Trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh luôn nhất quán phương châm chỉ đạo “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo mọi điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch, nhanh chóng trên tinh thần thượng tôn pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Giải quyết thủ tục hành chính ngoài giờ hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Ảnh: P.Hằng |
Nhưng thực tế vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương… bị phản ánh ngâm hồ sơ, “đánh võng”, lòng vòng trong giải quyết TTHC của người dân và DN.
* Còn những hạn chế trong giải quyết TTHC
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hơn 300 DN trên địa bàn tỉnh diễn ra gần đây, một số DN phản ánh hồ sơ TTHC của DN liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường, thuế... bị “ngâm” quá lâu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau phản ánh của DN, các ngành có liên quan đổ lỗi cho nhau, không ngành nào nhận trách nhiệm.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XI mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đặt vấn đề, trong quý I, bức tranh kinh tế - xã hội và các mặt công tác khác của tỉnh vẫn còn những gam màu chưa sáng, một số chỉ tiêu chưa đạt theo nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Trước thực tế đó, cần xem lại chủ trương, nghị quyết của Đảng đã đúng chưa, hay hành động của chính quyền còn hạn chế. Tại sao cùng thực thi theo những quy định pháp luật giống nhau nhưng tỉnh khác làm được, tỉnh mình lại không làm được. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị hội nghị đánh giá thẳng thắn vấn đề xem cán bộ đã hành động đúng chưa, không thể để tình trạng công việc không chạy mà không có giải pháp về công tác cán bộ.
Trước vấn đề Bí thư Tỉnh ủy đặt ra, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, chủ trương của cấp ủy rất đúng, nhưng từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ cho thấy công tác cải cách hành chính (CCHC) “có vấn đề”. Mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh CCHC nhưng công tác này còn hạn chế, còn tình trạng “đá bóng” trách nhiệm trong giải quyết TTHC. Có những hồ sơ chỉ cần xử lý 5 ngày là xong nhưng lại kéo dài tới 3-4 tháng, gây khó khăn cho DN. Không chỉ gây khó khăn cho DN, mà trong xử lý TTHC giữa các sở, ngành cũng có “vấn đề”. Chẳng hạn, có nhiều nội dung công việc cần lấy ý kiến các sở, ngành nhưng việc phản hồi ý kiến giữa các sở, ngành khá chậm, làm ảnh hưởng tiến độ công việc chung.
Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, trong bối cảnh tình hình trong nước, nước ngoài còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp nhưng GRDP của Đồng Nai tăng 5,85% trong quý I là điều phấn khởi, song mức tăng này chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy. Những năm trước, tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai luôn cao hơn nhiều mức tăng trung bình cả nước, nhưng mức tăng của Đồng Nai gần đây chỉ ở mức tăng trung bình (cả nước quý I-2024 tăng trưởng kinh tế 5,66%). Muốn đạt mục tiêu nghị quyết Tỉnh ủy của năm nay là tăng trưởng GRDP đạt 6,5-7% thì mỗi quý còn lại của năm 2024 phải tăng hơn 7%. Để đạt tốc độ tăng trưởng như vậy, có vai trò quan trọng của công tác CCHC, nhất là việc thực hiện TTHC.
* Tăng trách nhiệm công vụ của các sở, ngành
Theo số liệu báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), chỉ số PAPI năm 2023 của Đồng Nai chỉ đạt gần 40 điểm, thuộc nhóm 14 tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI thấp nhất. Đây cũng là năm Đồng Nai có chỉ số PAPI thấp nhất trong những năm trở lại đây, đồng thời chuyển từ nhóm tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI trung bình thấp xuống nhóm thấp nhất.
Đối với chỉ số xếp hạng CCHC (PAR index) năm 2022 được Bộ Nội vụ công bố, Đồng Nai đứng thứ 51/63 địa phương.
Những chỉ số xếp hạng và ý kiến phản ánh của DN khiến lãnh đạo tỉnh không khỏi trăn trở: một tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước nhưng chỉ số CCHC lại đứng nhóm cuối bảng. Để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 4-4-2024 về tăng cường trách nhiệm công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, DN.
Trong chỉ thị nêu rõ, kết quả thực hiện công tác CCHC và kết quả thanh tra công vụ cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng trả hồ sơ, giải quyết hồ sơ trễ hạn dẫn đến người dân và DN phải phản ánh đến Tổng đài 1022 và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị.
Chấn chỉnh, quán triệt lại trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện chỉ đạo của cấp trên, nhất là trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết TTHC cho người dân, DN. Xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám làm dẫn đến hồ sơ trễ hẹn...
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin