Đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức Đảng (TCĐ) và đảng viên là công việc quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh khen thưởng tổ chức Đảng, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: P.HẰNG |
Thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với TCĐ, tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban TVTU đã cụ thể hóa thành các quy định, kế hoạch, hướng dẫn theo hướng cụ thể hóa, dễ hiểu, dễ áp dụng cho các đơn vị, địa phương.
Xây dựng các quy định, tiêu chí đánh giá phù hợp
Phó trưởng ban thường trực ban Tổ chức Tỉnh ủy Bùi Thị Yến cho biết, để đánh giá, xếp loại TCĐ, đảng viên trên địa bàn tỉnh hiệu quả, thực chất theo các quy định của Trung ương, Ban TVTU đã ban hành các quy định về đánh giá, xếp loại các loại hình TCĐ với các tiêu chí đánh giá phù hợp từng cấp, ngành, lĩnh vực; đảm bảo chặt chẽ, thực chất, đúng quy định.
Ngoài việc các TCĐ và đảng viên kiểm điểm, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của Trung ương, của tỉnh thì cấp ủy cấp trên còn gợi ý kiểm điểm sâu một số nội dung đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4-10-2023 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Quy định này thay thế cho Quy định số 132-QĐ/TW đã bổ sung nhiều nội dung, trong đó nêu rõ, lấy kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên. Qua đó để có cơ sở xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại theo hướng giảm định tính, tăng định lượng thông qua sản phẩm cụ thể, bảo đảm sự khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại...
Từ năm 2018- 2022, có 483 tập thể và 689 cá nhân thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy và tương đương quản lý, được gợi ý kiểm điểm. Nội dung gợi ý kiểm điểm, xoay quanh vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nghị quyết của Đảng ủy; quy trình công tác cán bộ; quy chế làm việc; việc xây dựng đoàn kết nội bộ; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm hàng năm và các vấn đề phát sinh liên quan đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương...
Việc chuẩn bị, tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cơ bản bảo đảm nghiêm túc, đúng quy trình và các nội dung hướng dẫn của Trung ương; lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể.
Qua kiểm điểm, các tập thể và cá nhân có xây dựng kế hoạch khắc phục, đề ra giải pháp để tự soi, tự sửa lại mình.
Từ năm 2019-2022, 100% TCĐ cấp huyện đều được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (HTTNV) và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (HTXSNV); trên 76% tổ chức cơ sở Đảng và trên 80% đảng viên được xếp loại HTTNV. Đối với tập thể lãnh đạo, quản lý các cấp, năm 2021 có 4 trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,2%). Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, năm 2021, có 22 trường hợp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng TCĐ, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Đảng bộ tỉnh được thực hiện bằng phương pháp đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có so sánh giữa các vị trí tương đương; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công khai kết quả đánh giá
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 5 năm thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW còn một số vấn đề vướng mắc. Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức HTXSNV chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành Trung ương. Theo Quy định số 132 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 21 của Ban Tổ chức Trung ương quy định cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được xếp loại HTXSNV không vượt quá 20% số được xếp loại HTTNV theo chức danh tương đương ở từng cấp, ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13-8-2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, không quy định tỷ lệ đánh giá, xếp loại HTXSNV đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 159-NĐ/CP ngày 31-12-2020 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không quy định tỷ lệ đánh giá, xếp loại HTXSNV. Việc đánh giá, xác định mức xếp loại đối với cán bộ, công chức, viên chức chỉ căn cứ vào tiêu chí được quy định cụ thể tại nghị định này. Đồng thời mẫu kiểm điểm, đánh giá theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và nghị định của Chính phủ chưa thống nhất.
Việc xếp loại chất lượng HTXSNV theo tỷ lệ phần trăm hiện nay rất khó thực hiện, do Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức HTXSNV trong tổng số cá nhân được xếp loại HTTNV. Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế, nhân sự theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương không ngừng bị cắt giảm, trong khi đó yêu cầu, nhiệm vụ, khối lượng công việc ngày càng nhiều, vì thế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng phấn đấu, nâng cao năng suất lao động, tích cực làm việc mới có thể HTTNV được giao.
Để động viên và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu HTTNV thì việc đánh giá, xếp loại chất lượng cần được thực hiện công bằng, khách quan, dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí đã được xác định cụ thể, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, Trung ương nên xem xét không khống chế tỷ lệ phần trăm HTXSNV như hiện nay…
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin