Trong bối cảnh thiếu hụt đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên các cấp từ tỉnh đến cơ sở, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (CĐS) trong các hoạt động của Đoàn đã giúp công tác Đoàn được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến chi đoàn cơ sở một cách nhanh chóng và kịp thời.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên quay video quy trình sản xuất sản phẩm đạt chuẩn OCOP đăng lên mạng xã hội trong cuộc thi Thanh niên Đồng Nai đồng hành với sản phẩm OCOP. Ảnh: N.SƠN |
Bí thư Chi đoàn KP.2, P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) Đoàn Việt Hùng cho biết, nhờ có internet và mạng xã hội, anh cũng như đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong chi đoàn dù ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể trao đổi được thông tin. Nhờ vậy, việc triển khai các hoạt động đến ĐVTN cũng nhẹ nhàng và tiết kiệm thời gian.
Khắc phục được tình trạng hành chính hóa
Theo anh Việt Hùng, khi chưa có internet và mạng xã hội, trước khi tổ chức hoạt động, chi đoàn phải triệu tập đoàn viên để cùng thảo luận, bàn bạc, phân công. ĐVTN người đi học, người đi làm, công việc không giống nhau nên việc triệu tập rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức.
Hiện nay, ĐVTN ai cũng sở hữu điện thoại thông minh có kết nối internet, sử dụng mạng xã hội… Với vai trò "thủ lĩnh" thanh niên, anh đã kết nối bằng cách lập các nhóm trên Facebook, Zalo và duy trì liên lạc với ĐVTN. Từ khi thành lập được các nhóm trên nền tảng số, thông tin được anh gửi đến đoàn viên kịp thời hơn; ĐVTN tham gia thảo luận, góp ý cho các hoạt động nhiều hơn, hoạt động lúc diễn ra vì thế suôn sẻ hơn.
Bên cạnh các công trình, phần việc CĐS, năm 2023 cũng là năm diễn ra nhiều hoạt động trên không gian số, góp phần đa dạng sân chơi, đồng thời nâng cao năng lực số cho ĐVTN…
Ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS không chỉ làm thay đổi phương thức hoạt động ở cấp chi đoàn mà còn làm chuyển biến trong công tác quản lý nghiệp vụ của Đoàn. Từ năm 2022 đến nay, việc đẩy mạnh số hóa dữ liệu đoàn viên trên phần mềm quản lý nghiệp vụ đoàn viên, ứng dụng Thanh niên Việt Nam mặc dù gặp nhiều khó khăn song khi hoàn thành sẽ giảm tải cho các cấp bộ Đoàn trong việc quản lý thông tin liên quan đến ĐVTN, giúp các cấp bộ Đoàn biết được số lượng ĐVTN, từ đó đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ sát hơn với tình hình thực tế. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cập nhật trên 120 ngàn đoàn viên lên ứng dụng Thanh niên Việt Nam (đạt tỷ lệ gần 98%).
Gắn liền với chủ đề năm CĐS các hoạt động của Đoàn, tháng 3-2023, Tỉnh đoàn đã ra mắt và sử dụng nền tảng quản lý bộ tiêu chí công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Nai.
Đoàn viên thanh niên công tác trong lĩnh vực ngân hàng ở H.Long Thành hướng dẫn đoàn viên thanh niên cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: N.SƠN |
Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hiếu Trung cho hay, trước đây cứ vào dịp cuối năm, các đơn vị cấp huyện mới thực hiện việc tự đánh giá. Với mỗi tiêu chí cần thu thập, xử lý số liệu, thông tin minh chứng; viết báo cáo tự đánh giá - mô tả tóm tắt ngắn gọn kết quả của từng tiêu chí. Có những hoạt động diễn ra từ đầu năm, việc tìm lại những minh chứng khá khó khăn. Để chạy kịp tiến độ, cán bộ Đoàn tại các đơn vị hầu hết đều phải ăn, ngủ tại cơ quan để làm bộ tiêu chí. Điều này trở thành nỗi ám ảnh của cán bộ Đoàn những ngày cuối năm.
Với phần mềm đánh giá Bộ tiêu chí công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, Đoàn cấp huyện sẽ cập nhật các tiêu chí mà minh chứng theo từng tháng, từng quý. Nhờ đó, việc tổng hợp báo cáo kết quả, minh chứng các nội dung tiêu chí đánh giá thi đua được giảm tải, các tiêu chí được cập nhật kịp thời, đảm bảo tính chính xác.
