Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa ban hành yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội xem thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Trong chỉ thị, Bộ Chính trị nhận định: Những năm qua, việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tạo được chuyển biến tích cực; chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát được tăng cường. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, nghiêm túc quán triệt, năng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chủ trương của Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ những hạn chế như: nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng. Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản nhà nước chưa hoàn thiện, còn bất cập…
Do đó, trong các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện trong thời gian tới, Bộ Chính trị đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi. Tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như: đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn kịp thời hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Nguyễn Phượng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin