Nhằm mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, TP.Biên Hòa đã và đang tập trung cải cách tổ chức bộ máy thông qua đề án tổ chức lại, kiện toàn các cơ quan chuyên môn để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Tại Bộ phận một cửa TP.Biên Hòa, người dân được hướng dẫn chu đáo ngay từ khu vực cổng vào. Ảnh: H.THẢO |
Thành phố cũng đang tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã; bố trí đội ngũ cán bộ công chức phù hợp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng phường, xã; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số…
Sắp xếp hợp lý, bố trí khoa học
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, UBND TP.Biên Hòa đã xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, thực hiện phương án điều chỉnh sáp nhập đối với 9 đơn vị hành chính gồm các phường: Hòa Bình, Quang Vinh, Thanh Bình, Trung Dũng, Quyết Thắng, Tân Mai, Tân Tiến, Tam Hòa, Bình Đa và một phần KP.10 P.Tân Phong thành 4 đơn vị hành chính mới. Sau khi thực hiện sắp xếp, TP.Biên Hòa còn 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã).
Nhiều ý kiến cho rằng, TP.Biên Hòa có những phường rất đông dân, nhưng cũng có những phường ít dân. Do đó, việc tách phường hay sáp nhập các phường để củng cố, hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước là việc làm cần thiết. Nhưng sau đó, cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề đào tạo, bố trí cán bộ. Đây là vấn đề rất quan trọng, phải được thực hiện khoa học, hiệu quả.
Bà Trần Thị Hòa, Tổ trưởng Tổ nhân dân số 2, KP.3, P.Trung Dũng chia sẻ, việc sáp nhập các phường chắc chắn đã được tính toán kỹ. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cho thấy, người dân đồng thuận về mặt chủ trương, song cũng có ít nhiều tâm tư. Một số lo lắng việc sáp nhập phường sẽ khiến dân số phường đông hơn, kéo theo đó là những áp lực liên quan đến công tác quản lý, tình hình an ninh trật tự…
“Vì vậy, theo tôi, thành phố cần phải thông tin rộng rãi, kịp thời, chính xác những thông tin liên quan đến việc sáp nhập các phường, nhất là các phương án, giải pháp của thành phố để người dân nắm rõ và an tâm. Đồng thời, cần tính toán bố trí đội ngũ và quan tâm chế độ, chính sách đội ngũ cán bộ sau khi sáp nhập cho hợp lý nhất, để họ an tâm cống hiến” - bà Trần Thị Hòa chia sẻ.
Ngoài các phường ít dân cư được thực hiện phương án sáp nhập, Biên Hòa cũng có rất nhiều phường có số lượng dân cư rất đông như: Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân… Chính quyền nơi đây đối mặt với áp lực rất lớn trong công tác quản lý, điều hành.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố với nhiều điểm mới. Trong đó quy định được bố trí số lượng công chức ở xã, phường tăng thêm theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính.
Phòng Nội vụ TP.Biên Hòa cho biết, theo quy định trên, đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số (7 ngàn người) thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Ngoài việc tăng thêm công chức theo quy mô dân số quy định, đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định (5,5km2) về diện tích tự nhiên được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Cụ thể hóa Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ, tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 HĐND tỉnh khóa X vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định chức danh, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở ấp (khu phố) và người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho hay, qua rà soát quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định đối với các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, có 28/30 xã, phường có số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã tăng thêm. Dự kiến tăng thêm khoảng 250 công chức và trên 250 người hoạt động chuyên trách cấp xã.
“Từ số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách được tăng lên theo tinh thần nghị quyết, UBND thành phố sẽ hướng dẫn các địa phương bố trí phù hợp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thức tế của từng phường, xã” - ông Đỗ Khôi Nguyên cho hay.
Phát triển chính quyền số
Cũng theo lãnh đạo TP.Biên Hòa, cùng với những nỗ lực trong việc sắp xếp bộ máy hành chính trên địa bàn, TP.Biên Hòa đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có phát triển chính quyền số.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, chính quyền số thành phố đã được đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Đồng Nai kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng. Cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số tỉnh Đồng Nai nói chung, TP.Biên Hòa nói riêng.
Trong nhiều buổi làm việc với TP.Biên Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh, TP.Biên Hòa cần “xốc lại” đội ngũ cán bộ, nguồn lực, tinh thần để có được những bước đi mạnh mẽ trong chặng đường sắp tới. Qua đó, tiếp tục tạo dựng được những thành quả mới, xứng đáng là địa phương tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh trên mọi mặt, dẫn dắt Biên Hòa phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp để từng bước hướng đến chuyển đổi số trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Đồng thời, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đổi mới phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp…
Thành phố cũng sẽ triển khai các nội dung của đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyển số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó, thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP.Biên Hòa; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ số vào các khu công nghiệp.
Hồ Thảo
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin