Cùng với các vấn đề về nhân quyền, tình hình chính trị… thì tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những tiêu điểm mà các đối tượng thù địch tập trung chống phá, tấn công trên mặt trận tư tưởng.
ThS Nguyễn Đình Kiên, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh trình bày chuyên đề tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023, đợt 2. Ảnh: L.VIÊN |
Với mục đích gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và âm mưu sâu xa là muốn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thông qua các hình thức: rỉ tai, qua internet và mạng xã hội… để đưa các luận điệu phủ nhận thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; hoặc nhân một số sự việc cụ thể để cắt xén sự thật, bịa đặt, vu cáo trắng trợn, xuyên tạc, bóp méo các vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
* Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Hiến pháp năm 2013 đã được chuyển từ “quyền công dân” theo Điều 70 của Hiến pháp năm 1992 thành “quyền con người”.
Theo đó, tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người, là quyền con người. Hiến định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách của Nhà nước ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo hoàn toàn tương thích với pháp luật quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam còn có các luật, bộ luật quan trọng quy định nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản để bảo vệ, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó tiêu biểu nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 2, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018, gồm 9 chương, 68 điều.
Nhà nước đã tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo quy mô lớn, mang tầm khu vực và quốc tế như: Công giáo với Lễ Năm thánh 2010 tại nhiều giáo xứ, nhà thờ trong nước và Hội nghị Liên hội đồng giám mục Á châu năm 2012 tại Tòa giám mục Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; Phật giáo với Đại lễ Phật đản Vesak các năm 2008, 2014, 2019; đạo Tin lành với Lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017… |
Cụ thể hóa quy định tại Điều 24 của Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người theo khoản 1, điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định rõ các nội dung như: trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng; điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung...
* Tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật
Với bất kỳ một quốc gia nào, việc đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia luôn phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật nhà nước, luôn đi liền với nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Điều này đã được đề cập trong Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy, theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên phương diện pháp lý bị giới hạn bởi khuôn khổ pháp luật. Ở mỗi quốc gia, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ có những giới hạn riêng phù hợp với đặc điểm, tình hình và được quy định cụ thể trong khuôn khổ của pháp luật mỗi nước. Do đó, không thể đem quy định của nước này áp dụng cho nước khác, cũng như đưa ra đánh giá phiến diện, thậm chí xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nước khác.
Theo đó, Việt Nam nhất quán, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đồng thời cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm gồm: “1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a. xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b. xâm hại đạo đức xã hội, xâm hại thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c. Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d. Chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Những quy định cụ thể này tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân biết mình được làm gì và không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thuận lợi. Mục đích của các quy định này nhằm đảm bảo trật tự an ninh công cộng, đảm bảo quyền cơ bản của con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, đảm bảo chủ quyền quốc gia, dân tộc. Việc một số đối tượng vi phạm các quy định của pháp luật và bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đó là điều hiển nhiên. Do đó, người dân cần tỉnh táo nhận định rõ việc các thế lực thù địch thông tin xuyên tạc, vu khống, bịa đặt về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta với âm mưu gây kích động trong nhân dân, chia rẽ khối đoàn kết lương - giáo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
* Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân
Hiện có tình trạng đối tượng xấu mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá “tà đạo”, “đạo lạ”, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc, xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, tạo mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc… |
Tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023 đợt 2, Ths Nguyễn Đình Kiên, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh thông tin, ở Việt Nam có hơn 100 triệu dân, trong đó có 27% dân số là người có đạo, đồng thời có khoảng 95% dân số có niềm tin về tín ngưỡng và tôn giáo. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng bản địa riêng, như tiêu biểu với người Việt có truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên... Tại Đồng Nai, có hơn 3,2 triệu người thì có hơn 70% dân số là người có đạo; theo thống kê, tỉnh có 14 tổ chức giáo hội thuộc 11 tôn giáo.
Có thể thấy, thực tiễn đời sống chính trị và xã hội nhiều năm qua đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã luôn nắm vững tình hình tín ngưỡng, tôn giáo của đất nước, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khối đoàn kết lương - giáo. Thực hiện chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Đồng Nai luôn quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của người dân, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo. Nhiều tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh đến cơ sở được thành lập, nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng mới, khang trang… Đại bộ phận tín đồ, chức sắc, chức việc, người tu hành các tôn giáo chấp hành quy định pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành, quản lý của nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện - xã hội, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin