Bìa tập tài liệu Học cùng lãnh đạo Đồng Nai |
Như lời mở đầu đề cập: “Việc bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, chia sẻ cập nhật kiến thức, kinh nghiệm, thực tiễn đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, những người đứng đầu là việc làm cần thiết, thường xuyên”. Chính vì vậy, tập tài liệu (kỳ 1) Học cùng lãnh đạo Đồng Nai, chuyên đề “Bộ máy lãnh đạo vững chắc là nền tảng của tổ chức trường tồn” do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện, ấn hành vào tháng 10-2023 được đón nhận như một luồng sinh lực mới, tư duy mới bồi đắp cho trí tuệ đội ngũ lãnh đạo Đồng Nai.
Theo cảm nhận, tôi tạm chia 88 trang tài liệu này thành 3 nhóm nội dung.
1. Người lãnh đạo đối mặt với thách thức
“Câu chuyện lãnh đạo vượt khủng hoảng” kể những câu chuyện cụ thể về nhà thám hiểm Ernest Shackleton đã cùng 27 thành viên tham gia một cuộc thám hiểm dài 3 ngàn km xuyên qua Nam Cực khá nguy hiểm. Ernest Shackleton đã đưa ra những quyết định đúng đắn khi đối mặt với cái chết để an toàn trở về. Một trong những bài học rút ra là khi gặp khủng hoảng, người lãnh đạo cần quản lý tinh thần của đội, quan sát cảm xúc của các thành viên trong nhóm, truyền niềm tin lạc quan và kiên trì đến mọi người. Hãy đưa ra các giải pháp khả thi, cụ thể để vượt qua khó khăn, giúp mọi người có thể nhìn thấy hy vọng hữu hình thay vì lạc quan mù quáng.
Bài viết Điều gì làm nên một nhà lãnh đạo hiệu quả cho rằng, một nhà lãnh đạo hiệu quả rất đa dạng về tính cách, thái độ, giá trị, ưu điểm và khuyết điểm. Họ có thể là người hướng ngoại hoặc sống gần như ẩn dật, dễ tính hoặc độc đoán, phóng khoáng hoặc keo kiệt. Điểm chung của họ là đều làm việc theo một số nguyên tắc như: xác định việc cần làm, xây dựng kế hoạch hành động, chịu trách nhiệm đưa ra quyết định, tập trung vào cơ hội…
Có thể nói, đây là lần đầu tiên có một tài liệu tổng hợp từ tài liệu nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, các trường đại học danh tiếng trên thế giới được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho đăng hàng tuần trên nhóm “Học cùng lãnh đạo”. Tài liệu có ý nghĩa rất quan trọng “là nền tảng để mỗi người lãnh đạo phát huy khả năng nhạy bén trong công việc, năng lực giải quyết vấn đề hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển, phát huy tối đa trí tuệ tập thể để hoàn thành tốt các mục tiêu chung, nhiệm vụ đề ra để cùng nhau xây dựng Đồng Nai ngày càng phồn vinh, giàu mạnh”.
Trong bài Nghệ thuật lãnh đạo và tính quyết đoán cho rằng, món quà lớn nhất của một nhà lãnh đạo là khả năng quyết định. Khả năng ra quyết định ngay cả khi thông tin không hoàn hảo. Nhà lãnh đạo quyết đoán với 6 nguyên tắc gồm: đừng để phân tích ngăn cản quyết định; làm theo trực giác; quyết định tồi tệ vẫn thường tốt hơn là không quyết định; quyết định theo nhóm; chấp nhận trách nhiệm và chia sẻ công trạng; quyết định tốt và thời lượng hợp lý.
Theo đó, ở nguyên tắc chấp nhận và chia sẻ công trạng đưa ra lời khuyên với nhà lãnh đạo: Hãy sẵn sàng nhận trách nhiệm cho những quyết định tồi và mặt khác chia sẻ công trạng với tập thể cho những quyết định tốt. Nếu làm ngược lại, bạn giành hết công khi quyết định tốt nhưng lại đổ lỗi cho người khác khi gặp sai lầm - bạn sẽ sớm đánh mất sự tôn trọng của người khác.
2. Hướng tới tương lai
Tập tài liệu Học cùng lãnh đạo Đồng Nai cũng đề cập đến những xu hướng lãnh đạo trong tương lai, đòi hỏi ngay từ bây giờ những người làm công tác lãnh đạo, quản lý phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thay đổi. Khi thế giới của chúng ta và bản chất của công việc thay đổi, các nhà lãnh đạo phải xem xét các kỹ năng mới cần thiết và thích ứng để thay đổi tư duy phù hợp hơn trên hành trình tiến bước vào tương lai.
Theo đó, thay đổi dễ nhận thấy nhất là từ lãnh đạo truyền thống sang việc lãnh đạo được số hóa. Để thực thi sự lãnh đạo hiệu quả trong thế giới số, các nhà lãnh đạo phải nắm bắt những thay đổi quan trọng bắt nguồn từ các yếu tố như công nghệ, nhân khẩu học và các chuẩn mực văn hóa mới, trong khi vẫn duy trì được các đặc điểm bền vững theo nhiệm vụ của nhà lãnh đạo.
“Tương lai của nhà lãnh đạo trong nền kinh tế số hóa là khởi xướng những ý tưởng lớn. Đây là khởi đầu cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời trong tương lai gần” (Lãnh đạo đi vào tương lai).
Lãnh đạo là một hành trình khám phá. Cuộc khủng hoảng luôn có cả nguy hiểm và cơ hội. Khi bạn dẫn dắt cả đội sống sót trong tình huống khó khăn nhất, sức mạnh gắn kết và chiến đấu trong tương lai sẽ đến một tầm cao mới. |
Trích nguồn từ cuốn Harvard Business Review được xuất bản năm 1922 bởi NXB Trường kinh doanh Harvard, bài viết Lãnh đạo trong những thời điểm nan giải cho rằng: “Cả lãnh đạo và quản lý đều quan trọng. Quản lý thường được giao để xử lý các vấn đề không quá phức tạp hoặc từng xảy ra nhằm duy trì một trật tự ổn định không làm thay đổi hiện trạng tổ chức. Ngược lại, lãnh đạo liên quan đến giải quyết các vấn đề mới lạ và đó là các vấn đề nan giải có khả năng thay đổi, tác động lớn đến tổ chức. Lãnh đạo trong bối cảnh gian nan đòi hỏi tập hợp các phẩm hạnh, đức tính và năng lực gắn liền với năng lực nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo cần cung cấp một lộ trình, mô tả các hành vi nhằm hướng dẫn ra quyết định để ứng phó hiệu quả với các vấn đề nan giải”.
3. Nền tảng vững chắc của tổ chức - Bộ máy lãnh đạo
Khi đề cập đến bộ máy lãnh đạo, bài viết Bộ máy lãnh đạo vững chắc là nền tảng của tổ chức cho biết, bộ máy lãnh đạo được xem như linh hồn của tổ chức, là những người quyết định, ủy quyền, dẫn dắt, hướng dẫn và đào tạo phát triển đội ngũ, nhân viên. Họ là nhân tố thành công nhưng cũng có thể là thất bại của tổ chức.
Dẫn chứng về sự thành công của Singapore, trong bài Những bài học về quản lý môi trường đô thị ở Singapore chỉ rõ: “Singapore đã chọn con đường bảo vệ môi trường theo phương thức tổng hợp để kiểm soát mọi sự phát triển về kế hoạch sử dụng đất đai, các giai đoạn kiểm tra, mở rộng và xây dựng mới nhằm giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm môi trường đô thị. Ưu điểm về các hệ thống thoát nước và thu gom, xử lý chất thải tại đây đã loại trừ và giảm thiểu được nguy cơ ô nhiễm nước và đất đai. Tất cả các biện pháp nêu trên làm cho quốc đảo này có một môi trường trong sạch”.
Còn Kinh nghiệm phát triển bền vững Nhật Bản lại chia sẻ câu chuyện về những khó khăn mà quốc gia này đã và đang phải đối mặt về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường sống. Những khó khăn, thách thức này buộc Nhật Bản phải điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng bền vững. Để thực hiện công cuộc tái thiết nền kinh tế tiến tới phát triển đuổi kịp và vượt các nước công nghiệp về kinh tế, Nhật Bản đã tổ chức lấy ý kiến, thảo luận rộng rãi về chiến lược phát triển kinh tế từ nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, các quan chức Chính phủ và địa phương. Điều này thực chất là tập trung trí tuệ để xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Bài Thiếu vắng tầm nhìn một tổ chức không thể trở thành hàng đầu khẳng định, một tổ chức thành công được dẫn dắt bởi 3 yếu tố: có tầm nhìn và được định hướng theo đuổi mục tiêu rõ ràng, được quyết tâm thực hiện bởi những nhà lãnh đạo cấp cao; đội ngũ nhân lực được đào tạo, chú trọng vào việc thực hiện tầm nhìn và thống nhất được định hướng; một hệ thống vững chắc để kiểm soát kết quả và duy trì những hành vi, công nhận việc thực hiện mà tầm nhìn định hướng đã đề ra.
“Tầm nhìn quan trọng vì nhiệm vụ của lãnh đạo là việc đưa tổ chức đến tầm cao mới. Nhà lãnh đạo thu hút mọi người xung quanh cùng thực hiện một tầm nhìn chung. Khi mọi người chia sẻ và tin vào một tầm nhìn của tổ chức, họ tỏa ra một năng lượng tích cực, sự phấn khích và mạnh mẽ”.
Nguyễn Sơn Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin