Chỉ khai thác những thông tin tiêu cực, mang màu sắc u ám, một số thông tin lại không dẫn nguồn tin cụ thể, rõ ràng là thủ đoạn thường thấy của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Qua đó, bước đầu chúng muốn tạo luồng không khí ảm đảm, gieo rắc tâm lý bi quan, chán nản, buông xuôi vào bộ phận người tiếp cận thông tin để thực hiện các mưu đồ thâm độc tiếp theo.
Một số trang mạng xã hội chuyên khai thác thông tin tiêu cực. Ảnh: L.Viên |
Trường hợp các thế lực thù địch thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm là một ví dụ điển hình.
* Thủ đoạn gieo rắc tâm lý “toang thật rồi”
Theo đó, những ngày đầu tháng 3, nhiều trang mạng xã hội như v., t.,… đăng nhiều dòng trạng thái, video clip thông tin: “Xấp xỉ 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2024, nhiều hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và gấp đôi thời đại dịch…”; “Kinh doanh ở VN khó khăn hơn thời đại dịch? Gần 63.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm nay. Trung bình mỗi tháng là 31.500, nhiều hơn hẳn so với mức cùng kỳ năm ngoái, gấp 2,3 lần mỗi tháng của quý 1-2021”… Bên dưới mỗi bài đăng này là hàng trăm lượt bình luận tỏ rõ sự bi quan, cho rằng “Toang thật rồi”.
Những bài đăng phiến diện này hết sức nguy hiểm. Trong khi toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đạt những kết quả, tín hiệu rất tích cực, thì các thế lực thù địch chỉ khai thác thông tin rất phiến diện, bôi đen tình hình. Đó là chưa kể một số trường hợp đăng những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin sai sự thật. Mục đích là nhằm gieo rắc sự hoài nghi trong một bộ phận người tiếp cận thông tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
* Những tín hiệu khởi sắc từ nền kinh tế
Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5-1-2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của nước ta đã có những điểm sáng đáng ghi nhận.
Trong 7 điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam được Tổng cục Thống kê ghi nhận, nổi bật có: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,4% kế hoạch năm, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của 2 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Ước tính 2 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt hơn 59,8 ngàn tỷ đồng, bằng 8,4% kế hoạch năm và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-2-2024 đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 3,6 tỷ USD, gấp 2 lần.
Bên cạnh đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao. Đáng chú ý là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 18,6%. Nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền và người dân nên khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 ước đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 2 tháng đầu năm 2024 khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7%, tương đương với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19...
Về thông tin “Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63 ngàn doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có gần 31,5 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, thì cũng theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê: “Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41,1 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có hơn 20,5 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động”.
Có thể thấy, việc đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế của một nước cần có nhiều thông số, đồng thời cần đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế, chứ không chỉ dựa trên một tiêu chí “doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế” mà đưa ra đánh giá toàn diện được.
* Tạo sức mạnh tổng hợp, đấu tranh hiệu quả với các thế lực thù địch
Trước những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19, tiếp theo là tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu do xung đột ở một số nơi trên thế giới, dĩ nhiên với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam khó tránh khỏi sự tác động như tình hình chung các nền kinh tế khác trên thế giới. Dù vậy, nhờ vào sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự chủ động tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các địa phương; sự đoàn kết, nỗ lực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Theo thông tin từ Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 diễn ra vào ngày 5-3, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Đồng Nai 2 tháng đầu năm 2024 đã có chuyển biến tích cực với những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, do đó các cấp, các ngành phải hết sức nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. |
Do đó, người dân khi tiếp cận mạng xã hội cần trang bị bản lĩnh chính trị cũng như sự tỉnh táo, thận trọng, tránh bị “dắt mũi” thông tin. Bởi mạng xã hội và internet ngày nay là một xa lộ thông tin với rất nhiều thông tin tốt - xấu, thực - giả lẫn lộn. Bên cạnh những thông tin tích cực, còn có những thông tin xấu, độc được các thế lực thù địch lợi dụng môi trường mạng để “cài cắm”, đăng tải thường xuyên, liên tục để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, từ đó tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh hiệu quả với các thế lực thù địch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu kết luận tại hội thảo khoa học với chủ đề Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào cuối năm 2023, đã nhấn mạnh: “Thông tin chính thống rất quan trọng. Trong tình huống nếu chúng ta hành động đúng, mà các thế lực chống đối bóp méo sự thật, thông tin xuyên tạc, thêu dệt sai vấn đề, thì chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để đưa những thông tin chính thống, nói lại cho đúng. Trong tình huống nếu chúng ta làm sai, thì các thế lực thù địch sẽ dựa vào cái sai của chúng ta để tấn công chúng ta. Do đó, đòi hỏi hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên phải nỗ lực lãnh đạo, dẫn dắt xã hội để không sai, không vi phạm pháp luật, không sơ sẩy trong quá trình vận hành phát triển xã hội… Từng cấp ủy Đảng phải lãnh đạo bộ máy đội ngũ của mình tuân thủ pháp luật, thực thi công vụ chuẩn mực, phục vụ nhân dân, không để xảy ra sai sót…”.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin