Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2024, sẽ nâng tốc độ các tuyến đường cao tốc từ 80 lên 90 km/giờ

Thanh Hải
17:40, 06/11/2023

(ĐN)- Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi Bộ GT-VT rà soát tiêu chuẩn, dự kiến đầu năm 2024 sẽ thay đổi tốc độ giới hạn các tuyến đường cao tốc từ 80 lên 90km/giờ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh chất vấn tại phiên họp. Ảnh:QUOCHOI.VN

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 6-11, đại biểu Trần Quang Minh (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho biết, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, ông đã nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, như vậy là chưa tối ưu vận tải và thời gian lưu thông.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết thời gian tới có điều chỉnh tốc độ trên đường cao tốc để giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 hay không?

Trả lời đại biểu Trần Quang Minh về tuyến đường cao tốc chỉ cho chạy tối đa 80km, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120km/giờ, 100km/giờ, 80km/giờ và 60km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Hải Phòng. 

Từ đầu năm 2023, Bộ GT-VT đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80km/giờ có thể nâng lên 90km/giờ. Bộ GT-VT đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.

Đặt câu hỏi tới cho Bộ trưởng Bộ GT-VT, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, theo Nghị quyết 100 của Quốc hội yêu cầu là đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh:QUOCHOI.VN
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh:QUOCHOI.VN

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, quan điểm của bộ về phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Trong nhiệm kỳ này, hiện đã dành trên 375 ngàn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.

Dẫn chứng nhiều nước phát triển như: Mỹ, Hàn Quốc… cũng phải phân kỳ đầu tư đường cao tốc. Bộ trên cơ sở học hỏi các nước đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, tạo tiền đề, thuận lợi, cho giai đoạn sau khi có nguồn lực nâng cấp.

Nguyên tắc đầu tiên là ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các đoạn, tuyến có nhu cầu vận tải lớn như: Hà Nội - Hải Phòng, Phan Thiết - Dầu Giây…

Nguyên tắc thứ 2 là phân kỳ đầu tư với các đoạn, tuyến có nhu cầu chưa cao trong giai đoạn đầu khi đưa vào khai thác.

Nguyên tắc thứ 3 chỉ phân kỳ mặt cắt còn tất cả các yếu tố kỹ thuật để khi nâng cấp phải đảm bảo.

Nguyên tắc thứ 4 là phải giải phóng mặt bằng một lần. Thực tế, tất cả các dự án được Quốc hội phê duyệt đều thực hiện.

Xem xét trách nhiệm đơn vị làm tăng vốn đầu tư dự án giao thông

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đề cập việc trình dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải không chính xác trách nhiệm thuộc về ai? 

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng nói "về cơ bản các dự án triển khai tốt, không tăng tổng mức đầu tư hoặc nếu có thì vẫn ít". Chỉ có khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 3 dự án tăng tổng đầu tư tương đối cao là cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh.

Nguyên nhân là thời gian triển khai ba dự án này đúng vào lúc dịch Covid-19 (2020-2021) bùng phát, dẫn đến công tác khảo sát chưa được triệt để. Nguyên nhân chính là đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng. Khi khảo sát một đơn giá nhưng khi triển khai chính thức lại đơn giá khác.

Bộ trưởng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc xem xét trách nhiệm trong việc này. Nhà thầu cũng bị chế tài xử phạt; ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm. Trong đó, có cả phạt tiền và xử lý hạn chế cho tham gia thầu các dự án khác.

Thanh Hải

Tin xem nhiều