Mô hình Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ cơ sở Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Vùng 2 Hải quân (Trung tâm, đóng tại huyện Nhơn Trạch) hoạt động hiệu quả thời gian qua đã giúp chị em ổn định kinh tế gia đình.
Cán bộ, hội viên họp bàn phương pháp nhân rộng và phát triển mô hình. Ảnh: N.Hà |
Việc áp dụng mô hình này đã giúp những người lính biển yên tâm thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
* Giúp nhau khi khó khăn đột xuất
Thiếu tá chuyên nghiệp Bùi Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Trung tâm, cho biết chỉ tính từ tháng 10-2021 đến 9-2023, mô hình đã huy động tổng nguồn vốn trên 1,1 tỷ đồng; giải quyết cho 56 lượt chị em phụ nữ đơn vị vay làm kinh tế gia đình, sửa sang nhà cửa, ổn định đời sống.
“Nguồn vốn chị em được vay đều sử dụng đúng mục đích, qua đó góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế, ổn định hậu phương để chồng yên tâm thực hiện nhiệm vụ và chính các chị yên tâm công tác, đóng góp vào thành công chung của đơn vị” - thiếu tá Hà chia sẻ.
Là người được giải quyết cho vay 160 triệu đồng, thiếu tá chuyên nghiệp Đào Thị Thúy Lệ (hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Trung tâm) đã đầu tư nuôi heo, nuôi gia cầm đẻ trứng, trồng rau. Mô hình có hiệu quả, kinh tế gia đình thiếu tá Lệ ổn định, phát triển, xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi con học đại học.
Hay thiếu tá chuyên nghiệp Hoàng Thị Sâm được vay từ nguồn quỹ hội để mở rộng đại lý bán gạo và kinh doanh một số mặt hàng online.
Không chỉ giúp nhau vay vốn làm ăn, tăng thu nhập cho chị em mà quỹ còn hướng đến những trường hợp khó khăn, bệnh hiểm nghèo, có nhu cầu đột xuất để giải quyết hỗ trợ vốn vay. Đơn cử như trường hợp chị Trương Thị Hằng, Phòng Hậu cần - kỹ thuật được giải quyết vay vốn để điều trị tuyến giáp; quân nhân Phạm Xuân Hưng, nhân viên Trạm 92 được vay tiền để mổ mắt…
Theo thiếu tá Bùi Thị Ngọc Hà, việc tạo dựng nguồn quỹ vốn trước hết là giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, ổn định hậu phương của gia đình những người lính biển. Đồng thời, bằng cách hoạt động hiệu quả, mô hình cũng thu hút, tập hợp chị em vào tổ chức để hỗ trợ nhau khi khó khăn, bệnh tật…
Thượng tá LẠI THẾ CÔNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật nhận xét, mô hình Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đã được thực hiện hiệu quả nhiều năm nay tại đơn vị. Với cương vị Khối trưởng Khối thi đua số 4, trung tâm tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình này trong năm 2024.
* Gắn kết đồng chí, đồng đội
Mô hình hoạt động có hiệu quả không chỉ tập hợp được 100% chị em phụ nữ trong đơn vị, mà nhiều quân nhân nam cũng góp vốn để tăng nguồn quỹ. Việc góp vốn tối thiểu là 500 ngàn đồng/người/tháng, không quy định số tiền tối đa.
Hiện nay, Hội Phụ nữ cơ sở có 4 tổ và 2 nhóm tiết kiệm chính, mỗi tháng đóng góp trung bình từ 48-50 triệu đồng, giải quyết cho từ 1-3 hội viên vay. Số tiền lãi sẽ được Hội Phụ nữ Trung tâm đưa vào quỹ hội và sử dụng vào các hoạt động: thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, nằm viện dài ngày; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các hoạt động kết nghĩa, sinh nhật hội viên mỗi quý hoặc thưởng hội viên có đóng góp lớn cho tổ, nhóm tiết kiệm...
Thời gian vay cũng được các chị trong hội thống nhất quay vòng từ 1-2 năm tùy theo từng tổ, nhóm. Tổng kết mỗi chu kỳ, các hội viên được vay sẽ trả lại toàn bộ số tiền đã góp, sau đó tiếp tục giải quyết cho vay chu kỳ mới...
Thiếu tá chuyên nghiệp Hoàng Thị Sâm bộc bạch: “Những lúc cần gấp mà kiếm được vài chục triệu đồng không phải dễ. Vì thế, mô hình mà Hội Phụ nữ cơ sở Trung tâm đang thực hiện đã kịp thời hỗ trợ nhiều lượt hội viên khi cần thiết. Đây cũng là mô hình hiệu quả đang được Hội Phụ nữ cơ sở Trung tâm thực hiện, thu hút đông đảo chị em và cả quân nhân nam cùng tham gia, tạo sự gắn kết đồng chí, đồng đội, giúp hậu phương cán bộ, chiến sĩ ổn định, yên tâm công tác”.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin