(ĐN)- Sáng 8-11, sau khi hoàn thành chất vấn đối với các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông, Quốc hội dành thời gian còn lại để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu.
Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo sáng 8-11. Ảnh: QUOCHOI.VN |
* Nỗ lực cao nhất đạt GDP trên 5% năm 2023
Báo cáo tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt trên 43 tỷ USD, riêng gạo đạt gần 4 tỷ USD với 7,12 triệu tấn.
10 tháng xuất siêu hơn 24,6 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 25,8 tỷ USD, tăng xấp xỉ 15% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 56,7% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ, và xét về số tuyệt đối là trên 104 ngàn tỷ đồng.
Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận kinh tế - xã hội còn những hạn chế, sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung.
Phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024. Chính phủ tập trung giải pháp thúc đẩy ba động lực tăng trưởng chính về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường rà soát, xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu...
Theo Thủ tướng, việc phân cấp, phân quyền sẽ được đẩy mạnh để nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ được hoàn thiện, và xử lý nghiêm các trường hợp né tránh đùn đẩy trách nhiệm.
* Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng giao thông
Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và bổ sung, hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ những vấn đề bất cập. Trong đó, có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 - TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: QUOCHOI.VN |
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng chưa đồng đều; việc triển khai vướng mắc pháp lý, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu; một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA; xử lý khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân; vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu.
Thủ tướng cho biết Chính phủ phấn đấu ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý I-2024; mở rộng 5 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3 ngàn km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Báo Đồng Nai sẽ tiếp tục cập nhật.
Thanh Hải
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin