Báo Đồng Nai điện tử
En

Những mô hình vì đời sống người dân

Sông Thao
07:40, 29/03/2024

Mỗi sáng, gia đình ông Văn Thanh (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) dọn hàng bán cơm tấm phía trước nhà. Số vốn mở hàng cơm có một phần được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ cách đây 3 năm. Nhờ có công việc buôn bán này, ông Thanh có thu nhập ổn định.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa) Vương Thị Hảo trao bảng ủng hộ kinh phí tại lễ bàn giao nhà tình thương cho một gia đình.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa) Vương Thị Hảo trao bảng ủng hộ kinh phí tại lễ bàn giao nhà tình thương cho một gia đình. Ảnh: Sông Thao

Đây là một trong những mô hình trợ giúp người dân xây dựng đời sống được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp cùng chính quyền, các hội đoàn thể ở cơ sở, cơ sở tôn giáo, cộng đồng thực hiện trong thời gian qua.

Giúp người dân xây dựng cuộc sống

Mô hình Hỗ trợ người dân thoát nghèo là hoạt động an sinh xã hội nổi bật được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp triển khai thực hiện trong thời gian qua. Với mô hình này, mỗi trường hợp được hỗ trợ không hoàn lại từ 4-8 triệu đồng tự tạo việc làm. Để có kinh phí thực hiện mô hình này, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, chính quyền vận động các hội, đoàn thể ở cơ sở, cơ sở tôn giáo, cộng đồng đóng góp kinh phí. Năm 2018, mô hình có 47 triệu đồng được huy động. Từ đó đến nay, đã có 14 trường hợp được hỗ trợ 78 triệu đồng và quỹ của mô hình hiện còn tồn đến 168 triệu đồng.

Ngoài ra, thông qua kết nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, các cơ sở tôn giáo thay vì đóng góp vào quỹ của mô hình đã trực tiếp nhận giúp vốn cho các trường hợp cụ thể. Qua đó, tổ đình Phước Viên đã giúp vốn cho 5 trường hợp với số tiền 22 triệu đồng.

Trong quá trình tổ chức đại hội đại biểu ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nhiệm kỳ 2024-2029 tại Đồng Nai, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp là đơn vị cấp xã của thành phố Biên Hòa được chọn tổ chức đại hội điểm.

Bà Nguyễn Thị Nhâm, sống tại khu phố 3 cho hay, gia đình bà thuộc hộ nghèo, chồng bà là công nhân may, còn bà ở nhà nhận sửa quần áo cho hàng xóm, chăm sóc con. Vợ chồng bà muốn nhận thêm hàng về nhà gia công vào ban đêm để có thêm thu nhập. Nguyện vọng của gia đình đã được Ban Công tác Mặt trận khu phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường trợ giúp thông qua việc hỗ trợ 6 triệu đồng để mua thiết bị cần thiết.

“Tôi ở nhà tận dụng thời gian rảnh rỗi để gia công hàng, còn chồng tôi sau giờ tan làm ở xưởng thì ban đêm cùng vợ gia công hàng. Tuy cực nhưng nhờ vậy mà gia đình có thêm thu nhập” - bà Nhâm chia sẻ.

Một mô hình an sinh xã hội khác do Ủy ban MTTQ Việt Nam phường thực hiện là vận động nguồn lực cộng đồng chung tay xây nhà tình thương.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Vương Thị Hảo, thời gian qua, đã có 2 căn nhà tình thương được thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng ban đầu là 160 triệu đồng. Song trong quá trình hoàn thiện, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đã vận động hỗ trợ thêm, nhờ vậy mà 2 căn nhà bàn giao cho bà con khang trang hơn.

Xây dựng khu dân cư sạch, đẹp, nghĩa tình

Song song với các mô hình an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp còn là điểm sáng trong thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống nghĩa tình.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp phối hợp tổ chức các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh vào ngày cuối tuần, tuyên truyền về phân loại rác ngay tại nhà… Điểm nổi bật trong hoạt động bảo vệ môi trường do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường thực hiện là đã thay đổi thói quen trong sinh hoạt của bà con.

Cụ thể, trước đây người dân có thói quen hay đưa rác sinh hoạt ra dọc đường ray vắng người qua lại để bỏ trộm. Một số trường hợp canh xe lửa chạy qua để treo, móc lên các toa xe chạy qua. Nhưng nay, việc này không diễn ra mà ngược lại, bà con trong khu phố thường xuyên tổ chức thu gom rác thải dọc theo đường ray. Bà con còn mua một số loại chậu trồng cây gắn dọc một số đoạn hàng rào đường ray để vừa làm đẹp khu dân cư, vừa để nhắc nhở mọi người không bỏ rác bừa bãi. Mỗi gia đình đều chỉ bảo con em không vượt rào để chơi trên đường ray xe lửa.

Bà Vương Thị Hảo cho hay, phường có đến 19 ngàn người ở trọ trong tổng số 37 ngàn dân. Các khu nhà trọ thường rất thiếu không gian chung. Do vậy, việc vận động người ở trọ giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt được hết sức chú trọng. Bên cạnh đó, để bà con, nhất là người ở trọ nắm bắt chủ trương của địa phương, kịp thời hiểu tâm tư, tình cảm, phản ảnh, kiến nghị của người dân, được sự chấp thuận của Đảng ủy, UBND phường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đã lập ra các trang kết nối người dân thông qua Zalo. Nhờ vậy, người ở trọ hay dân thường trú đều kịp thời nắm thông tin của địa phương, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ khu dân cư.

Sông Thao

Tin xem nhiều