích cực trong các đoàn thể ở cơ sở. Điểm chung là mỗi người trên từng cương vị công tác, lao động đều đã nỗ lực để đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. 

Trưởng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) Vi Kim Cường cho hay, ấp có 380 hộ, 51% trong số này là đồng bào các DTTS. Ngoài 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, ấp còn nhiều hoàn cảnh là gia đình khó khăn có con đang đi học, trẻ mồ côi cần được giúp đỡ. Những trẻ em này có nguy cơ bỏ học rất cao. Mỗi lần như vậy, ông lại cùng giáo viên đến gõ cửa từng nhà để hỏi thăm về hoàn cảnh để trợ giúp các em tiếp tục quay lại lớp học.

Văn Truyên

Bài 2: Hạt nhân của hoạt động an sinh xã hội

Tin xem nhiều