Những công trình, phần việc CĐS mang tên thanh niên
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, năm 2023, với chủ đề Năm CĐS các hoạt động của Đoàn, 100% các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã ra sức thực hiện các công trình, phần việc thanh niên gắn với CĐS. Trong năm, toàn tỉnh đã thực hiện được 16 công trình thanh niên cấp tỉnh, 38 công trình thanh niên cấp huyện và gần 1,5 ngàn công trình, phần việc thanh niên cấp cơ sở với tổng trị giá trên 15 tỷ đồng.
Đoàn viên thanh niên H.Trảng Bom được hướng dẫn tham gia các trò chơi trên nền tảng số |
Nhiều công trình, phần việc thanh niên liên quan đến lĩnh vực CĐS, nổi bật là công trình phần mềm Trái tim tình nguyện do Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh phối hợp thực hiện.
Anh Thi Hoàng Trung, Phó trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn, Phó chủ tịch Hội LHTN tỉnh - người ấp ủ và thực hiện phần mềm này cho biết, Ban Phong trào Tỉnh đoàn phụ trách theo dõi các hoạt động của phong trào tình nguyện. Những năm qua, việc thống kê số lượt tham gia hoạt động tình nguyện của ĐVTN rất khó khăn, chỉ mang tính chất tương đối. Từ khó khăn này, anh đã ấp ủ ý tưởng xây dựng một phần mềm dành riêng cho phong trào tình nguyện. Tháng 6-2023, ý tưởng về phần mềm Trái tim tình nguyện được anh hiện thực hóa. Sau 4 tháng phối hợp với đơn vị thiết kết phần mềm, tháng 10-2023, phần mềm Trái tim tình nguyện ra đời và đưa vào sử dụng.
Phần mềm được xây dựng với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn, hội các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm triển khai phong trào thanh niên tình nguyện hiệu quả, bền vững, phát huy mạnh mẽ sức trẻ, tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN cho rằng, CĐS là cả một quá trình dài. Tỉnh đoàn xác định thành tựu về CĐS mà các cấp bộ Đoàn Đồng Nai đạt được trong năm 2023 chỉ là tiền đề để tiếp tục triển khai thực hiện nhằm tạo ra giá trị lớn hơn trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
Bên cạnh đó, phần mềm cung cấp thông tin về các dự án, chương trình an sinh xã hội của Tỉnh đoàn trên nền tảng số. Từ đó vận động nguồn lực xã hội hóa để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐVTN và người dân trên địa bàn tỉnh. Vào đầu năm 2024, phần mềm Trái tim tình nguyện chính thức được triển khai rộng rãi trong hệ thống Đoàn.
Cùng với các công trình, phần việc thanh niên cấp tỉnh, một số huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đã thực hiện được những công trình, phần việc CĐS. Số hóa địa chỉ đỏ tại các khu di tích trên địa bàn huyện là công trình thanh niên vừa được Huyện đoàn, Hội LHTN H.Nhơn Trạch phối hợp triển khai thực hiện trong năm 2023.
Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch Châu Thành Phương cho biết, để thực hiện công trình này, Huyện đoàn, Hội LHTN huyện đã tiến hành thu thập thông tin về di tích từ các nguồn chính thống rồi tích hợp trong QR-Code và đặt tại cửa ra vào mỗi di tích. ĐVTN, người dân hoặc du khách ở các nơi đến với di tích chỉ cần dùng điện thoại thông minh có kết nối internet quét QR-Code là có thể tham khảo thông tin thuyết minh về di tích.
Hiện tại, Huyện đoàn, Hội LHTN huyện đã thực hiện số hóa 4 địa chỉ đỏ gồm: Di tích lịch sử - văn hóa địa đạo Nhơn Trạch, Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Mỹ, Di tích lịch sử vụ thảm sát Giồng Sắn và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phước Thiền. Thời gian tới, Huyện đoàn, Hội LHTN huyện sẽ tiếp tục số hóa các địa chỉ đỏ còn lại trên địa bàn huyện; đồng thời, bổ sung thêm các thông tin về hình ảnh, video clip liên quan đến di tích đã thực hiện số hóa; tuyên truyền rộng rãi trên các nền tảng số giúp các cá nhân không có điều kiện đến với di tích có thể đọc thông tin, xem hình ảnh về các di tích.
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin