Ra đời từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 31, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 đã và đang tiếp bước truyền thống anh hùng “Dũng cảm, đánh hăng”, quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Chiến sĩ Trung đoàn 31 trong giờ tập luyện. Ảnh: C.T.V |
Nhiều lần đổi tên
Cách đây 78 năm, ngày 22-1-1946, tại trại Bảo An, TX.Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương), Chi đội 2 Hải - Hưng - Thái được thành lập theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Chiến khu 3, đây là đơn vị tiền thân của Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) anh hùng.
Tháng 5-1946, Chi đội 2 được chuyển thành trung đoàn mang phiên hiệu số 44, hoạt động tại 3 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình. Tháng 1-1951, khi Đại đoàn 320 được thành lập, trung đoàn trở thành một đơn vị chủ lực của đại đoàn, chiến đấu trên địa bàn 6 tỉnh đồng bằng Bắc bộ, tham gia vào 9 chiến dịch lớn, đánh 491 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 14.493 tên địch, bắn rơi 3 máy bay, bắn cháy 24 xe tăng, thu giữ nhiều khí tài của địch…
Trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với nhiều lần đổi tên, chiến đấu trên nhiều chiến trường, trung đoàn đã 2 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 21 Huân chương Quân công, 265 Huân chương Chiến công. Trong đội hình trung đoàn có 3 tiểu đoàn (7, 8, 9), 2 đại đội (5, 7 thuộc Tiểu đoàn 8) và 2 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1965, do yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn 64 tách khỏi Đại đoàn 320 hành quân vào chiến trường khu 5 chiến đấu và đến ngày 1-1-1966 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn Bộ binh 31 thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5 hoạt động trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Giai đoạn 1970-1975, trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh ở Đường 9, Nam Lào, tiêu biểu có trận phục kích tại khu vực Hương An - Bà Rén, tiêu diệt 593 tên địch, bắt sống 28 tên, phá hủy và thu giữ nhiều khí tài quân sự của địch. Với những chiến công này, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được Bộ Tư lệnh Quân khu xem là “một trận đánh kiểu mẫu”. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đơn vị tham gia tiến công vào quận lỵ Tiên Phước, giải phóng TX.Tam Kỳ (Quảng Nam) và TP.Đà Nẵng.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, trung đoàn tiếp tục tách ra khỏi Sư đoàn 2 về làm đơn vị chủ công cho Sư đoàn 309, chiến đấu ở mặt trận 479, cùng nhân dân Campuchia đứng lên lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot Iêng xa-ri, giải phóng Campuchia. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước, từ tháng 9-1989 đến nay, trung đoàn trong đội hình của Sư đoàn 309, Quân đoàn 4, đóng quân trên địa bàn P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Tiếp bước truyền thống anh hùng
Tiếp bước truyền thống “Trung thành vô hạn, dũng cảm đánh hăng, linh hoạt táo bạo, kiên cường bám trụ, đã đi là đến, đã đánh là dứt điểm, quyết chiến quyết thắng”, trong những năm qua, với phương châm huấn luyện sát thực tế chiến đấu, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, trung đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án đổi mới chương trình huấn luyện chiến sĩ mới... Điểm nổi bật là chất lượng huấn luyện của đơn vị cũng như trình độ huấn luyện của đội ngũ cán bộ trở thành thương hiệu để sư đoàn, quân đoàn tổ chức tập huấn, tham quan; trình độ kỹ chiến thuật nhanh, chính xác và thể lực dẻo dai của bộ đội là thước đo chất lượng công tác huấn luyện đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Cùng với chất lượng huấn luyện, chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng của trung đoàn trong những năm qua đã có sự chuyển biến rõ nét. Cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, an tâm tư tưởng, gắn bó đơn vị, ý thức chấp hành kỷ luật được nâng lên. Kết quả kiểm tra nhận thức chính trị cho các đối tượng hàng năm đạt 100% yêu cầu, trong đó 98,5% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đạt khá, giỏi; 81,8% hạ sĩ quan và chiến sĩ đạt khá, giỏi.
Đánh giá về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trung tá La Nguyễn Thế Anh, Chính ủy Trung đoàn 31 cho biết: “Trung đoàn tập trung đột phá vào đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng, đi vào thực chất. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là nói lên tiếng nói, sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết của cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo động cơ, ý chí vươn lên thi đua, sáng tạo và quyết tâm phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ”.
Trung tá Ngô Văn Mơ
(Phó chính ủy Trung đoàn 31, Sư đoàn 309)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin