Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 51 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27-1):
Thắng lợi của tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc

Vũ Trung Kiên
08:08, 27/01/2024

51 năm trước, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là thắng lợi từ sức mạnh tổng hợp của dân tộc, trong đó có sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.

Quang cảnh một phiên đàm phán của Hội nghị Paris. Ảnh: t.L

Ít có cuộc đàm phán nào diễn ra với khoảng thời gian dài, với nhiều phiên họp như Hội nghị Paris về Việt Nam. Thời gian đàm phán từ ngày 13-5-1968 đến 27-1-1973, kéo dài 4 năm 8 tháng với 202 phiên họp chính thức và 52 phiên họp kín, bí mật. Ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris giữa hai bên khai mạc.

* Cuộc đấu trí ngoại giao lâu dài và căng thẳng

Ngay từ khi bắt đầu đàm phán, những người lãnh đạo của chế độ Sài Gòn đã chống phá quyết liệt. Sau này, để mau chóng rút khỏi vũng lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử dụng các biện pháp cứng rắn buộc chế độ Sài Gòn phải chấp nhận ký kết các điều khoản của hiệp định.

Ngày 16-1-1973, đại tướng Haig, cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia của Tổng thống Nixon, trao cho Nguyễn Văn Thiệu bức thư của Nixon, mà Kissinger gọi là "bốc lửa", trong đó có đoạn: "Vì vậy, chúng tôi đã quyết định dứt khoát sẽ ký tắt Hiệp định ngày 23-1-1973 tại Paris. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ làm như thế một mình. Trong trường hợp đó, tôi phải giải thích công khai rằng Chính phủ của ông cản trở hòa bình. Kết quả là sự chấm dứt không tránh khỏi và lập tức của viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ - và một sự sắp xếp lại chính quyền của ông cũng chẳng thay đổi được tình hình".

Trước sức ép của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa cuối cùng phải chấp nhận ký kết hiệp định.

* Những nội dung cơ bản của Hiệp định

Nội dung cơ bản của Hiệp định là Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Geneva về sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là một quốc gia thống nhất, miền Bắc và miền Nam không phải 2 quốc gia riêng biệt mà chỉ là hai vùng tập kết quân sự khác nhau. Các bên tiến hành ngừng bắn trên toàn Việt Nam bắt đầu từ ngày 27-1-1973.

Ở miền Nam, tất cả các đơn vị quân sự Mỹ và đồng minh, hai bên miền Nam Việt Nam ở nguyên vị trí (không áp dụng với quân đội của Việt Nam Dân chủ cộng hòa). Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống Việt Nam Dân chủ cộng hòa bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển… Các bên tiến hành trao trả tù binh. Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Sự tái thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài.

Nhớ về sự kiện trọng đại này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi ấy là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã xúc động ghi trong hồi ký của mình rằng khi đặt bút ký hiệp định lịch sử này bà đã vô cùng xúc động, nghĩ đến “đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam Bắc… là ân tình sâu đậm mà cả thế giới dành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta”.

* Thắng lợi của sức mạnh tổng hợp dân tộc

Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp dân tộc, bao gồm thắng lợi về mặt quân sự, thắng lợi từ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Từ cuối năm 1964, sau khi chương trình “Chiến tranh đặc biệt” có nguy cơ bị thất bại, Hoa Kỳ buộc phải tăng quân trên chiến trường và bắt đầu các hoạt động quân sự chống phá Việt Nam Dân chủ cộng hòa và dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy cớ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Chính vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, tháng 12-1965, Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 12, trong đó chỉ rõ “đánh đến một lúc nào đó sẽ vừa đánh vừa đàm” nhưng nhận định “tình hình chưa chín muồi cho một giải pháp”.

Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson tuyên bố: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra (90% lãnh thổ miền Bắc) và chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trên trường quốc tế, uy tín của Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làn sóng phản đối chiến tranh, đòi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán tăng mạnh. Đầu tháng 3-1968, Tổng thư ký LHQ U.Thant kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và coi đây là điều kiện để tổ chức đàm phán. Ngày 14-5-1968, trong bài phát biểu tại Trường đại học Alberta (Canada) Tổng thư ký LHQ U.Thant đã “tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện một cuộc ngưng oanh tạc toàn diện vô điều kiện miền Bắc”.

 Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới bằng cách này hay cách khác bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Tư, Anlgéri, Tanzania…

Cùng với ngoại giao bằng con đường Chính phủ, mặt trận ngoại giao nhân dân đã được tận dụng triệt để. Trong quá trình diễn ra đàm phán, Việt Nam đã tạo dựng được một mặt trận nhân dân thế giới, đoàn kết tất cả các lực lượng chính trị tiến bộ trên thế giới. Người dân Mỹ tiến bộ cũng như đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành để ủng hộ công cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Vũ Trung Kiên

 

 

Tin xem nhiều