Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận thức đúng, đầy đủ về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Lâm Viên
08:15, 11/10/2023

Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nhận thức đúng, đầy đủ về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam, từ đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay.

Quang cảnh hội thảo Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh hội thảo Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động. Ảnh: quochoi.vn

Một trong những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch là không ngừng phê phán, phủ nhận Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thông qua việc cho rằng “ở Việt Nam chỉ có “đảng trị”” nên “độc tài, toàn trị, mất dân chủ”; phủ nhận bản chất nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ và cổ xúy cho tư tưởng “tam quyền phân lập”, coi đó là “chìa khóa vạn năng để giải quyết những vấn đề của bộ máy nhà nước”…

* Các thế lực thù địch cố tình phớt lờ đặc trưng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam

Trong cuốn Kiến thức chung tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên của Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính quốc gia có nêu: Nhà nước pháp quyền không chỉ là phương thức tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước mà còn chứa đựng trong đó các nguyên tắc hợp lý của quản lý xã hội được đúc kết qua lịch sử, vì vậy những giá trị của nhà nước pháp quyền có tính nhân loại. Tuy nhiên, với mỗi chế độ chính trị có hình thức biểu hiện của nhà nước pháp quyền không giống nhau.

Nhà nước pháp quyền XHCN có những đặc trưng gồm: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; phản ánh được tính chất dân chủ trong mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và xã hội, bảo vệ quyền con người.

Ngoài ra, trong nhà nước XHCN ở Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất về mục đích quyền lực: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; các cơ quan nhà nước dù làm nhiệm vụ lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều là cơ quan thống nhất của nhân dân, phục vụ và bảo vệ cho lợi ích của nhân dân. Quyền lực nhà nước thống nhất phải thể hiện sự tập trung quyền lực vào các cơ quan đại diện của dân, trước hết là cơ quan đại diện cao nhất là Quốc hội để có thể thống nhất bảo vệ mục tiêu chung là độc lập dân tộc và lợi ích của nhân dân, đất nước và dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động hành pháp không thể giống với hoạt động lập pháp hay tư pháp, mỗi nhánh quyền lực đều có đặc thù, kỹ thuật riêng, do đó nhà nước pháp quyền XHCN phân công thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cho các cơ quan khác nhau. Điểm đáng chú ý là sự phân công này không giống như mô hình “tam quyền phân lập” ở một số nước, không phải chia để đối trọng, khống chế nhau mà để các cơ quan thực thi quyền lực có mối liên hệ nhau, để đạt mục tiêu chung.

Đề cập đến vấn đề này, ThS Lê Thị Cát Hoa, Hiệu trưởng Trường Chính trị Đồng Nai trong tham luận tại hội thảo Gắn hoạt động giảng dạy lý luận chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay tổ chức vào tháng 9-2023, có phân tích: “Việc Việt Nam không áp dụng mô hình “tam quyền phân lập” như một số nước trên thế giới hiện nay, đó là sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay và tính chất pháp quyền của một nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bởi nguồn gốc của nhà nước tam quyền phân lập và lý thuyết phân quyền, dùng quyền lực kiểm soát quyền lực, dùng quyền lực đối trọng, kiềm chế quyền lực trong mô hình nhà nước pháp quyền của một số quốc gia hiện nay, về sâu xa mang tính chất tiến bộ thời kỳ đầu khi giai cấp tư sản tiến hành cách mạng tư sản, tấn công vào quyền lực của giai cấp phong kiến chuyên chế độc tài, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản đã nắm quyền thống trị thì việc sử dụng mô hình “tam quyền phân lập” cũng chỉ là hình thức. Và quyền lực chi phối, kiểm soát và thống trị mọi mặt đời sống xã hội vẫn thuộc về giai cấp cầm quyền, giai cấp tư sản và phục vụ cho chủ nghĩa tư bản. Còn đối với Việt Nam, việc xác định quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp vì chủ thể của nhà nước là nhân dân và mục tiêu cuối cùng của việc thực hiện pháp quyền hướng đến cũng là vì dân, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân…”.

Việc các đối tượng thù địch dùng các quan điểm sai trái, xuyên tạc mô hình nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam là không có cơ sở lý luận lẫn thực tiễn, không nắm được tiến trình phát triển của lịch sử trên thế giới, cũng như ở Việt Nam; đồng thời, cố tình phớt lờ, không công nhận những đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

* Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới

Theo các nhà lý luận chính trị, đến nay Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã được định hình trên những nét cơ bản và trở thành trụ cột của hệ thống chính trị nước nhà. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cũng góp phần xây dựng và thực hiện nền dân chủ XHCN, xây dựng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; làm cho quyền lực nhà nước và hệ thống tổ chức thực thi quyền lực - hệ thống chính trị - được xác định đúng đắn và có hiệu quả hơn…

Để không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

Vai trò và tầm quan trọng của xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tiếp tục được nhấn mạnh khi Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, nghị quyết có nêu quan điểm: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ XHCN và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; luôn phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”.

Theo ThS Lê Thị Cát Hoa, nhận thức đầy đủ về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ thành quả cách mạng và không ngừng đổi mới, lao động, sản xuất, vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục những hạn chế… thúc đẩy sự phát triển là trọng trách của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chúng ta trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 9-10, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo khoa học phục vụ nghiên cứu đề tài cấp bộ đặc biệt Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển. Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết toàn diện những thành tựu lớn, có ý nghĩa lịch sử trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; góp phần tiếp tục đúc rút, phân tích sâu sắc hơn những bài học cốt lõi, xuyên suốt quá trình 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển; đề ra định hướng và những giải pháp cho Quốc hội khóa XVI và các khóa tiếp theo trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Theo quochoi.vn

 

Lâm Viên

 

Tin xem nhiều