Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trong năm 2023

Lâm Viên
08:17, 17/01/2024

Cuối năm 2023, Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương tổng kết tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023. Cùng thời điểm này, các thế lực thù địch cũng thực hiện các “bình luận” về tình hình KT-XH của Việt Nam, trong đó chỉ tập trung vào những mặt còn khó khăn, khoét sâu vào những hạn chế, những chỉ tiêu chưa đạt được của Việt Nam…

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD. Ảnh: TTXVN

Mục đích của các đối tượng thù địch hướng đến là làm cho người tiếp nhận thông tin hiểu chưa toàn diện, chưa đầy đủ, hiểu lệch vấn đề; từ đó dễ mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.

* Bối cảnh tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn

Trang v. ngày 30-12-2023, có đăng dòng trạng thái: “Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,05%, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29-12, không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đưa ra”. Một số trang mạng xã hội khác thực hiện “bàn tròn bình luận”, “phỏng vấn chuyên gia” về một số diễn biến thị trường, tình hình kinh tế của Việt Nam rồi thông qua đó phủ nhận sạch trơn những điểm sáng của nền kinh tế. Điều đáng nói là sau khi thao thao bất tuyệt cung cấp thông tin một chiều, các đối tượng chống phá cách mạng dẫn dắt người nghe đi đến quy kết nguyên nhân của những hạn chế là do nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ…

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”, trong khi châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2/62 nước được nâng hạng. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh và có tốc độ tăng trưởng giá trị mạnh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022.

Tại hội nghị Báo cáo viên trung ương tháng 1-2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào ngày 10-1-2024, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đã thông tin chuyên đề Tổng quan tình hình KT-XH năm 2023; dự báo tình hình và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Theo thông tin tại chuyên đề, năm 2023, nước ta bước vào thực hiện nhiệm vụ KT-XH trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; trong đó có những yếu tố phức tạp mới, cộng hưởng với những vấn đề kéo dài từ cuối năm 2022 đã tác động khá toàn diện, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế. Hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn và tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt, toàn diện hơn với mức độ đối đầu, xu hướng phân tuyến, phân cực ngày càng rõ nét, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine và tại Dải Gaza diễn biến phức tạp. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại, nhu cầu suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam…

Về tình hình trong nước, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu từ các cú sốc bên ngoài còn hạn chế…

* Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước nêu trên, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, sát thực tiễn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, hỗ trợ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới”.

Việc các đối tượng thù địch thông tin “Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,05%, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29-12, không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đưa ra” cần phải đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước nêu trên, để thấy rõ được sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cũng như các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Hơn thế nữa, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT phân tích, mức tăng cả năm 2023 của Việt Nam đạt 5,05% là thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.

Từ phân tích trên càng khẳng định về sự phiến diện trong các thông tin mà các đối tượng thù địch tập trung thông tin, cũng như những phân tích, “mổ xẻ” tại các cuộc “bình luận” mà các đối tượng này tổ chức. Các thông tin này luôn chứa đựng những virus xấu độc được “đan”, “cài” rất tinh vi trong từng câu chữ, lời nói… mà nếu không tinh ý nhận diện, không vững vàng lập trường chính trị, thì người nghe rất dễ bị dẫn dắt về mặt tư tưởng.

* Cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng

Đánh giá tình hình KT-XH của một đất nước không chỉ xét trên một tiêu chí là tốc độ tăng trưởng như đã nêu trên, mà còn cần có cái nhìn tổng quan, toàn diện để có thể hiểu đúng, nhận thức khái quát được vấn đề.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế trong năm 2023 như: Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là suy giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách tiền tệ thắt chặt…; ngoài ra, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, vẫn còn tâm lý e ngại, sợ sai tại một số cơ quan, cơ sở y tế... Nhà nước đã tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra giải pháp thực hiện tốt nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.

Trong năm 2023, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng và sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo. Trong đó, một số “con số sự kiện” đáng ghi nhận như: khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế khi năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua; xuất khẩu 8,34 triệu tấn gạo với giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% - cao nhất từ trước đến nay. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%) - cao nhất từ trước đến nay cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2023, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong cách chỉ đạo, cách làm. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tập trung xử lý, tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài. Phát triển văn hóa - xã hội được chú trọng và đạt kết quả toàn diện. Đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và là điểm sáng của năm 2023.

Có thể thấy, trong khi suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, kề vai sát cánh, cố gắng từng bước vượt qua các khó khăn, trở lực để đạt được kết quả đáng ghi nhận thì các thế lực thù địch chỉ đưa thông tin không toàn diện, từ đó nhằm kích động tâm lý tiêu cực trong một bộ phận người nghe, để chúng dễ dàng thực hiện âm mưu xuyên tạc chống phá Đảng và nhà nước.

Lâm Viên

Tin xem nhiều